Chi tiết

“Cuộc chiến” hơn thập kỷ giữa chủ mới và chủ cũ Đậu phộng Tân Tân

“Cuộc chiến” hơn thập kỷ giữa chủ mới và chủ cũ Đậu phộng Tân Tân

Nhà sáng lập thương hiệu đậu phộng Tân Tân lừng lẫy một thời, cùng em ruột bị truy tố về các tội không chấp hành án và trốn thuế. Nguồn cơn từ cuộc chiến cổ đông đã diễn ra từ năm 2011, trong bối cảnh Tân Tân kinh doanh thua lỗ, ngân hàng siết nợ phần lớn tài sản.


Ông Trần Quốc Tân, Nhà sáng lập thương hiệu đậu phộng Tân Tân. Ảnh: Tân Tân

Ai đang sở hữu Tân Tân? 

VKSND TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương mới đây đã ban hành cáo trạng truy tố ông Trần Quốc Tân, nhà sáng lập thương hiệu, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc CTCP Tân Tân (chuyên sản xuất đậu phộng) về tội trốn thuế và không chấp hành bản án dân sự. Đồng thời, truy tố ông Trần Quốc Tuấn (em ruột ông Tân) – Thành viên HĐQT Tân Tân về tội không chấp hành án.

Xuất phát điểm là một cơ sở chế biến đậu phộng chiên từ năm 1984, Tân Tân từng làm mưa làm gió với các nhãn hiệu quen thuộc như Đậu Phộng Nước Cốt Dừa, Đậu Phộng Da Cá, Đậu phộng Amero, Hạt điều Wasabi… Thời hoàng kim, Công ty có hơn 140 nhà phân phối, trên 40,000 điểm bán lẻ, ở hầu hết siêu thị và trung tâm thương mại chiếm 80% thị phần cả nước. Gần như mọi sản phẩm của Tân Tân đã in sâu vào ký ức của không ít thế hệ người dân Việt Nam, từ là món ăn vặt hàng ngày cho đến những giỏ quà lễ, Tết.


Các dòng sản phẩm quen thuộc từ thương hiệu Tân Tân

Bên cạnh đó, Tân Tân cũng xuất khẩu thành công đến các thị trường như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nigeria, Cuba… Tuy nhiên, giai đoạn hoàng kim không kéo dài được lâu khi Công ty đối mặt những tai tiếng trong kinh doanh lẫn pháp lý.

Vốn điều lệ của Tân Tân là 80 tỷ đồng. Tại thời điểm thành lập, Công ty có 3 cổ đông góp vốn là những người trong gia đình gồm ông Trần Quốc Tân sở hữu 80% vốn; bà Châu Ngọc Phụng (vợ ông Tân) và ông Trần Quốc Tuấn (em ruột ông Tân) mỗi người nắm 10%.

Giữa năm 2011, ông Tân chuyển nhượng cho bà Nguyễn Thị Thanh gần 3.67 triệu cổ phần, tương đương 45.83% vốn. Đến cuối năm 2017, cổ phần của bà Châu Ngọc Phụng được Công ty mang bán đấu giá và cá nhân Vương Lệ Xuân là bên mua vào 9.78% vốn điều lệ của Tân Tân.

Theo sổ đăng ký cổ đông được ĐHĐCĐ thường niên 2024 Tân Tân công bố, có 5 cổ đông cá nhân gồm bà Nguyễn Thị Thanh sở hữu 45.83% vốn điều lệ Tân Tân; ông Trần Quốc Tân nắm 34.17%; ông Trần Quốc Tuấn 10%; bà Vương Lê Xuân 9.78% và bà Châu Ngọc Phụng 0.22%.


Thay đổi cơ cấu cổ đông của Tân Tân

Dai dẳng cuộc tranh chấp với cổ đông

Sau khi trở thành cổ đông, suốt thời gian dài bà Nguyễn Thị Thanh nhiều lần yêu cầu HĐQT triệu tập ĐHĐCĐ bất thường bầu lại HĐQT, cung cấp thông tin về tình hình hoạt động kinh doanh, các báo cáo tài chính, đánh giá tình hình hoạt động của doanh nghiệp nhưng ông Trần Quốc Tân không thực hiện.

Cuối năm 2015, bà Thanh tiếp tục khởi kiện yêu cầu triệu tập HĐQT, yêu cầu ông Tân bàn giao sổ sách, hợp đồng, chứng từ kế toán để kiểm toán bắt buộc. Tòa án sau đó phán quyết buộc HĐQT phải triệu tập họp bất thường ĐHĐCĐ để bầu HĐQT mới; cho bà Thanh xem xét, trích lục sổ biên bản, nghị quyết, báo cáo tài chính của Công ty.

Ngày 23/04 vừa qua, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Tân Tân tổ chức thành công với 2 cổ đông, đại diện sở hữu gần 4.45 triệu cổ phần, chiếm 55.61% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết. Theo tỷ lệ này, có thể 2 cổ đông tham dự đại hội là bà Thanh và bà Xuân.

