Chi tiết

Đà Nẵng gặp khó trong việc phát triển các dự án nhà ở

Theo kế hoạch phát triển nhà ở TP. Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025, đối với nhà ở xã hội địa phương này dự kiến đầu tư xây dựng tối thiểu 25 dự án, 11.569 căn hộ với 890.142 m2 sàn nhà ở; dự kiến hoàn thành 7.097 căn hộ với 507.681 m2 sàn nhà ở, trong đó có 148.104 m2 sàn nhà ở cho thuê.

Đối với nhà ở thương mại, thành phố dự kiến đầu tư xây dựng tối thiểu 102 dự án, 68.699 căn hộ với 9.928.764 m2 sàn nhà ở; dự kiến hoàn thành 46.187 căn hộ với 7.189.651 m2 sàn nhà ở…

Tuy nhiên, mới đây, TP. Đà Nẵng đã thông tin về kết quả triển khai Chương trình phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021 – 2025 cho thấy, kết quả đạt được vẫn còn rất hạn chế so với kế hoạch đề ra, nhất là việc phát triển nhà ở xã hội còn chậm.

Theo UBND TP. Đà Nẵng, từ năm 2021 đến tháng 11/2024, thành phố đã chấp thuận chủ trương đầu tư 4 dự án mới với 3.728 căn, với 437.308 m2 sàn; đã hoàn thành đưa vào sử dụng 1.774 căn, với 96.974 m2 sàn.

Cùng với đó, thành phố đang triển khai xây dựng 7 dự án nhà ở xã hội với 5.042 căn; đang thực hiện thủ tục kêu gọi đầu tư 2 dự án với 1.955 căn đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.

TP. Đà Nẵng đang triển khai xây dựng 7 dự án nhà ở xã hội với 5.042 căn. Ảnh: Thành Vân.

Ngoài ra, giới thiệu quỹ đất để Tổng Liên đoàn Lao động triển khai 1 dự án thiết chế công đoàn và nhà ở với 732 căn. Đồng thời, bổ sung kế hoạch kêu gọi đầu tư 2 đến 3 dự án mới trong năm 2024-2025.

Dự kiến đến cuối năm 2024, Đà Nẵng phấn đấu hoàn thành thêm 3 dự án nhà ở xã hội với 1.880 căn.

Theo UBND TP Đà Nẵng, nguyên nhân là do thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội còn rất chậm. Từ năm 2021 đến hết tháng 11/2024, mới lựa chọn chủ đầu tư 1 dự án; đang lựa chọn chủ đầu tư 2 dự án. Việc chậm lựa chọn chủ đầu tư dự án gây khó khăn trong vấn đề tạo nguồn cung nhà ở xã hội trong giai đoạn này.

Ngoài ra, thu nhập của đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội chưa đảm bảo điều kiện để mua nhà ở xã hội, nhất là trong và sau đại dịch COVID-19. Đặc biệt, một số dự án nhà ở xã hội gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, ảnh hưởng đến quá trình huy động vốn dự án, cũng như thu hút đầu tư phát triển nhà ở xã hội.

Trong khi đó, về nhà ở thương mại, từ năm 2021 đến hết tháng 11/2024, TP. Đà Nẵng chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 19 dự án mới với 12.506 căn. Tuy nhiên, mới hoàn thành đưa vào sử dụng 3.017 căn; đang triển khai 62 dự án với khoảng 48.992 căn.

UBND TP. Đà Nẵng cho rằng, nhiều dự án bất động sản trước đây chưa thực hiện đầy đủ thủ tục về chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư nên gặp khó khăn, vướng mắc khi thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư và các thủ tục liên quan. Bên cạnh đó, một số dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại gặp vướng mắc thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư do không có quyền sử dụng đất ở.

Ngoài ra, nhiều dự án bất động sản gặp khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai theo các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án; khó khăn kinh tế sau đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến thị trường bất động sản, đặc biệt là nhà ở thương mại.

Lập tổ công tác gỡ vướng cho các dự án, đất đai trong bản án

Mới đây, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành quyết định thành lập Tổ công tác triển khai, thực hiện kết luận số 77 ngày 2/5/2024 của Bộ Chính trị về đề án “Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án trên địa bàn một số tỉnh, thành”, trên địa bàn thành phố. Tổ công tác do Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh làm tổ trưởng.

Tổ công tác có nhiệm vụ giúp UBND TP chỉ đạo, giải quyết những công việc liên quan đến quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện kết luận số 77 của Bộ Chính trị; nghiên cứu, đề xuất hoặc tham mưu với UBND thành phố trình HĐND thành phố ban hành cơ chế, chính sách có liên quan để thực hiện hiệu quả việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, đề xuất với UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch, phương hướng, giải pháp thực hiện hiệu quả công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án nhằm khơi thông các nguồn lực về đất đai…



Nguồn