Cổ tức 2024: UPCoM áp đảo top đầu, tỷ suất hàng trăm %
Kết năm 2024, toàn thị trường xuất hiện nhiều mã cổ phiếu cho mức chi cổ tức với tỷ lệ tới hàng trăm phần trăm. Trong đó, tỷ lệ áp đảo đến từ sàn UPCoM.
Thống kê từ VietstockFinance, trong số hơn 750 doanh nghiệp chốt quyền chia cổ tức bằng tiền trong năm 2024 (ít nhất 1 đợt), có 448 đơn vị cho tỷ lệ trên 10%. Đáng chú ý, năm qua đã có 10 cái tên trên cả 3 sàn trả cổ tức với tỷ lệ vượt 100% (mỗi cổ phiếu nhận được 10,000 đồng), và sàn UPCoM chiếm phần lớn “spotlight” trong top 20 doanh nghiệp trả cổ tức cao nhất.
20 doanh nghiệp trả cổ tức cao nhất năm 2024
|
UPCoM áp đảo top đầu
Có tới 11 doanh nghiệp đến từ sàn UPCoM nằm trong top 20 đơn vị trả cổ tức cao nhất năm qua.
Ngôi vương thuộc về TTP (Bao bì Tân Tiến) với tỷ lệ 350%, tức 35,000 đồng/cp, là cổ tức 2023 và là kỷ lục lịch sử lên sàn của Doanh nghiệp. Với giá đóng cửa kết phiên 20/12 là 52,000 đồng/cp, tỷ suất cổ tức các cổ đông được hưởng là 67%.
Tuy nhiên, cổ đông nhỏ lẻ hoặc các nhà đầu tư mới rất khó để mua được TTP, bởi gần 98% vốn của Doanh nghiệp đã thuộc về công ty mẹ là Tập đoàn Hàn Quốc Dongwon Systems Corporation. Hơn nữa, TTP đã bị huỷ tư cách công ty đại chúng từ tháng 9/2024, đồng nghĩa với việc sẽ sớm rời khỏi sàn giao dịch. Nói cách khác, việc mua được TTP lúc này gần như bất khả thi.
Xếp thứ 2 trong top 20 là Masan Consumer (UPCoM: MCH), thành viên của Tập đoàn Masan (HOSE: MSN). Trong năm 2024, MCH có 3 lần chốt quyền trả cổ tức, tổng tỷ lệ lên tới 318% (31,800 đồng/cp), gồm 2 đợt trả cổ tức năm 2023 (tổng 223%) và 1 đợt tạm ứng năm 2024 (95%). Xét trên thị giá, tỷ suất cổ tức của MCH rơi vào khoảng 14%.
Thực tế, MCH có truyền thống chi trả cổ tức khá hậu hĩnh. Trừ năm 2022 không chia, các năm trước đó đa phần được chi trả với tỷ lệ tới 45%.
Cái tên tiếp theo của UPCoM trong top đầu là FBC (Cơ khí Phổ Yên, hay Fomeco), với khoản cổ tức kỷ lục 200% dành cho cổ đông. Nguyên nhân chính cho khoản cổ tức này là nhờ lãi ròng kỷ lục 73 tỷ đồng trong năm 2023, tăng 21% so với năm 2022, do giá nguyên vật liệu giảm giúp hạ chi phí, đồng thời lợi nhuận tài chính tăng nhờ tận dụng nguồn tiền đầu tư để gửi tiết kiệm.
Đáng chú ý, thị giá FBC chỉ là 3,700 đồng/cp, tương đương tỷ suất cổ tức tới 541%. Tuy vậy, muốn mua FBC không dễ, trong bối cảnh công ty mẹ cùng các cổ đông lớn đã sở hữu hơn 78% và suốt 2 năm qua không phát sinh bất kỳ giao dịch nào.
Một cái tên nổi bật khác là VNX (Vinexad) với kỷ lục cổ tức 150%, tỷ suất 89%. Nhưng với chỉ 1.2 triệu cp đang lưu hành và các phiên giao dịch hầu như không có thanh khoản, cơ hội để sở hữu VNX là không nhiều.
Không chỉ áp đảo top đầu, sàn UPCoM cũng gần như chiếm trọn “spotlight” khi sở hữu 9 trên 10 mã cổ phiếu cho tỷ suất cổ tức cao nhất năm. Thậm chí, FBC với tỷ suất 541% chỉ đứng top 3, trong khi 2 mã dẫn đầu là PTG và VDB cho tỷ suất tương ứng là 714% và 593%, dù chỉ chia cổ tức với tỷ lệ khoảng 50%.
Điểm chung của 2 mã này là đều có thị giá rất… trà đá (PTG chỉ 700 đồng/cp, VDB là 900 đồng/cp), cơ cấu cổ đông hết sức cô đặc, và hầu như không có cơ hội “vào hàng” vì trắng thanh khoản trên thị trường.
