Chi tiết

Cục diện cuộc đua tăng vốn CTCK xoay chuyển bất ngờ khi ‘end game’, vị trí quán quân đổi chủ

Cuộc đua tăng vốn ở các CTCK chưa bao giờ là bớt nóng, đặc biệt là trước thời điểm vận hành hệ thống KRX. Theo đó, vị trí trên bảng xếp hạng vốn điều lệ thay đổi bất ngờ khi các công ty hoàn tất tăng vốn.

Bên cạnh công bố kết quả kinh doanh quý I khởi sắc, nhiều công ty chứng khoán (CTCK) đã lên phương án tăng vốn ‘khủng’ trong thời gian tới. Nếu các kế hoạch này triển khai thành công sẽ thay đổi cục diện về vị trí trên bảng xếp hạng vốn điều lệ của các loạt CTCK.

Mới đây, Chứng khoán VNDirect (VND) vừa được UBCKNN chấp thuận phát hành hơn hơn 304,4 triệu cổ phiếu. Trong đó, VNDirect sẽ phát hành 243,57 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 20%) với giá chào bán dự kiến là 10.000 đồng/cổ phiếu. Ngoài ra, công ty cũng sẽ phát hành gần 61 triệu cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 5% cho cổ đông hiện hữu.

Bên cạnh đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, VNDirect còn thông qua kế hoạch chào bán riêng lẻ gần 244 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, dự kiến từ 1-5 nhà đầu tư. Đồng thời, VND cũng có kế hoạch chào bán hơn 24 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cp và phát hành hơn 12 triệu cổ phiếu thưởng cho người lao động.

Nếu hoàn tất 100% kế hoạch đề ra, số lượng cổ phiếu phát hành là hơn 585 triệu đơn vị. Qua đó, nâng vốn điều lệ của VND sẽ tăng từ 12.178 tỷ đồng lên trên mức 18.000 tỷ đồng, thế chân SSI để trở thành quán quân vốn điều lệ nhóm chứng khoán.

Được biết, VNDirect trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của nhà đầu tư trong nửa đầu năm 2024 từ những ‘vận hạn’ liên tiếp xảy đến. Sự cố bị tấn công mạnh vào cuối tháng 3/2024 khiến cho VND mất ngay 1% thị phần môi giới trong quý I/2024. Hay mới đây nhất là thông tin về đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đối với Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) khiến cho giá cổ phiếu VND cũng bị tác động.

>> UBCKNN cấp giấy chứng nhận cho VNDirect (VND) chào bán 304 triệu cổ phiếu

Cục diện cuộc đua thay đổi khi các CTCK 'end game' tăng vốn, vị trí quán quân gây bất ngờ
Nguồn: Tự tổng hợp

Trong ĐHCĐ thường niên vừa diễn ra vào đầu tháng 5, CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) đã trình lên đại hội kế hoạch tăng vốn thông qua 4 phương án, dự kiến phát hành tổng cộng 899,5 triệu cổ phiếu. Sau khi thực hiện thành công, Chứng khoán SHS sẽ nâng vốn điều lệ từ 8.100 tỷ đồng lên 17.100 tỷ đồng, qua đó vượt SSI và VPBS để vươn lên vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng vốn điều lệ của CTCK.

Một cái tên khác sẽ vươn lên vị trí thứ 6 sau khi phát hành thành công là CTCP Chứng khoán Vietcap (VCI). Theo kế hoạch, VCI dự kiến phát hành hơn 281 triệu cổ phiếu thông qua 3 phương án. Nếu hoàn tất 100%, vốn điều lệ của công ty chứng khoán này sẽ tăng từ 4.375 tỷ đồng lên gần 7.200 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, CTCP Chứng khoán LPBank (LPBS) gây chú ý khi công bố kế hoạch chào bán tối đa 363,8 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu hồi cuối năm 2023 để tăng vốn điều lệ với tỷ lệ 1:14,552. Giá chào bán dự kiến không thấp hơn mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Tại ĐHĐCĐ được tổ chức cuối tháng 4 vừa qua, ban lãnh đạo công ty cho biết đã thực hiện tăng vốn điều lệ thành công lên 3.888 tỷ, qua đó đưa vốn điều lệ của LPBS vượt mặt các tên tuổi như FTS, VDS.

Có thể thấy, cuộc đua tăng vốn ở các công ty chứng khoán chưa bao giờ là bớt nóng, đặc biệt là trước thềm vận hành hệ thống KRX.

Trong ĐHCĐ năm 2024 vừa diễn ra, Tổng Giám đốc SHS – ông Nguyễn Chí Thành bỏ ngỏ khả năng hệ thống KRX có thể bị delay đến Tết Âm. “Nếu 2/9 không thành công thì chắc chờ sang Tết Âm. Dĩ nhiên chúng tôi chưa nói chính xác được thời điểm cụ thể” – ông Thành nhận định.

Dù vậy, kỳ vọng việc triển khai hệ thống KRX sẽ mang lại làn gió mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt là rút ngắn thời gian thanh toán một cách đáng kể, từ T+2,5 ở hệ thống hiện tại về T+0, cho phép nhà đầu tư mua và bán cổ phiếu liên tục ngay trong ngày trên TTCK cơ sở – giống như trên TTCK phái sinh.

Bên cạnh đó, hệ thống này còn tạo nền móng để triển khai thêm các sản phẩm hợp đồng quyền chọn, thúc đẩy giao dịch thuật toán được lập trình sẵn, như: lướt sóng siêu ngắn (Scalping), giao dịch theo cặp (Pair trading), giao dịch lưới (grid)…

Không những vậy, việc hệ thống KRX được đưa vào vận hành sẽ giúp thanh khoản thị trường được cải thiện đáng kể. Theo dự báo từ giới chuyên gia, thanh khoản khớp lệnh trong phiên có thể lên tới 4 tỷ USD, tương đương với mốc xấp xỉ 96 nghìn tỷ đồng mỗi phiên, gấp từ ít nhất 5 lần so với mốc khớp lệnh hiện tại.

>> Các Công ty chứng khoán chạy đua tăng vốn trước thềm vận hành KRX, có công ty tăng khủng lên gấp 16 lần

Source link