Chi tiết

Còn nhiều dự án trễ hẹn

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết giải ngân vốn đầu tư công của cả nước tính đến ngày 31-7 khoảng 232.100 tỉ đồng, mới đạt 34,68% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong khi cùng kỳ năm 2023 đạt 37,85%. Trong đó có đến 33 bộ, cơ quan trung ương và 25 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước. Đặc biệt, một số địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới 20% như TP HCM, Phú Yên, Bắc Ninh…

Chậm tiến độ vì đâu?

Ghi nhận thực tế tại 2 trong số những dự án chỉnh trang đô thị được người dân TP HCM trông đợi là dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm (nối từ sông Vàm Thuật đến kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, thuộc 2 quận Bình Thạnh và Gò Vấp) và cải tạo môi trường bờ Bắc kênh Đôi quận 8, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP HCM, chủ đầu tư 2 dự án, cho biết khó khăn hiện nay là điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án do chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) tăng so với trước; việc bố trí nền tái định cư và công tác GPMB cũng gặp nhiều khó khăn khiến việc giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Đối với dự án cải tạo môi trường bờ Bắc kênh Đôi, theo tổng mức đầu tư đã được HĐND TP HCM phê duyệt thì chi phí bồi thường GPMB khái toán là 3.583 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, dự án có thay đổi về phương án, chính sách bồi thường khi áp dụng Luật Đất đai vừa có hiệu lực từ ngày 1-8-2024. 

Đồng thời, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho dự án nhà trên và ven kênh rạch trên địa bàn TP HCM dự kiến áp dụng mức hỗ trợ là 70% giá bồi thường đất ở. Ban Bồi thường GPMB quận 8 cập nhật khái toán chi phí bồi thường, GPMB lên tới 6.000 tỉ đồng, tăng 2.485 tỉ đồng so với tổng mức đầu tư đã được thông qua. Do đó, cần phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án làm cơ sở triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho dự án, dự kiến trình HĐND TP HCM trong kỳ họp tháng 9 tới.

Ngoài việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, quỹ nhà phục vụ tái định cư cho dự án cũng chờ các sở, ngành phối hợp quận 8 giải quyết. “Hiện nay, Ban Quản lý dự án hạ tầng đang cố gắng đẩy nhanh các thủ tục liên quan, để sớm được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi trong quý III/2024, làm cơ sở để triển khai công tác lập thiết kế bản vẽ thi công và dự toán; triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư và khởi công trong năm 2025 theo kế hoạch” – đại diện Ban Quản lý dự án hạ tầng cho hay.

Về dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, khó khăn chủ yếu do khối lượng GPMB rất lớn. Hiện quận Gò Vấp và Bình Thạnh đang khẩn trương thực hiện các thủ tục để hoàn thành bàn giao mặt bằng cho Ban Quản lý dự án hạ tầng triển khai khởi công theo kế hoạch. Quận Gò Vấp dự kiến bàn giao mặt bằng toàn tuyến trong tháng 12-2024.

Riêng quận Bình Thạnh, do khối lượng GPMB rất lớn nên dự kiến đến tháng 4-2025, quận mới hoàn thành thủ tục để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư khởi công 2 gói thầu XL-01 và XL-02.

Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm đang gặp khó ở khâu giải phóng mặt bằng và tái định cư cho người dân. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm đang gặp khó ở khâu giải phóng mặt bằng và tái định cư cho người dân. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ngoài 2 dự án trên, một số gói thầu thuộc dự án thành phần 1 đường Vành đai 3 TP HCM cũng đang chậm tiến độ. Điển hình, khu vực qua huyện Bình Chánh nhiều đoạn mặt bằng đã sẵn sàng nhưng chưa triển khai vì thiếu cát và đây là thách thức đối với mục tiêu thành toàn bộ dự án vào năm 2026.

Dự án cải tạo kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên có 9/10 gói thầu xây lắp đang được triển khai thi công thử cọc bê-tông cốt thép. Tuy nhiên, công tác thi công phát sinh một số khó khăn khi 54 vị trí hộ dân, doanh nghiệp tái lấn chiếm mặt bằng đã bàn giao cho dự án từ giai đoạn 1; một số vị trí bờ kênh còn bị đổ rác gây ô nhiễm, cản trở việc thi công.

Tại Đồng Nai, hàng loạt dự án giao thông trọng điểm như 2 dự án thành phần thuộc dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đường Vành đai 3 TP HCM, đường ven sông và công viên, kè bờ sông Đồng Nai, đường ven sông Cái… không đạt kế hoạch giải ngân vốn, dù các cơ quan chức năng cũng như các địa phương đã vào cuộc triển khai rầm rộ các đợt tăng tốc GPMB. Đại diện một số đơn vị chủ đầu tư đều cho rằng vướng mắc lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn là công tác GPMB để thi công các dự án.

