Chi tiết

Cuộc chiến thương mại điện tử tại Việt Nam năm 2025

Cuộc chiến TMĐT sẽ khốc liệt hơn trong năm 2025? Ảnh: Liên Thượng.

Thương mại điện tử qua một năm nhiều biến động

Ngày 3/1, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc ký Quyết định số 01/2025/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ toàn bộ Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế.

Quyết định số 01/2025/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 18/2/2025.

Ngày 30/11/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế.

Quyết định 78/2010/QĐ-TTg quy định, hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng.

Hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị trên 1 triệu đồng phải nộp thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật.

Khi ban hành Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg, hệ thống khai báo hải quan chỉ thuần túy thực hiện theo thủ công nên chính sách miễn thuế tại Quyết định này đã góp phần giảm thiểu thủ tục hành chính và giúp đẩy nhanh thời gian thông quan hàng hóa, giảm bớt số lượng hàng hóa phải khai nộp thuế.

Tuy nhiên đến nay, chính sách này không còn phù hợp do TMĐT thế giới cũng như tại Việt Nam đã và đang tăng trưởng rất nhanh qua các năm.

Hằng ngày có khoảng 4-5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn TMĐT.

Trước đó, Tháng 10/2024, Temu, sàn TMĐT giá rẻ xuất hiện ở Việt Nam, ngay lập tức gây xôn xao dư luận.

Xôn xao là bởi, lần đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện một sàn TMĐT giảm giá “kịch trần” như vậy. Đặc biệt, giá cả hàng hoá có thể giảm đến 90% và miễn phí ship.

Temu đã triển khai hàng loạt chiến dịch khuyến mãi, kết hợp với chương trình tiếp thị liên kết (Affiliate Marketing) để mở rộng mạng lưới người dùng. Việc giới thiệu bạn bè và nhận hoa hồng từ 10 – 30% giá trị đơn hàng, cùng nhiều phần thưởng tiền mặt, đã giúp Temu thu hút hàng chục ngàn người dùng chỉ trong vài ngày.

Theo ghi nhận, Temu cung cấp danh mục sản phẩm đa dạng từ đồ điện tử, quần áo đến đồ gia dụng với giá rẻ đến khó tin với mức giá chỉ vài chục ngàn cho một chiếc đèn nhấp nháy, một ốp lưng điện thoại chống sốc và không tốn thêm tiền ship.

Tuy nhiên, sau đó, sau buổi làm việc với Bộ Công thương, Temu tạm dừng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. Chỉ khi nào được Bộ Công Thương cấp phép, cơ quan hải quan mới thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua sàn.

Về vấn đề bảo vệ người tiêu dùng, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Uỷ ban Cạnh tranh để yêu cầu các nền tảng TMĐT xuyên biên giới rà soát và thực hiện các trách nhiệm của nền tảng số trung gian đối người tiêu dùng tại Việt Nam.

Trong 10 sự kiện nổi bật ngành công thương năm 2024, ngành TMĐT nhận được nhiều sự quan tâm bởi tốc độ phát triển chóng mặt. Theo đó, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam đã vượt mốc 25 tỷ USD (tăng 20%). Con số này cao hơn dự báo 22 tỷ USD trước đó của Google, Temasek, Bain & Company đưa ra tại báo cáo “e-Economy SEA 2024”.

Như vậy, trong khu vực, quy mô TMĐT Việt Nam hiện chỉ sau Indonesia (65 tỷ USD) và Thái Lan (26 tỷ USD). Cũng theo thống kê từ Bộ Công Thương, TMĐT hiện chiếm 9% tổng mức hàng hóa tiêu dùng và 2/3 giá trị kinh tế số, giữ vững vị trí Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới.

TMĐT phát triển mạnh kéo theo nguồn thu thuế cũng tăng theo. Lũy kế 11 tháng, các doanh nghiệp (DN), tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT đã nộp khoảng 108.000 tỷ đồng tiền thuế (tăng 22%). Năm 2024, lần đầu tiên trong lịch sử, dự báo nguồn thu thuế từ hoạt động TMĐT vượt mốc 110.000 tỷ đồng. Hiện có 116 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký thuế qua cổng thông tin điện tử, gồm Google, Meta (Facebook), Microsoft, TikTok, Netflix, Apple…

Các nhà cung cấp nước ngoài này đã nộp hơn 8.687 tỷ đồng tiền thuế trong 11 tháng qua (tăng gần 26%). Chia sẻ cùng báo chí, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân, Tổng cục Thuế nhận định, về cơ bản, các tổ chức có phát sinh doanh thu kê khai nộp thuế theo pháp luật. Còn đối với cá nhân cũng đã có ý thức trong việc chấp hành pháp luật.

Cuộc chiến sống còn

Theo các chuyên gia, Việt Nam đang là điểm sáng trong tăng trưởng TMĐT khu vực, chiếm khoảng 2/3 giá trị nền kinh tế số và dự kiến đóng góp 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025.

Tuy vậy, sau một năm biến động, 2025 được xem là một năm khốc liệt của các sàn TMĐT, trong bối cảnh thị trường đang có sự chuyển dịch.

Như Nhadautu.vn đã phân tích, thị trường TMĐT Việt Nam đang nắm trong tay 3 cái tên chính là TikTok Shop, Shopee và Lazada. Đặc biệt là TikTok Shop khi thương hiệu này tận dụng tối ưu nền tảng video để tăng lượng khách hàng.

“Lợi thế của TikTok là mang lại cho người dùng một nền tảng công nghệ đa chức năng, có thể vừa xem trực tiếp, sáng tạo nội dung, bán hàng, giao dịch hàng hoá, vì vậy, nền tảng công nghệ này thu hút hàng ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như khách hàng đơn lẻ. Cùng với đó, mức chi phí bỏ ra thấp với khả năng tự động hoá cao. Điều này giúp khách hàng có thể mua hàng với mức chi phí thấp nhất vì đã giảm thiểu tối đa các bước trung gian”, một chuyên gia marketing phân tích với Nhadautu.vn.

Nên biết, TikTok Shop chỉ mới ra mắt thị trường trăm triệu dân năm 2022 nhưng đã nhanh chóng tăng trưởng chiếm lĩnh thị trường, và chỉ sau 1 năm đã vượt Lazada trở thành sàn TMĐT đứng thứ 2 Việt Nam, chỉ sau Shopee.

Theo các chuyên gia, năm 2025 sẽ đánh dấu cột mốc mới của các sàn TMĐT tại thị trường Việt với hàng loạt chính sách được thông qua và bài toán cạnh tranh khi đã vượt ngưỡng.

Đó là chưa kể đến sự đổ bộ của các thương hiệu TMĐT giá rẻ được hậu thuẫn về logistics, như Temu. Nên biết, dù đã rút khỏi Việt Nam song, thương hiệu này được cho sẽ trở lại thị trường trăm triệu dân trong năm 2025 sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý và chuẩn bị kỹ lưỡng. Đây cũng được dự báo là cái tên sẽ đe doạ 2 vị trí dẫn đầu của Shopee và TikTok Shop nhờ lợi thế kho bãi, giá cả và logistics.



Nguồn