Báo cáo HĐQT Tân Tân tại ĐHCĐ thường niên cho biết, cuộc họp HĐQT ngày 28/05/2022 đã thống nhất bầu ông Lê Hồng Phương làm Chủ tịch HĐQT, đồng thời miễn nhiệm chức Giám đốc kiêm đại diện pháp luật với ông Trần Quốc Tân, thay vào đó các vị trí này sẽ do ông Phương đảm nhiệm.

Ngày 11/01/2024, Tân Tân được Phòng đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới. Trong đó, Công ty Tân Tân thay đổi người đại diện pháp luật từ ông Trần Quốc Tân – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc sang ông Lê Hồng Phương – Giám đốc. Tại ngày này, vốn điều lệ của doanh nghiệp là 80 tỷ đồng, tương đương 8 triệu cổ phần.

Sau đổi người đại diện pháp luật, ông Lê Hồng Phương đã yêu cầu ông Trần Quốc Tân bàn giao công việc, hồ sơ, sổ sách, tài liệu, tài sản, công nợ… cho người quản lý mới nhưng ông Tân và ban lãnh đạo cũ không thực hiện.

Ông Phương cho biết nhiều lần đến trụ sở Tân Tân đều bị ngăn cản, không cho vào. Toàn bộ khuôn viên trụ sở chính đã bị chiếm giữ, quản lý trái pháp luật bởi Công ty TNHH MTV Thương mại – Sản xuất – Trồng trọt Tân Tân do ông Trần Quốc Gia Phước (con trai của ông Trần Quốc Tân) làm chủ sở hữu. Ông Phương đã trình báo sự việc tới cơ quan chức năng nhưng đến nay chưa được giải quyết.

Cũng theo báo cáo của HĐQT, Tân Tân đang nợ thuế tính đến ngày 31/01/2024 gần 61.8 tỷ đồng, nợ bảo hiểm xã hội đến tháng 3/2024 gần 6.3 tỷ đồng. Công ty còn nợ các chủ nợ theo hơn 50 bản án đã có hiệu lực pháp luật chưa được giải quyết.

Tân Tân cũng bị Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) – chi nhánh 8 khởi kiện, thu giữ mất khoảng 2/5 tài sản và đang bị Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – chi nhánh TPHCM khởi kiện tại Tòa án Nhân dân Quận 1 để thu giữ phần tài sản còn lại của Công ty. Đồng thời, nợ Ngân hàng VID Public – chi nhánh Bình Dương tính đến ngày 31/03/2023 gần 27.6 tỷ đồng và bị chuyển thành nợ xấu, quá hạn.

Ngoài ra, ông Lê Hồng Phương cho biết còn phát hiện có nhiều tài liệu thể hiện trong quá trình quản lý, điều hành Tân Tân trước đây, ông Trần Quốc Tân, bà Châu Ngọc Phụng, ông Trần Quốc Tuấn đã sử dụng danh nghĩa Tân Tân để ký kết, thực hiện các giao dịch lòng vòng, có dấu hiệu gian đối với các công ty gia đình của ông Tân, bà Phụng, ông Tuấn (CTCP Sing Sing, Công ty TNHH Thương mại Sản xuất Dịch vụ Xuất Nhập khẩu Trân Châu. Công ty TNHH Một thành viên Thương mại – Sản xuất – Trồng trọt Tân Tân, CTCP Tân Tân Trà Vinh…) nhằm rút tiền vay ngân hàng, mua hàng hóa không trả tiền, rút tiền của Tân Tân, có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản.

Sau cùng, ĐHĐCĐ Tân Tân đã thông qua việc xem xét, xử lý trách nhiệm của các cá nhân là ông Trần Quốc Tân, bà Châu Ngọc Phụng, ông Trần Quốc Tuấn và trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã gây ra cho Tân Tân và các cổ đông Công ty. Được biết, các tài liệu đại hội đều do ông Lê Hồng Phương ký tên và đóng dấu mộc theo mẫu mới mà Công ty thay đổi ngày 25/01/2024.


Tài sản Tân Tân còn lại bao nhiêu?

Theo các bản công bố BCTC các năm 2021, 2022 và 2023, Tân Tân không công khai chi tiết các chỉ tiêu kinh doanh. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại cuối năm 2023 âm gần 2 tỷ đồng, tương đương vốn chủ sở hữu còn hơn 78 tỷ đồng.

Trên bảng cân đối, tổng tài sản của Tân Tân giữ nguyên mức 371.3 tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng lớn nhất là tài sản ngắn hạn với gần 234 tỷ đồng, trong đó, mục đầu tư chứng khoán kinh doanh ghi nhận 95.3 tỷ đồng, phải thu ngắn hạn của khách hàng 87.5 tỷ đồng, hàng tồn kho 39.4 tỷ đồng, trong khi tiền mặt chỉ có hơn 157 triệu đồng.

Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả tại cuối năm 2023 là hơn 293.3 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn, trong đó là dư nợ vay chiếm hơn 160.5 tỷ đồng.

Thế Mạnh

FILI



Source link