Không chỉ khó ở khâu giải phóng mặt bằng

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ông Võ Tấn Đức, thừa nhận công tác GPMB các dự án trên địa bàn tỉnh còn chậm dẫn đến tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công chưa đạt kỳ vọng đề ra. “Đầu năm, các đơn vị đã cam kết hết tháng 6 sẽ giải ngân đạt 50% kế hoạch vốn. Thế nhưng, đến cuối tháng 7, tỉnh mới giải ngân được hơn 5.400 tỉ đồng, đạt hơn 28% kế hoạch vốn” – ông Võ Tấn Đức chỉ rõ trong cuộc họp báo cáo tình hình kinh tế – xã hội vào đầu tháng 8 mới đây.

Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cũng chỉ nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh còn thấp do khó khăn, vướng mắc về bồi thường, GPMB; khó khăn trong việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư và liên quan đến quá trình triển khai dự án. Cụ thể, đến nay tỉnh vẫn còn 62 dự án chưa hoàn thành công tác bồi thường GPMB, một số dự án vướng mắc liên quan đất quốc phòng, đất rừng.

Ngoài các vướng mắc trên, còn do công tác phối hợp giữa chủ đầu tư và chính quyền địa phương chưa chặt chẽ, chưa quyết liệt, thiếu chủ động, người đứng đầu chưa xử lý dứt điểm vướng mắc. Nguyên nhân một phần cũng do năng lực thi công của nhà thầu còn hạn chế.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi chỉ ra khó khăn nằm ở một khâu như: quy hoạch, GPMB, thủ tục… Nhiều dự án phải chờ luật mới như Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1-8-2024 và Luật Đấu thầu 2023 có hiệu lực từ ngày 1-1-2024 nhưng đến cuối tháng 4, các văn bản hướng dẫn mới ban hành đầy đủ, một phần kéo dài thời gian lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án và thời gian thực hiện các bước sau đó.

Bên cạnh đó, một số dự án có vốn đầu tư phải giải ngân lớn của thành phố đang gặp khó khăn, vướng mắc về thủ tục và đang trong quá trình phối hợp với các bộ, ngành trung ương để tháo gỡ nên chưa thể giải ngân ngay được số vốn đã bố trí. Ngoài ra, việc phối hợp giữa các cơ quan liên quan, trong đó có các đối tác phát triển dự án để giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai và hoàn thành dự án…

Cán bộ phụ trách mảng đầu tư công tại một cơ quan nhà nước ở TP HCM chỉ ra thêm một số nguyên nhân khiến tỉ lệ đầu tư công giải ngân chậm. Đơn cử, nhóm công trình, dự án dùng vốn ngân sách chuyển tiếp có thể chưa có khối lượng để giải ngân tiếp nên chậm. Vì thông thường cuối năm trước, đấu thầu xong thì chủ đầu tư (các sở, ngành, quận, huyện) đã tạm ứng cho nhà thầu rồi, giờ chưa có hoặc chưa đủ khối lượng để giải ngân tiếp. Do đó, các tháng đầu năm thường chỉ dừng lại ở việc thực hiện các thủ tục hoàn tất hồ sơ. Đối với nhóm công trình chuẩn bị dự án có thể chậm ở khâu thẩm định, phê duyệt dự án; chậm ở công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu…

Ngoài ra, một số quy định mới tại Luật Đấu thầu 2023 cũng đang tạo rào cản ảnh hưởng tới tiến độ đấu thầu, phê duyệt dự án, các sở, ngành, quận, huyện ở các địa phương. Đơn cử, trước đây, Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, quy định dù chỉ một nhà thầu tham gia gói đấu thầu cạnh tranh qua mạng thì chủ đầu tư cũng có thể mở thầu ngay để tiến hành đánh giá. 

Đồng Nai khẩn trương bàn giao mặt bằng

Chỉ đạo trong buổi làm việc với các sở, ngành và địa phương về tiến độ thực hiện công tác bồi thường, GPMB 2 dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và Vành đai 3 TP HCM chiều 13-8, ông Võ Tấn Đức yêu cầu các đơn vị cần quán triệt, triển khai công việc theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, tăng cường tinh thần trách nhiệm, tất cả vì các dự án trọng điểm quốc gia, vì sự phát triển của Đồng Nai.

Ông Võ Tấn Đức đề nghị các ngành chức năng nỗ lực hơn nữa, nâng cao trách nhiệm trong thi hành công vụ; tập trung làm việc kể cả ban đêm, thứ bảy, chủ nhật để hoàn thành khối lượng công việc còn lại. “Đến cuối tháng 8, TP Biên Hòa, Long Thành phải hoàn thành phê duyệt phương án bồi thường cho tất cả trường hợp nhường đất phục vụ tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu; huyện Nhơn Trạch bàn giao toàn bộ mặt bằng đường Vành đai 3 TP HCM” – quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh.

Ông Đức cũng yêu cầu Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai chủ trì, hướng dẫn các đơn vị lập hồ sơ, thủ tục để quý IV/2024 bắt đầu di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu. Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Sở Tài chính lên phương án bố trí ngân sách bổ sung để các địa phương chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ.

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 13-8

Source link