Chi tiết

Công nghệ thúc đẩy tài chính toàn diện là xu hướng không thể đảo ngược

Tạo đàm Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia: Con đường tiếp cận vốn mới của doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh tại Việt Nam. Ảnh: NT

Ngày 25/10, Báo Nhân Dân phối hợp cùng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) tổ chức tọa đàm “Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia: Con đường tiếp cận vốn mới của doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh tại Việt Nam”.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân cho biết, Việt Nam cũng là một trong 25 quốc gia ưu tiên tập trung phát triển tài chính toàn diện trong Sáng kiến phổ cập tiếp cận tài chính đến năm 2020. Ngày 22/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 149/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến 2030. Chiến lược xây dựng mục tiêu tổng quát là tối đa hóa các đối tượng được tiếp cận và sử dụng an toàn các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp, có chi phí hợp lý, có trách nhiệm và bền vững, được cung ứng bởi các tổ chức hợp pháp.

Trình bày tóm tắt báo cáo “Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, so sánh kinh nghiệm quốc tế về chuyển đổi số dịch vụ tài chính” của Viện Chiến lược phát triển kinh tế số, Ths. Đoàn Ngọc Khanh, Chánh văn phòng IDS cho biết, kết quả nghiên cứu cho thấy, ở Việt Nam khoảng cách giữa các nhóm doanh nghiệp trong tiếp cận dịch vụ tài chính ngày càng rộng ra theo hướng bất lợi hơn cho doanh nghiệp nhỏ.

Về vay vốn ngân hàng, doanh nghiệp nhỏ ngày càng khó tiếp cận vốn ngân hàng hơn và khoảng cách ngày càng xa so với nhóm doanh nghiệp vừa và lớn. Nguyên nhân chủ yếu là do hầu hết doanh nghiệp đi vay phải có tài sản bảo đảm. Đặc biệt, năm 2023, lãi suất cao cũng là lý do chính cản trở doanh nghiệp vay vốn.

Nghiên cứu kinh nghiệm các quốc gia trên thế giới và thực trạng tài chính Việt Nam, nhóm nghiên cứu đưa ra một vài bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Thứ nhất, cần xây dựng một khuôn khổ pháp lý theo hướng kết hợp sáng tạo giữa phương pháp quản lý vừa nới lỏng, vừa cẩn trọng. Sớm ban hành khuôn khổ pháp lý thử nghiệm (Regulatory Sandbox) để giảm thiểu các rủi ro chưa thể lường trước khi áp dụng các công nghệ mới, theo hướng hạn chế số lượng sản phẩm được ghi danh vào chương trình thử nghiệm, nhưng đã đồng ý thử nghiệm thì tiếp cận với tư duy cởi mở.

Ban hành các quy định quản lý chính thức sau khi các sản phẩm tài chính được thử nghiệm và phát triển trên thị trường.

Xây dựng, ban hành một hệ thống tiêu chuẩn cấp phép và các yêu cầu kỹ thuật minh bạch cho tất cả các bên tham gia thị trường. Cơ quan quản lý cần có hướng dẫn rõ ràng về kỳ vọng của mình đối với các tiêu chuẩn công nghệ được sử dụng để quản lý các nghĩa vụ tuân thủ, đặc biệt là quan điểm/góc nhìn về “công nghệ tuân thủ tốt nhất”.

Chủ động nhận diện và khắc phục kịp thời, có hiệu quả các các yếu tố cản trở sự phát triển của tài chính toàn diện như cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cơ sở dữ liệu, hành lang pháp lý, vấn đề về bất bình đẳng giới… để tạo sự giải phóng nguồn lực, đảm bảo một sân chơi bình đẳng, rõ ràng cho tất cả các bên tham gia.

Cuối cùng, cần đảo đảm sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước; trong đó xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan trong việc quản lý, giám sát hoạt động này, bao gồm các nội dung liên quan đến quy định về cơ sở hạ tầng về công nghệ, cơ sở dữ liệu, quy trình cấp phép, quy trình giám sát, quy định về bảo vệ khách hàng, phòng chống rửa tiền…

80% gánh nặng tài chính trên vai hệ thống ngân hàng

TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, kể từ khi thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện, các vấn đề tài chính với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có sự tiến bộ nhưng có sự phân mảnh. Đáng chú ý, các đối tượng có khả năng tài chính tốt hơn thì khả năng tiếp cận tài chính cũng tốt hơn vì đáp ứng được các yêu cầu của tổ chức tài chính truyền thống, khiến so với nhóm “yếu thế” ngày càng xa.

Cùng với đó, 80% gánh nặng tài chính hiện đang đặt lên vai các tổ chức tín dụng (TCTD) truyền thống, TS. Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh, không thể để một mình hệ thống ngân hàng gánh toàn bộ hệ thống tài chính quốc gia như vậy. Mục tiêu của chiến lược tài chính toàn diện là định hướng để có sự chia sẻ, cùng chung tay huy động nguồn lực vào phát triển kinh tế xã hội.

Ông Kiên cho biết, qua nghiên cứu cho thấy, hầu hết các giải pháp tốt của các nước đều áp dụng khoa học công nghệ để thúc đẩy tài chính toàn diện. Có thể sự kết hợp của TCTD truyền thống với tổ chức công nghệ trong chuyển đổi số sẽ là khâu quyết định thành công của chiến lược chuyển đổi số và tài chính toàn diện.

Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN nhấn mạnh, tài chính toàn diện là chiến lược vô cùng quan trọng nhưng hiện nay vẫn chưa đạt mục tiêu mong muốn.

“Cần đặt vấn đề, tại sao với một quốc gia có 100 triệu dân, hơn 1 triệu doanh nghiệp nhưng tài chính vi mô vẫn èo uột? Cần chính sách hỗ trợ nhà nước như thế nào? Hạ tầng ra sao? Giải pháp gì để hiện thực hóa các mục tiêu?”, Phó Thống đốc đặt vấn đề.

Theo đó, đại diện NHNN cho rằng, có 4 trụ cột cần làm. Một là hành lang pháp lý phải được ban hành, tạo thuận lợi cho tài chính vi mô phát triển nhưng cũng cần có ràng buộc.

Hai là đổi mới, làm rõ về hệ thống vi mô, các mô hình tổ chức tài chính này, kể mô hình của nhà nước và thị trường.

“Nhiều tổ chức quốc tế sẵn sàng mang vào hàng triệu USD vào các tổ chức tài chính vi mô nhưng để vào được thì khó vô cùng, vì hành lang pháp lý chưa rõ”, Phó Thống đốc nói.

Ba là nâng cao nhận thức về tài chính toàn diện.

Bốn là ứng dụng công nghệ số vừa là phương tiện, vừa là giải pháp. Đây là con đường, phương thức mới để tiếp cận tài chính vi mô. Đây là xu hướng không thể đảo ngược. Bản thân các NHTM cũng đang đẩy mạnh cạnh tranh về công nghệ số, không còn chỉ là lãi suất.

Riêng về khó khăn vốn của DN nhỏ và siêu nhỏ, Phó Thống đốc cho rằng, hiện nay gánh nặng vốn đè nặng lên ngành ngân hàng và cứ nói tới vốn là nói tới ngân hàng. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn vốn của DN nhỏ và vừa là vấn đề cần giải pháp tổng thể. Doanh nghiệp sinh ra đã èo uột thì tẩm bổ đến mấy cũng không lớn được.



Nguồn