Chi tiết

Đã cơ cấu hơn 33,400 tỷ đồng nợ theo Thông tư 02 và Thông tư 06 tại TPHCM

Đã cơ cấu hơn 33,400 tỷ đồng nợ theo Thông tư 02 và Thông tư 06 tại TPHCM

Trong năm 2024, ngành ngân hàng TPHCM đã trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp về vốn, lãi suất và cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ…, qua đó giúp doanh nghiệp duy trì, mở rộng và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN và Thông tư 06/2024/TT-NHNN với dư nợ đạt 33,420 tỷ đồng cho 43,842 khách hàng. 

Số liệu được ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM chia sẻ. Mặc dù chưa kết thúc năm và chưa có số liệu chính thức về tăng trưởng tín dụng và các hoạt động chủ yếu khác trên địa bàn, song ở góc độ quản lý, ông Lệnh đánh giá những kết quả thực hiện nhiệm vụ chính sách tiền tệ (theo Chỉ thị 01 về các giải pháp tiền tệ tín dụng và hoạt động ngân hàng năm 2024 của NHNN ngày 15/01/2024) là những kết quả nổi bật và mang đậm dấu ấn chính sách tiền tệ tín dụng của NHNN.

Thứ nhất, thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn ổn định. Mặc dù thị trường chịu tác động và phản ứng rất nhanh, nhạy với những biến động từ các yếu tố bên ngoài như: Biến động của các đồng tiền mạnh như USD, biến động của thị trường tài chính và xung đột địa chính trị cũng như diễn biến phức tạp từ thị trường vàng thế giới… song thị trường tiền tệ, ngoại hối và vàng, lãi suất và tỷ giá trên địa bàn năm 2024 về cơ bản vẫn diễn biến theo đúng định hướng điều hành của NHNN và gắn với cung cầu của thị trường. 

Thứ hai, hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TPHCM. Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, với nội hàm triển khai thực hiện tốt các cơ chế chính sách về tín dụng, lãi suất, tỷ giá và đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng cho doanh nghiệp để mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt là làm tốt công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hoạt động đối thoại doanh nghiệp và truyền thông chính sách… đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố tiếp cận thuận lợi các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, NHNN. Đơn cử như cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ; giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp; cho vay 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên; giải ngân các gói tín dụng ưu đãi, gói lâm sản, thủy sản và gói tín dụng cho vay nhà ở xã hội. 

Trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, lãi suất và cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ…, qua đó giúp doanh nghiệp, duy trì, mở rộng và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN và Thông tư 06/2024/TT-NHNN với dư nợ đạt 33,420 tỷ đồng cho 43,842 khách hàng.

Tập trung vốn cho nhóm ngành lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế, theo đó dư nợ cho vay 5 nhóm ngành lĩnh vực gồm lĩnh vực xuất khẩu, nông nghiệp và nông thôn; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đến nay đạt 1.74 triệu tỷ đồng. Trong đó, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 1.41 triệu tỷ đồng, chiếm 57.4% tổng dư nợ tín dụng cho vay 5 nhóm ngành lĩnh vực này.

Chương trình đối thoại và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi vốn và dịch vụ ngân hàng. Kết quả đã xử lý trực tiếp và tháo gỡ khó khăn cho 98 doanh nghiệp có phản ánh về nhu cầu vốn, song không tiếp cận được vốn vay ngân hàng, qua đó có thông tin phản hồi: Cho vay đáp ứng vốn được; không cho vay được với nguyên nhân rõ ràng để doanh nghiệp và người dân Thành phố thuận lợi trong tiếp cận dịch vụ ngân hàng hơn.

Năm 2024, ngành ngân hàng Thành phố đã phối hợp với UBND các quận huyện, hiệp hội doanh nghiệp và Sở Công Thương Thành phố tổ chức 38 hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp (năm 2023 là 34 hội nghị), qua đó giải ngân gói tín dụng ưu đãi đạt: 584,267 tỷ đồng, bằng 130.82% quy mô gói, cho 191,618 khách hàng. 

Thứ ba, hoạt động ngân hàng trên địa bàn ổn định và tăng trưởng gắn với chiến lược phát triển ngành và đề án cơ cấu lại TCTD và theo xu hướng phát triển của nền kinh tế, với những động lực tăng trưởng mới: Kinh tế số, kinh tế xanh. Trong đó, các TCTD trên địa bàn tiếp tục chủ động phát triển mạnh các hoạt động dịch vụ ngân hàng hiện đại, theo yêu cầu về phát triển ngân hàng số.

Những hoạt động này đã trở thành yếu tố khách quan thúc đẩy sự đổi mới và phát triển toàn diện đối với các TCTD: Từ quản trị điều hành, quản lý rủi ro đến hoạt động kinh doanh và phát triển các sản phẩm dịch vụ theo hướng hiện đại, tiện ích, gia tăng dần giá trị đem lại cho chính mỗi TCTD.

Kết quả này phản ánh bằng thu nhập từ hoạt động dịch vụ; thu nhập từ mở rộng và tăng trưởng khách hàng; từ những tiện ích của hoạt động thanh toán và chi phí đầu vào giảm, nhờ chất lượng tiền gửi và cơ cấu tiền gửi; khai thác và sử dụng vốn hiệu quả, kiểm soát được nợ xấu; ứng dụng công nghệ trong hoạt động quản lý và hoạt động dịch vụ… tất cả những lợi ích mang lại đó đã và đang mang dấu ấn của sự đổi mới và ứng dụng công nghệ hiện đại, mang đậm dấu ấn của chính sách tiền tệ và đề án thanh toán không dùng tiền mặt của NHNN cùng sự năng động sáng tạo của các TCTD… và là kết quả nổi bật của năm, khi đặt trong bối cảnh vẫn còn nhiều khó khăn thách thức.

Hàn Đông

FILI

– 08:58 27/12/2024



Source link