Sự cởi mở, thẳng thắn của lãnh đạo HPG tại các đại hội cổ đông “ghi điểm” với cổ đông và thị trường.
(ĐTCK) Cởi mở chia sẻ thông tin với cổ đông là cách doanh nghiệp để lại ấn tượng tốt và tạo dựng niềm tin với cổ đông.
Tiêu chí nhận biết một doanh nghiệp tốt
Trước mùa đại hội cổ đông năm nay, broker Tú Phạm đã chia sẻ với các khách hàng của mình, trong đó có nhiều nhà đầu tư F0, chưa có kinh nghiệm dự đại hội về những tiêu chí để nhận biết một doanh nghiệp tốt, xứng đáng đầu tư. Trong đó, sự cởi mở của doanh nghiệp là một trong những tiêu chí mà broker này đánh giá là quan trọng nhất.
Năm nào cũng vậy, đại hội cổ đông của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoà Phát (mã HPG) luôn là sự kiện được giới đầu tư mong chờ. Hội trường tổ chức đại hội của HPG luôn đông nghịt người tham dự. Trong phần đối thoại trực tiếp với nhà đầu tư, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị HPG luôn trả lời các vấn đề một cách thẳng thắn, đúng trọng tâm và không giấu giếm những thông tin mang tính tiêu cực hay bất lợi cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, hình ảnh ông Trần Đình Long được cổ đông vây kín trên sân khấu trò chuyện rôm rả, gần gũi luôn trở thành dấu ấn đẹp mỗi mùa đại hội. Thị trường còn so sánh hình ảnh này ông Long như đang trong một buổi “fansign” chính hiệu (sự kiện các thần tượng tổ chức để tương tác trực tiếp với fan của mình).
Phần thảo luận kéo dài đến 2 giờ đồng hồ trực tiếp kết hợp trực tuyến của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG) năm 2023 cũng từng là chủ đề bàn luận vui của nhiều nhà đầu tư.
Nhiều người bình luận: “Ngủ được một giấc dậy vẫn thấy anh Tài (Chủ tịch Hội đồng quản trị MWG) đang trả lời”, hay “Nghe phần thảo luận từ trước khi lên máy bay, hạ cánh rồi vẫn chưa thấy xong”… Phần thảo luận của đại hội cổ đông thường niên năm nay của MWG dù không kéo dài đến 2 giờ, nhưng thống kê cho thấy Ban lãnh đạo doanh nghiệp này đã trả lời trên dưới 30 câu hỏi lớn nhỏ từ phía cổ đông.
Ở chiều ngược lại, có những doanh nghiệp chưa chú trọng giải quyết các vấn đề cổ đông muốn nghe mà chỉ chăm chăm chia sẻ về những điều mình muốn nói.
Cổ đông một doanh nghiệp vận tải hành khách trong phần thảo luận đã đề cập đến nhiều vấn đề liên quan đến chiến lược mới của doanh nghiệp đang rất được thị trường quan tâm. Dù các câu hỏi tương đối rõ ràng, cụ thể, nhưng ban lãnh đạo chỉ lựa chọn một vài ý để trả lời. Thông tin mà nhà đầu tư này mong muốn nhận được cũng chưa đầy đủ, nhưng chủ tọa đã nhanh chóng chuyển sang câu hỏi khác để kết thúc thảo luận.
Trong khi đó, cổ đông khi tham dự đại hội trực tuyến của một doanh phát hành sách có tiếng đã bị “bơ” luôn hai câu hỏi liên quan trực tiếp đến quyền lợi của mình là cổ tức và tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Dù rất bức xúc nhưng cổ đông này cũng đành ngậm ngùi chấp nhận vì cổ đông lớn nắm trên 50% cổ phần đã thông qua mọi kế hoạch.
Ở bên kia sự cởi mở, chẳng hiếm những đại hội lãnh đạo doanh nghiệp sẵn sàng “đốp chát” lại luôn với cổ đông của mình.
Tại đại hội cổ đông năm 2023, một cổ đông của Tổng công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam (mã VGV) đã đưa ra hai câu hỏi liên quan đến việc quản trị các công ty con, cũng như cải thiện công tác quản trị, nhưng chỉ nhận được câu trả lời chung chung từ người đứng đầu doanh nghiệp. Sau khi cổ đông nhắc lại vấn đề thì bị từ chối thẳng thừng với lý do đại hội không chỉ của người này và chuyển sang cổ đông khác.
Còn tại đại hội năm ngoái của Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã QCG), một cổ đông nêu ý kiến về việc Công ty không thực hiện chia thưởng cổ phiếu thì phải công bố thông tin cho cổ đông và yêu cầu Hội đồng quản trị có lời xin lỗi.
