OpenAI vừa công bố kế hoạch chuyển đổi sang mô hình vì lợi nhuận. Mô hình mới này sẽ giúp OpenAI huy động nguồn vốn cần thiết để phát triển AI tổng quát (AGI); đồng thời vẫn duy trì được một trong những tổ chức phi lợi nhuận mạnh mẽ nhất thế giới.
Thương mại hóa AI
Trong số rất nhiều sự kiện công nghệ toàn cầu diễn ra trong năm 2024, AI là đại diện tiêu biểu, dù mới mẻ nhưng có khả năng đại diện cho những gì tinh túy nhất về lực lượng sản xuất mà con người đã phát minh, cải tiến, thừa kế và phát triển. Bởi vì AI là kết quả tất yếu của hành trình rất dài với sự phát triển của khoa học máy tính, vật liệu bán dẫn, khoa học cấu trúc thông tin dữ liệu,… Tất cả điều này phục vụ mục đích chuyển đổi phương thức sản xuất; thay đổi quy cách quản lý nhằm tạo ra năng suất lao động cao hơn.
Việc OpenAI chuyển đổi thành công ty tìm kiếm lợi nhuận công cộng từ năm 2025 là sự kiện đáng chú ý. Lý do chính đằng sau quyết định này là áp lực tài chính và nhu cầu vốn lớn để duy trì các mô hình AI tiên tiến.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là có quá nhiều vốn đầu tư đổ vào lĩnh vực này từ các tập đoàn công nghệ hàng đầu, như Microsoft, Nvidia, Meta và nhiều quỹ đầu tư lớn, như Thrive Capital, Khosla Ventures, Altimeter Capital, Fidelity, SoftBank. Mục đích cuối cùng của các tập đoàn này không gì khác ngoài tìm kiếm giá trị thặng dư. Điều này cũng khiến OpenAI đối mặt nhiều thách thức.
Một dấu hiệu khác ở tập đoàn sản xuất chip lớn nhất thế giới hiện nay là Nvidia. Tập đoàn này thăng tiến vượt bậc trở thành công ty lớn thứ hai tại Mỹ, hàng triệu con chip phục vụ phát triển AI đã được bán ra trong năm 2024. Rõ ràng, những khách hàng của Nvidia đã chuẩn bị cho tương lai – mọi tác vụ kinh tế phải thông qua AI.
Có nghĩa rằng, thời kỳ thương mại hóa tất cả những gì liên quan đến AI đã bắt đầu. Sẽ không tồn tại mã nguồn mở cho tất cả cùng khai thác. Phần lớn các quốc gia và doanh nghiệp phải mua giải pháp AI – tương tự như trước đây đã từng nhận chuyển giao công nghệ có điều kiện từ các nước phát triển.
Theo báo cáo của IDC, đến năm 2030 AI có thể tăng thêm 19,9 nghìn tỷ đô la Mỹ vào sản lượng kinh tế toàn cầu, tương đương 3,5% GDP. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng “mức độ tiếp xúc của con người” kết hợp với mức độ “lặp lại nhiệm vụ” có thể được thay thế hoàn toàn bằng AI và tự động hóa.
“Cuộc đua” không chờ đợi ai
Cũng như nhiều cuộc cách mạng công nghiệp đã từng diễn ra trong lịch sử, chỉ có một nhóm 5 – 7 quốc gia tận dụng tốt để thay đổi vận mệnh, từ nền kinh tế đang phát triển thành các nước phát triển, tiệm cận với cường quốc.
Nhận thức rõ xu hướng này, Việt Nam vô cùng khẩn trương chuẩn bị tiềm lực cho kỷ nguyên mới – “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” – theo lời của Tổng bí thư Tô Lâm. Trong đó, lĩnh vực khoa học, công nghệ chưa bao giờ được quan tâm đầu tư như hiện nay.
Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Việc Tổng bí thư Tô Lâm trực tiếp làm Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số là tín hiệu rất mạnh mẽ.
Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam (GII) trong năm 2024 đã tăng thêm 2 bậc, khẳng định vị trí cao trong nhóm các nước có thu nhập trung bình cao. Các tập đoàn công nghệ khổng lồ không ngừng rót vốn đầu tư vào Việt Nam, bên cạnh nhiều doanh nghiệp trong nước đã sẵn sàng. Đó là những điểm khởi đầu tốt đẹp, báo hiệu triển vọng tích cực trong tương lai.
Việc Google, Amazon, Microsoft, Tencent đầu tư trung tâm dữ liệu riêng tại Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian. Savills cũng nhìn nhận Việt Nam sẽ là một trong những thị trường trung tâm dữ liệu phát triển nhanh nhất thế giới.
Bà Celina Chua, Giám đốc giải pháp khách hàng trung tâm dữ liệu (APAC) tại JLL, cho biết Luật cho phép đầu tư nước ngoài 100% vào các dịch vụ trung tâm dữ liệu. Tuy nhiên, các hạn chế về tiếp cận thị trường sẽ được áp dụng nếu nhà cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu cung cấp dịch vụ kết nối mạng.
“Việt Nam đang được nhiều nhà đầu tư và nhà vận hành trung tâm dữ liệu ưu tiên trong việc tìm hiểu khi xây dựng chiến lược thâm nhập thị trường. Việt Nam cũng sẵn sàng tận dụng các cơ hội này, với sự hỗ trợ ngày càng tăng từ Chính phủ và nhu cầu ngày càng tăng về các dịch vụ kỹ thuật số, giúp định hình một tương lai đầy hứa hẹn cho ngành này tại Việt Nam”, bà Celina Chua nhận định.
Xét toàn cục, Việt Nam có khá đầy đủ những nền tảng vĩ mô, bao gồm chính sách, quyết tâm chính trị có trọng tâm, trọng điểm. Tuy nhiên về vi mô, để một trung tâm dữ liệu AI tầm cỡ khu vực và quốc tế cho ra thành quả thực tế, đóng góp trực tiếp vào quốc kế dân sinh – là một chặng đường dài.