Chi tiết

Công ty chứng khoán vừa và nhỏ rời cuộc đua tăng vốn?

Công ty chứng khoán vừa và nhỏ rời cuộc đua tăng vốn?

Năm 2024, nhóm công ty chứng khoán (CTCK) tại Việt Nam lại tiếp tục sôi động với cuộc đua tăng vốn. Các thương vụ tăng vốn được kỳ vọng gia tăng đáng kể lượng tiền phục vụ kinh doanh, điển hình là cho vay margin và tự doanh. Tuy nhiên, không ít cái tên phải rời cuộc đua vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Đáng chú ý là các đơn vị ngừng phương án tăng vốn chủ yếu là những CTCK quy mô vốn vừa và nhỏ.

Trong thời gian tới, giới đầu tư có thể chứng kiến làn sóng các công ty chứng khoán (CTCK) tăng vốn, giá trị đặc biệt lớn tại những CTCK hàng đầu.

Theo thống kê, trong danh sách 10 CTCK có quy mô tài sản lớn nhất dựa trên BCTC kiểm toán năm 2023, hầu hết đều có những kế hoạch tăng vốn đã được thông qua, sẽ thực hiện trong năm 2024, 2025 và thậm chí sang cả năm 2026. Qua đó, bổ sung thêm tổng cộng gần 35 ngàn tỷ đồng vốn điều lệ, nếu mọi phương án đều được triển khai thành công, phần lớn đóng góp bởi Chứng khoán Kỹ thương (TCBS), Chứng khoán VNDIRECT (VND) và Chứng khoán SSI.

Ở nhóm CTCK có quy mô tài sản nhỏ hơn, cũng xuất hiện các trường hợp có kế hoạch tăng vốn trong thời gian tới.

Xu hướng là thế, nhưng không phải CTCK nào cũng suôn sẻ với kế hoạch của mình, nổi bật là các CTCK quy mô vừa và nhỏ như Chứng khoán Thành Công (TCI), Chứng khoán SBS hay Chứng khoán BETA đã rời cuộc đua tăng vốn.

TCI dừng tăng vốn vì không muốn cổ đông mất vốn

ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của CTCP Chứng khoán Thành Công (HOSE: TCI), tổ chức ngày 17/06/2024, đã thông qua nội dung chấm dứt thực hiện phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành ESOP để huy động khoảng 560 tỷ đồng dùng phục vụ cho vay margin. Giải đáp thắc mắc của cổ đông về lý do ngừng tăng vốn, Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đông Hải cho biết, TCI ra Nghị quyết tăng vốn vào năm 2022 – thời đỉnh điểm của thị trường (1,500 điểm), nhưng sau đó dần đi xuống và chậm phục hồi. Việc tăng vốn vào thời điểm này có thể khiến cổ đông mất thêm tiền và vốn, đồng thời không tốt cho Công ty.

Cũng theo vị Phó Chủ tịch này, với phương châm“không để cổ đông mất thêm vốn”, TCI quyết định ngừng phương án và đợi thị trường thuận lợi hơn, giá cổ phiếu tốt hơn sẽ cân nhắc thực hiện lại.


ĐHĐCĐ thường niên 2024 của TCI tổ chức sáng 17/06/2024

Theo tìm hiểu của người viết, các phương án tăng vốn đã được ĐHĐCĐ thường niên 2022 của TCI thông qua, sau đó sửa đổi tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, bao gồm (1) phát hành hơn 14.6 triệu cp trả cổ tức năm 2021, (2) chào bán gần 50.9 triệu cp cho cổ đông hiện hữu và (3) phát hành 5 triệu cp ESOP.

Nhưng đến thời điểm tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024, TCI chỉ mới triển khai phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu.

SBS từ bỏ kế hoạch phát hành 30 triệu cổ phiếu?

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của CTCP Chứng khoán SBS (UPCoM: SBS) lần 3, phương án phát hành riêng lẻ không còn nằm trong bộ tài liệu trình cổ đông, dù tờ trình này đã xuất hiện trong tài liệu công bố ở lần tổ chức thứ nhất.


Phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ không còn xuất hiện tại đại hội



Nguồn: SBS, người viết tổng hợp

Cụ thể, tài liệu đại hội do SBS công bố có phần tờ trình phương án phát hành riêng lẻ 30 triệu cp trong năm 2024, chậm nhất đến hết năm 2025, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chấp thuận. Dự kiến thu về số tiền 300 tỷ đồng, dùng cho các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán, bao gồm hoạt động môi giới, margin và tự doanh.

Ban đầu, SBS có kế hoạch huy động đến 500 tỷ đồng, dự kiến thực hiện trong năm 2023 đến năm 2025, được thông qua tại đại hội thường niên ngày 05/06/2023 và đại hội bất thường ngày 28/11/2022. Tuy nhiên, phương án đã không được thực hiện, do nhiều yếu tố khách quan, chưa tìm được nhà đầu tư phù hợp.

Chứng khoán BETA chưa định ngày quay lại tăng vốn

Lộ trình tăng vốn của CTCP Chứng khoán BETA là một trong các vấn đề cổ đông chất vấn tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024.

Thắc mắc của cổ đông bắt nguồn từ việc ĐHĐCĐ thường niên 2022 có thông qua phương án phát hành 12 triệu cp (10 triệu cp cho cổ đông hiện hữu và 2 triệu cp riêng lẻ), dự kiến thực hiện trong năm 2022 và ngay sau khi UBCKNN chấp thuận.

Khi đó, BETA muốn huy động 120 tỷ đồng với mục đích bổ sung vốn kinh doanh, nhằm nâng cao năng lực cho vay giao dịch ký quỹ, năng lực đầu tư. Trong thời gian chưa sử dụng, nguồn tiền sẽ được dùng để đầu tư trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi hoặc các hình thức đầu tư khác để đảm bảo sử dụng nguồn vốn hiệu quả.

Nhưng chỉ sau đó 1 năm, ĐHĐCĐ thường niên 2023 lại thông qua việc hủy phương án phát hành này, với lý do diễn biến khó khăn của thị trường vĩ mô nói chung và thị trường chứng khoán (TTCK) nói riêng trong năm 2022, nên chưa phù hợp để thực hiện.

Trả lời cổ đông, Thành viên HĐQT Huỳnh Văn Tốt cho biết, cần phải có định hướng cụ thể, kế hoạch sử dụng vốn rõ ràng khi tăng vốn mới mang lại hiệu quả tốt cho Công ty và cổ đông.

Trên đây là 3 trường hợp các CTCK Việt Nam buộc phải thay đổi hoặc thậm chí là tạm dừng kế hoạch tăng vốn. Đáng nói, cả 3 trường hợp đều có quy mô vừa và nhỏ.

Dù có một số tay chơi rời cuộc đua, kế hoạch tăng vốn của các CTCK trong năm 2024 vẫn rất đáng để kỳ vọng với các đợt tăng vốn của những ông lớn như ACBS, HSC, SSI, SHS, VCI


Lộ trình tăng vốn dự kiến của một số CTCK tại Việt Nam


Nguồn: TPS Research, người viết tổng hợp

Trong một báo cáo chiến lược nửa cuối năm 2024, vừa được TPS công bố, bộ phân phân tích Công ty này dự báo “hầu bao” margin từ các CTCK sẽ được mở rộng trong nửa cuối năm 2024 đến hết năm 2025, nhờ hoạt động tăng vốn.

Huy Khải

FILI



Source link