Tương tự là BCB, đứng thứ 4 danh sách. Dù chia cổ tức với tỷ lệ 29%, nhưng tỷ suất cổ tức lên tới 417% do thị giá chỉ 700 đồng/cp.
Top 10 mã cổ phiếu có tỷ suất cổ tức cao nhất năm 2024
|
HNX cùng 3 “trùm cổ tức”
Sàn HNX chỉ có 3 đại diện trong top 20, nhưng đều ở tỷ lệ trên 100%.
Mía đường Sơn La (SLS) có năm thứ 3 liên tiếp vào danh sách trả cổ tức top đầu thị trường với tỷ lệ 200%, tỷ suất cổ tức 11%.
SLS là gương mặt quen thuộc trong danh sách trả cổ tức top đầu thị trường những năm gần đây. Ảnh minh họa
|
Theo thống kê, kể từ khi niêm yết trên HNX vào năm 2012, SLS luôn chi trả cổ tức hàng năm bằng tiền mặt cho cổ đông. Những năm gần đây, tỷ lệ chi trả thường trên 50%, thậm chí là cao nhất HNX năm 2022 với tỷ lệ 100%. Năm 2023, tỷ lệ cổ tức lên tới 150%.
Tuy nhiên, cổ phiếu SLS có thanh khoản không cao, khối lượng giao dịch chỉ vài trăm đến vài ngàn cổ phiếu mỗi phiên.
Bến xe Miền Tây (HNX: WCS) gây bất ngờ với mức cổ tức 160%, dù tỷ suất chỉ 6%. Nguyên nhân chính do mức lợi nhuận kỷ lục năm 2023 (66 tỷ đồng, gấp 1.7 lần năm trước). Dù vậy, đây chưa phải mức cổ tức cao nhất mà WCS từng chi trả. Năm 2018 và 2019, Doanh nghiệp từng chia cổ tức tới 400% và 516% cho cổ đông.
Cuối cùng là PMC (Pharmedic) với 4 đợt trả cổ tức, tổng tỷ lệ 120%, gồm 2 đợt cổ tức của năm 2023 (55%) và 2 đợt năm 2024 (65%). Động lực chính từ tình hình kinh doanh thuận lợi, khi PMC đạt lãi ròng kỷ lục gần 84 tỷ đồng trong năm 2023, vượt kỷ lục 83.4 tỷ đồng thiết lập năm trước đó. Tỷ suất cổ tức của PMC là 10%.
HOSE: Cao nhất 250%
Trong top 20, có 6 doanh nghiệp đang niêm yết trên HOSE. Nổi bật là mức cổ tức 250% của VCF (Vinacafe Biên Hòa). Tuy nhiên, với thị giá top đầu sàn (khoảng 210,000 đồng/cp), tỷ suất cổ tức của VCF chỉ là 12%.
Chính sách cổ tức của VCF được duy trì đều đặn trên nền tảng kinh doanh ổn định. Giai đoạn 2015-2019, doanh thu hàng năm của VCF đều trên 3 ngàn tỷ đồng, sau đó giảm về bình quân 2.4 ngàn tỷ đồng/năm. Lãi ròng tuy lên xuống, song, vẫn đều đặn trên 300 tỷ đồng/năm. Trong 9 tháng đầu năm 2024, Doanh nghiệp cũng thu về gần 1.67 ngàn tỷ đồng doanh thu, và lãi ròng hơn 287 tỷ đồng.
Kế đến là Nhựa Bình Minh (BMP) với tỷ lệ 118.4% thông qua 2 đợt trả cổ tức năm 2023 và 2024. Tỷ suất cổ tức khoảng 9%.
Đây là năm thứ 2 liên tiếp BMP duy trì mức cổ tức trên 100%, và nó xuất phát từ kết quả kinh doanh ấn tượng. 9 tháng đầu năm 2024, lãi ròng ở mức 760 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% và thực hiện được 73% kế hoạch năm. Tuy nhiên, Doanh nghiệp có tới gần 2,300 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi tại thời điểm cuối quý 3, chiếm 65% tổng tài sản, mức cao nhất trong lịch sử hoạt động.
Dược Hậu Giang (DHG) cũng chia cổ tức tới 115% trong năm 2024, gồm 2 đợt cho năm 2023 (75%) và 1 đợt năm 2024 (40%). Riêng năm 2024, DHG dự định chi cổ tức với tỷ lệ 75%, có nghĩa cổ đông sẽ nhận ít nhất 35% nữa trong năm tới. Tỷ suất cổ tức của DHG là 10%.
Ngoài ra, 3 cái tên còn lại của sàn HOSE trong top 20 là D2D, HTL và SCS, tỷ lệ đều trên 80%.
– 08:00 26/12/2024