Chi tiết

Cuộc đua tăng vốn của các CTCK nóng trở lại trước ngưỡng cửa nâng hạng thị trường

Với việc thông qua Thông tư 68/2024/TT-BTC, chính thức gỡ nút thắt “pre-funding”, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tiến thêm một bước quan trọng trong quá trình nâng hạng.

Theo các chuyên gia, các công ty chứng khoán (CTCK) là đối tượng chịu tác động trực tiếp từ việc Thông tư 68 mới có hiệu lực. Không những phải gia tăng năng lực tài chính để có thể hỗ trợ cho nhà đầu tư ngoại trong trường hợp họ chưa có đủ tiền mà bản thân các CTCK phải củng cố rất mạnh hoạt động thẩm định, đánh giá năng lực tài chính của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.

Vì vậy, để chuẩn bị cho “sân chơi” nâng hạng và bổ sung vốn cho các hoạt động của công ty, hàng loạt CTCK đã công bố kế hoạch tăng vốn. Số tiền thu từ các đợt phát hành của các doanh nghiệp đều dự kiến dùng để đầu tư phát triển hệ thống công nghệ thông tin, bổ sung vốn cho hoạt động tự doanh và bảo lãnh phát hành, bổ sung vốn cho vay margin…

Cuộc đua tăng vốn của các CTCK nóng trở lại trước ngưỡng cửa nâng hạng thị trường
Ảnh minh họa

Mới đây nhất, Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) đã công bố kế hoạch tăng vốn gấp 9 lần, lên gần 20.000 tỷ đồng.

Theo đó, công ty sẽ phát hành thêm 1,74 tỷ cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 800%. Nguồn vốn phát hành từ nguồn vốn chủ sở hữu tính đến ngày 31/12/2023, bao gồm 9.192 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần và 8.242 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Nếu phát hành thành công, TCBS dự kiến nâng lượng cổ phiếu lên hơn 1,96 tỷ cổ phiếu, tương đương vốn điều lệ tăng lên 19.613 tỷ đồng.



Cuối tháng 8 vừa qua, Chứng khoán SSI đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng.

SSI dự kiến phát hành thêm tổng cộng hơn 453,3 triệu cổ phiếu. Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của SSI dự kiến tăng từ hơn 15.111 tỷ đồng lên gần 19.645 tỷ đồng.

Nếu hoàn thành các đợt phát hành theo kế hoạch, vốn điều lệ của SSI và TCBS sẽ tăng lên gần mức 20.000 tỷ đồng, trong đó SSI tiếp tục giữ vị thế là công ty có vốn điều lệ lớn nhất với 19.645 tỷ đồng, TCBS giữ vị trí thứ 2 với số vốn 19.613 tỷ đồng.

Ngoài ra, vào tháng 7, Chứng khoán VNDirect (VND) đã chào bán thành công gần 244 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, đồng thời chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỉ lệ 5%, tương đương với việc phát hành thêm gần 61 triệu cổ phiếu. Theo đó, vốn điều lệ của VNDirect đã tăng từ 12.178 tỷ đồng lên gần 15.223 tỷ đồng.

Chứng khoán VIX cũng vừa hoàn tất việc nâng vốn điều lệ lên 14.585 tỷ đồng. Mục đích tăng vốn nhằm bổ sung nguồn vốn kinh doanh, nâng cao năng lực đầu tư tự doanh và cho vay giao dịch ký quỹ chứng khoán.

Chứng khoán Vietcap (VCI) vừa chốt danh sách chốt danh sách cổ đông để phát hành cổ phiếu thưởng, với tỷ lệ 30%. Cùng với đó, Vietcap muốn chào bán gần 144 triệu cổ phiếu giá thấp hơn 22% trên sàn. Nếu hoàn thành đợt phát hành riêng lẻ, công ty sẽ tiếp tục nâng vốn lên hơn 7.180 tỷ đồng.

>> TCBS lên kế hoạch tăng vốn gấp 9 lần lên gần 20.000 tỷ đồng



Source link