Sau một hồi đối đáp căng thẳng, người này cho rằng QCG không tôn trọng cổ đông, còn bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc đáp lại mình “không có trách nhiệm”. Dù sau đó, phía Công ty ghi nhận sẽ rút kinh nghiệm về việc này nhưng sự việc khiến QCG phần nào mất điểm trong mắt cổ đông, nhà đầu tư.
Từ cởi mở đến minh bạch
Đại hội cổ đông là dịp để cổ đông gặp gỡ và đối thoại trực tiếp với ban lãnh đạo doanh nghiệp. Tại đây, cổ đông sẽ được nắm bắt thông tin, tham gia vào các quyết định quan trọng và thể hiện quyền lợi được đóng góp ý kiến với doanh nghiệp. Phần lớn các đại hội được ấn định tổ chức vào ngày trong tuần, nhưng nhiều cổ đông vẫn cố gắng thu xếp công việc chính của họ để tham dự.
Đến dự đại hội cổ đông của Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh (mã REE) vào ngày thứ Sáu trong tuần, anh Hoàng Lâm, một cổ đông 9x chia sẻ, dù vào ngày đi làm nhưng anh vẫn xin nghỉ buổi sáng để đến đây tham dự. Hơn 12h trưa, đại hội mới kết thúc, cổ đông này lại hớt hải về công ty để kịp giờ làm buổi chiều.
“Mình không đi cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp vì chỉ là cổ đông nhỏ (sở hữu vài nghìn cổ phiếu). Thông tin trên báo đài sau đại hội cũng không thiếu, nhưng mình muốn tận mắt nhìn thấy ban lãnh đạo, nhìn cách họ điều hành doanh nghiệp và chia sẻ với cổ đông. Những điều này sẽ giúp mình đánh giá được sự minh bạch của công ty”, anh Lâm nói.
Sự minh bạch, theo anh Lâm, là cách doanh nghiệp chia sẻ thẳng thắn và rõ ràng các vấn đề của mình với cổ đông (hay không) qua phần thảo luận và giờ giải lao – điều mà cổ đông khó nhận thấy nếu chỉ đọc qua các bài viết trên mặt báo.
Từ đó, cổ đông sẽ đưa ra quyết định tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp hay tìm cơ hội mới. Sự minh bạch cũng đến từ bình đẳng, bình đẳng giữa cổ đông lớn và cổ đông nhỏ, bình đẳng trong đóng góp ý kiến và nêu lên quan điểm.
Nếu nhận thấy ban lãnh đạo có dấu hiệu thiếu cởi mở và nhiệt tình, niềm tin của cổ đông với doanh nghiệp cũng vơi bớt. Trong khi niềm tin là yếu tố quan trọng để duy trì mối quan hệ lâu dài giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Mất niềm tin sẽ dẫn đến nhiều rủi ro với doanh nghiệp, dễ thấy nhất là giá cổ phiếu bị tác động tiêu cực và xa hơn là là ảnh hưởng xấu tới uy tín của công ty trên thị trường và hoạt động kinh doanh, các kế hoạch gọi vốn.
Công ty cổ phần Thiết bị y tế Việt Nhật (mã JVC) là một ví dụ về hậu quả của việc niềm tin của nhà đầu tư không còn sau hàng loạt vi phạm về công bố thông tin, gian lận tài chính, thiếu tôn trọng cổ đông trong đại hội, đặc biệt là lãnh đạo doanh nghiệp bị khởi tố về tội lừa dối khách hàng. Giá cổ phiếu JVC đã liên tục lao dốc, mất đến 80% chỉ sau 4 tháng.
Các khách hàng cũng dần quay lưng với doanh nghiệp, e ngại khi tiếp tục hợp tác với JVC. Nhiều dự án JVC không thể tham gia đấu thầu, việc tiếp cận các khoản vay ngân hàng cũng rất khó làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Đến nay, JVC vẫn đang nỗ lực xử lý tàn dư từ giai đoạn trước, nhưng niềm tin với nhà đầu tư lúc này thật mong manh.
Tóm lại, một doanh nghiệp cởi mở với cổ đông không chỉ tạo ra sự minh bạch trên thị trường, mà còn tạo niềm tin giúp cổ đông yên tâm nắm giữ cổ phiếu trong dài hạn, cũng là cách doanh nghiệp đảm bảo cho sự phát triển bền vững và lâu dài của mình, tăng tính khả thi trong những kế hoạch phát hành, chào bán tương lai.
Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/coi-mo-tieu-chi-nhan-biet-mot-doanh-nghiep-tot-post347386.html