Chi tiết

Cuộc sụp đổ của biểu tượng công nghiệp xanh Thụy Điển

Gã khổng lồ pin Northvolt phá sản phủ bóng tương lai miền bắc Thụy Điển, nơi từng kỳ vọng hồi sinh kinh tế nhờ công nghiệp xanh.

Cách Stockholm gần 800 km về phía Bắc, thị trấn Skelleftea từng bùng nổ kinh tế từ khi Northvolt xây dựng siêu nhà máy (gigafactory) đầu tiên vào năm 2021. Nhưng giờ đô thị 77.300 dân này hứng chịu cú sốc lớn từ việc gã khổng lồ sản xuất pin nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 tại Mỹ ngày 21/11.

“Bức tranh thanh khoản của Northvolt trở nên tồi tệ”, công ty cho biết trong đơn gửi lên Tòa án Phá sản Mỹ tại Houston. Họ còn khoảng 30 triệu USD tiền mặt và tích luỹ 5,8 tỷ USD tiền nợ.

Thành lập năm 2016 bởi Peter Carlsson và Paolo Cerruti – hai cựu lãnh đạo của Tesla và đặt tại Stockholm (Thụy Điển), Northvolt hoạt động tại 7 quốc gia, từng được xem là “biểu tượng công nghiệp xanh” của Thụy Điển và niềm hy vọng của châu Âu trong việc giảm phụ thuộc vào pin Trung Quốc như CATL hay BYD.

Công ty đặt sứ mệnh sản xuất pin lithium-ion bền vững dành cho xe điện và các hệ thống lưu trữ năng lượng. Họ tuyên bố cam kết bảo vệ môi trường mạnh mẽ, sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất và tập trung vào tái chế pin cũ. Đứng sau startup này là Tập đoàn đầu tư Vargas, Volkswagen và BMW.

Một bảng thông tin trước nhà máy Northvolt ở Skelleftea, Thụy Điển ngày 8/8. Ảnh: Reuters

Một bảng thông tin trước nhà máy Northvolt ở Skelleftea, Thụy Điển ngày 8/8. Ảnh: Reuters

Nhưng năm nay, chỉ trong vài tháng, Northvolt nhanh chóng từ công ty có năng lực nhất châu Âu trong lĩnh vực sản xuất pin xe điện nội khối thành doanh nghiệp yếu kém, khó khăn. Họ gặp vấn đề về sản xuất, mất khách hàng lớn, thiếu vốn và phải vật lộn để duy trì hoạt động bằng cách thu hẹp quy mô.

Khó khăn của Northvolt là “rất đáng tiếc”, theo Thủ tướng Đức Olaf Scholz. “Nếu chúng ta nói về tương lai ôtô điện thì cũng phải đảm bảo pin (một cấu phần quan trọng của nó) được sản xuất tại châu Âu”, ông nói tuần trước tại Berlin.

Tập đoàn đầu tư Vargas – cổ đông lớn nhất – cho biết việc phá sản sẽ cho phép giải quyết các thách thức tài chính và duy trì lợi thế cạnh tranh trong sản xuất pin hiệu suất cao. Nhà phân tích Hampus Engellau tại ngân hàng Handelsbanken nói nộp đơn phá sản giúp công ty xoay xở trong ngắn hạn nhưng cũng cho thấy họ chưa tìm được nhà đầu tư và huy động đủ vốn cần thiết để tái cấu trúc.

Northvolt hy vọng có thể tái cấu trúc nhưng hiện đã để lại hậu quả thất nghiệp lớn. Vào giữa tháng 10, 338 kỹ sư và nhân viên tại nhà máy Skelleftea – nơi từng có 3.800 người làm việc – nhận thông báo sa thải.

Kể từ đó, 880 công nhân khác đã bị cắt giảm. Tình hình đặc biệt khó khăn với các chuyên gia được tuyển dụng từ các nước thứ ba. Bà Anja Palm, Giám đốc hoạt động kinh tế của Skelleftea nói những người này có quyền ở lại Thụy Điển trong ba tháng sau khi hợp đồng kết thúc, miễn là giấy phép lao động còn hiệu lực.

Trong những tuần gần đây, chính quyền địa phương đã tổ chức 4 cuộc họp với các nhà tuyển dụng, thu hút tổng cộng 6.000 người. “Chúng tôi muốn giúp họ tìm việc làm càng nhanh càng tốt, ưu tiên tại Skelleftea hoặc miền bắc Thụy Điển, nơi kỹ năng của họ đang rất cần thiết”, bà Anja Palm nói.

Các khóa học tiếng Thụy Điển được triển khai để hỗ trợ cựu nhân viên Northvolt hòa nhập vào thị trường lao động, những người trước đây chỉ cần sử dụng tiếng Anh. Thị trưởng Skelleftea Anders Burman kêu gọi chính phủ đưa ra ngoại lệ tạm thời cho quy định yêu cầu mức thu nhập tối thiểu 28.480 krona (2.600 USD) để tuyển dụng lao động từ các nước thứ ba. Ông nói quy định này làm khó việc tuyển dụng những người bị sa thải từ Northvolt.

