Cựu Chủ tịch EVN, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương – ông Hoàng Quốc Vượng vì vụ lợi đã tạo cơ chế giúp nhà máy điện của Tập đoàn Trung Nam hưởng ưu đãi về giá. Ông Vượng khai đã nhận 1,5 tỷ đồng từ doanh nghiệp.
Ông Hoàng Quốc Vượng, 61 tuổi, cựu Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương, vừa bị Bộ Công an đề nghị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, theo Điều 356 Bộ luật Hình sự.
Cơ quan điều tra xác định, ông Vượng “vì động cơ vụ lợi” đã tạo cơ chế và lợi dụng chức vụ, quyền hạn để “cố ý xin cơ chế giá” cho Nhà máy điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam, dự án do Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam (thuộc CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam, hay Tập đoàn Trung Nam) làm chủ đầu tư.
Cựu Chủ tịch EVN, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương – ông Hoàng Quốc Vượng nhận 1,5 tỷ đồng từ Tập đoàn Trung Nam |
Ông còn bị cáo buộc “cố ý điều chỉnh câu chữ, thay đổi diện đối tượng được hưởng chính sách giá điện ưu đãi”, không đúng với Nghị quyết số 115. Nhà máy điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam do đó đã được đưa vào diện hưởng giá điện ưu đãi trong Quy hoạch điện VII, với mức giá là 2.086 đồng/kWh, chưa bao gồm VAT. Ngoài ra, Nhà máy điện mặt trời Solar Farm Nhơn Hải, một công ty khác không đủ điều kiện, cũng được hưởng lợi từ chính sách này.
Từ tháng 7/2020 đến tháng 1/2023, EVN đã mua điện và thanh toán cho 2 nhà máy điện mặt trời trên hơn 3.300 tỷ đồng với giá ưu đãi, gây thiệt hại hơn 937 tỷ đồng.
Trong quá trình điều tra, ông Vượng khai đã nhận từ Tập đoàn Trung Nam số tiền 1,5 tỷ đồng. Gia đình ông đã nộp toàn bộ số tiền này để khắc phục hậu quả. Khi khám xét nơi ở của ông, cơ quan điều tra phát hiện 1.498 tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng và đã tạm giữ.
Tập đoàn Trung Nam đang làm ăn ra sao?
Nhà máy điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam |
Nhà máy điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam nằm trên diện tích 557 ha tại huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, và một phần diện tích đường dây đấu nối thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Dự án được khởi công vào tháng 5/2020 và khánh thành vào tháng 10/2020, với 1,3 triệu tấm pin, tổng công suất 450 MW, cung cấp sản lượng điện tối đa 1,2 triệu kWh/năm.
Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam là đơn vị sở hữu nhà máy. Năm 2022, công ty báo lãi 81,2 tỷ đồng, giảm 80% so với năm 2021 (402,3 tỷ đồng).
Cuối năm 2022, vốn chủ sở hữu là 2.423,5 tỷ đồng, nhưng nợ phải trả cao gấp 3,68 lần, tương đương khoảng 8.918 tỷ đồng. Trong đó, nợ từ trái phiếu gấp 2,04 lần vốn chủ sở hữu, đạt 4.944 tỷ đồng.
Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam có khoản nợ phải trả gấp 3,68 lần vốn chủ sở hữu thời điểm cuối năm 2022 (Nguồn: HNX) |
Gần đây, công ty đang đối mặt với khó khăn tài chính do EVN chưa thanh toán đầy đủ doanh thu phát điện tại dự án. Tháng 4/2024, Tập đoàn Trung Nam đã gửi đơn cầu cứu Chính phủ về sự việc này. Nội dung đơn cho biết, sản lượng điện phát lên lưới từ Nhà máy điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam giai đoạn tháng 10/2020 – 8/2022 khoảng 687 triệu kWh, tương đương 813,6 tỷ đồng, vẫn đang bị “treo”. Trung Nam đã nhiều lần đề nghị tạm thanh toán với đơn giá bằng 40% mức giá khung dành cho các nhà máy điện mặt trời chuyển tiếp nhằm giảm bớt khó khăn tài chính, nhưng chưa được giải quyết.
Sự việc phát sinh một phần do dự án của chủ đầu tư thực hiện không đúng quy định pháp luật, bao gồm việc sử dụng đất chưa được chấp thuận, chưa đánh giá tác động môi trường và chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy.
Tập đoàn Trung Nam được thành lập năm 2004, hoạt động trong 5 lĩnh vực: Năng lượng, Hạ tầng, Xây dựng, Bất động sản và Công nghiệp thông tin điện tử. Đến tháng 10/2021, Trung Nam đã đóng góp 1,63 GW năng lượng vào lưới điện quốc gia thông qua nhiều dự án lớn, như: Nhà máy điện gió Ea Nam Đắk Lắk, Nhà máy điện gió số 5 – Ninh Thuận, Nhà máy điện gió Đông Hải 1 – Trà Vinh…
Nợ phải trả cuối năm 2022 của Tập đoàn Trung Nam khoảng 68.110 tỷ đồng (Nguồn: HNX) |
Năm 2022, lợi nhuận hợp nhất của tập đoàn đạt 254,7 tỷ đồng, giảm 84% so với năm 2021 (1.634,8 tỷ đồng). Tại thời điểm 31/12/2022, vốn chủ sở hữu của tập đoàn là 27.914 tỷ đồng, nhưng nợ phải trả gấp 2,44 lần, khoảng 68.110 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay trái phiếu chiếm 87% vốn chủ sở hữu, tương đương khoảng 24.285 tỷ đồng.