Chi tiết

Có thể tăng phát triển điện mặt trời, làm điện hạt nhân mô-đun nhỏ

Bộ Công Thương mới có văn bản gửi các bộ, ngành và các bên liên quan đề nghị tham gia ý kiến dự thảo báo cáo của Thủ tướng đánh giá tình hình thực hiện Quy hoạch điện VIII.

Nguồn điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có thể được nới “room” quy hoạch là cơ hội cho người dân, tổ chức phát triển nguồn năng lượng này

Bộ Công Thương đề xuất tăng phát triển quy mô nguồn điện mặt trời

Với tình hình hiện tại, các nguồn điện lớn (điện khí, than) khó đáp ứng tiến độ đưa vào vận hành đến năm 2030. Trong ngắn hạn, Bộ Công Thương cho rằng việc tăng quy mô phát triển điện mặt trời (có thời gian triển khai nhanh) để đáp ứng khả năng cung ứng điện trong thời gian tới là cần thiết.

Theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, tổng công suất nguồn điện mặt trời là 12.836 MW. Đến năm 2050, tổng công suất nguồn điện mặt trời là 168.594-189.294 MW. Quy mô điện mặt trời phát triển đến năm 2030 không nhiều, chỉ tăng thêm 1.500 MW.

Vì vậy, Bộ Công Thương đã gửi báo cáo tới Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp thu, giải trình một số nội dung theo chỉ đạo, kèm theo dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.

Riêng với điện hạt nhân, Quy hoạch điện VIII chưa dự kiến phát triển các nguồn điện này tại Việt Nam.

Song, Bộ Công Thương cho rằng, với lợi ích và điều kiện thuận lợi của năng lượng hạt nhân lò phản ứng mô-đun nhỏ (công suất khoảng 300 MW mỗi tổ máy, bằng 1/3 công suất phát của các lò phản ứng điện hạt nhân truyền thống), cộng với việc nhiều nước trên thế giới đang triển khai nguồn điện này, việc Việt Nam nghiên cứu giải pháp phát triển năng lượng hạt nhân lò phản ứng mô-đun nhỏ, bao gồm nhà máy điện hạt nhân nổi trong tương lai là có thể xem xét.

Theo Bộ Công Thương, lò phản ứng mô-đun nhỏ là lò phản ứng hạt nhân tiên tiến có công suất lên tới 300 MW mỗi tổ máy, bằng khoảng 1/3 công suất phát của các lò phản ứng điện hạt nhân truyền thống.

Lò phản ứng mô-đun nhỏ có thể sản xuất một lượng lớn điện có hàm lượng carbon thấp, có thể được kết hợp và tăng hiệu quả của các nguồn năng lượng tái tạo trong hệ thống và đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, đồng thời giúp các quốc gia giải quyết các mục tiêu phát triển bền vững.

Theo đó, cơ quan này kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương cho phép điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, sau hơn 15 tháng có hiệu lực (tháng 5-2023).

“Nếu các nguồn điện được phê duyệt tại Quy hoạch điện VIII không đáp ứng tiến độ thì cung ứng điện trong các năm 2025-2030 hết sức khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ thiếu hụt điện năng” – báo cáo nhận định tình hình.

Source link