Gần đây, ông còn chỉ trích chính phủ “không làm gì cả” và “không có ý định làm gì cả,” đồng thời phê phán sự thờ ơ của phe hữu và cực hữu đối với quá trình chuyển đổi môi trường và các dự án công nghiệp hiện tại.

Lúc này, nghi vấn về “bong bóng xanh” (đầu tư quá mức và thiếu bền vững về công nghiệp xanh) một số người từng cảnh báo sắp vỡ dâng lên. Theo Reuters, Northvolt dẫn đầu làn sóng các công ty khởi nghiệp châu Âu đầu tư hàng chục tỷ USD vào sản xuất pin xe điện. Tuy nhiên, nhu cầu phương tiện này đang tăng chậm hơn dự đoán và chịu cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc.

Theo Bloomberg, 11 trong số 16 nhà máy sản xuất pin của châu Âu đã bị trì hoãn hoặc hủy bỏ. Mercedes-Benz Group và Stellantis đã dừng hoạt động 2 nhà máy sản xuất pin ở Đức và Italy khi liên doanh ACC của họ thu hẹp tham vọng.

Sau Northvolt, các công ty khác cũng đang cân nhắc các kế hoạch cắt giảm lao động. Trong số 300 nhà cung cấp cho Northvolt, khoảng 80 công ty có trụ sở ngay tại Skelleftea và là chủ nợ của hãng. Sự hào hứng với công nghiệp xanh cũng ảnh hưởng. Hôm 23/10, tập đoàn khai khoáng LKAB thông báo lùi thời hạn khử cacbon trong sản xuất quặng sắt tại mỏ Kiruna từ năm 2035 sang những năm 2040.

Trong cộng đồng, cảm xúc đang phân hóa. “Những người bị đe dọa sa thải cảm thấy lo lắng, thất vọng và tức giận. Trong khi đó, những người khác tiếp tục cuộc sống của mình. Chúng tôi vẫn còn các công ty và dự án khác”, bà Palm cho biết.

Đối với bà, quá trình tái công nghiệp hóa xanh ở miền bắc Thụy Điển vẫn đúng đắn. Skelleftea cũng không thay đổi kế hoạch đầu tư 10 tỷ krona (910 triệu USD) trong 10 năm tới. “Những điều kiện khiến Northvolt chọn Skelleftea vẫn còn đó”, bà Palm nhận định. Nơi đây có lợi thế nguồn năng lượng xanh dồi dào và giá rẻ, được kỳ vọng trở thành trung tâm khử carbon công nghiệp.

Svante Axelsson, Giám đốc cơ quan Fossilfritt Sverige – đơn vị hỗ trợ chuyển đổi năng lượng và môi trường của Thụy Điển nói tình hình không đáng ngại. “Có một chút trì hoãn, nhưng các dự án công nghiệp lớn vẫn đang tiến triển”, ông nói. Dẫn chứng là công ty sản xuất thép SSAB và startup Stegra vẫn tích cực đầu tư

“Chúng ta có rất nhiều lợi thế ở châu Âu. Bây giờ vấn đề là tạo ra những điều kiện phù hợp tại địa phương cho các công ty”, ông nói thêm. Chuyên gia này đồng thời hy vọng châu Âu có thêm hành động đối phó với cạnh tranh từ Trung Quốc và Mỹ.

Theo BloombergNEF, Trung Quốc cung cấp 80% pin lithium-ion toàn cầu và là nơi có 6 trong 10 nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới. Công suất sản xuất pin nước này đã cao hơn nhiều so với nhu cầu xe điện toàn cầu, khiến giả cả giảm và các nhà sản xuất châu Âu khó cạnh tranh. Mỹ và Canada cũng đang thu hút đầu tư.

Trong khi các nhà máy pin do châu Âu làm chủ gặp khó thì 10 trong số 13 dự án tại lục địa già của các nhà sản xuất châu Á như Contemporary Amperex Technology (Trung Quốc) và Samsung SDI (Hàn Quốc) vẫn phát triển.

Đầu tuần này, Stellantis và CATL công bố kế hoạch đầu tư 4,3 tỷ USD xây dựng nhà máy sản xuất pin tại Zaragoza (Tây Ban Nha). Dự án sẽ hỗ trợ chuỗi cung ứng xe điện châu Âu nhưng có khả năng sẽ không thành hiện thực nếu thiếu công nghệ Trung Quốc, theo Bloomberg.

Phiên An (theo Le Monde, Reuters, Bloomberg)


Nguồn tin: https://vnexpress.net/cuoc-sup-do-cua-bieu-tuong-cong-nghiep-xanh-thuy-dien-4826633.html