Chuẩn bị nguồn nhân lực
Xác định nguồn nhân lực là “lõi hạt nhân” tạo nên ngành công nghiệp bán dẫn, TP. Đà Nẵng đã lên kế hoạch đào tạo cụ thể trong tương lại và kêu gọi doanh nghiệp, cơ sở giáo dục cùng tham gia.
Theo PGS.TS. Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ thông tin và truyền thông Việt – Hàn cho rằng, hiện nay trên địa bàn thành phố có 38 cơ sở đào tạo về lĩnh vực công nghệ thông tin với chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo hơn 7.000 sinh viên/1năm, trong đó có 6 trường đào tạo các chuyên ngành gần lĩnh vực vi mạch bán dẫn và có 3 trường tuyển sinh thiết kế vi mạch bán dẫn từ năm 2024 với 200 chỉ tiêu, dự kiến năm 2025 là 400 chỉ tiêu và năm 2026 là 600 chỉ tiêu. Như vậy, mục tiêu đào tạo 1.500 – 2.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn của thành phố đến năm 2030 chắc chắn sẽ đạt được.
“VKU đã tích cực triển khai nhiều hoạt động, là đơn vị tiên phong hoàn thành thủ tục và công bố tuyển sinh Kỹ sư Thiết kế vi mạch bán dẫn năm từ năm 2024, với tổng chỉ tiêu dự kiến đào tạo từ 600 – 1.000 kỹ sư đến năm 2028.
Bên cạnh đó, VKU cũng chủ động mời các chuyên gia của doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo để nâng cao năng lực cho sinh viên trong rèn luyện kỹ năng mềm, nắm bắt kiến thức về công nghệ, tiếp cận thực tế các dự án của doanh nghiệp…”, PGS.TS. Huỳnh Công Pháp thông tin.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng cho biết, song song với việc tổ chức tuyển sinh mới đào tạo bậc đại học, thạc sỹ, tiến sỹ các ngành công nghiệp bán dẫn; đưa STEM vào chương trình giảng dạy bậc phổ thông thì trong ngắn hạn, Đà Nẵng chú trọng đào tạo lại, đào tạo chuyển tiếp đối với lực lượng kỹ sư đã tốt nghiệp, các giảng viên chuyên ngành gần sang vi mạch bán dẫn.
TP. Đà Nẵng thúc đẩy hình thành, phát triển mô hình liên minh đào tạo hợp tác 3 Nhà: Nhà nước – Nhà trường – Nhà Doanh nghiệp.
Đặc biệt, ưu tiên thu hút chuyên gia, giảng viên nước ngoài chuyên ngành vi mạch bán dẫn và các ngành gần trên cơ sở triển khai các thỏa thuận hợp tác đã ký kết làm nền tảng phát triển nguồn nhân lực bán dẫn trong dài hạn. Đồng thời, đẩy mạnh quan hệ hợp tác, kết nối giữa các trường đại học trên địa bàn thành phố với các trường đại học ở các nước có thế mạnh đào tạo nhân lực trong ngành công nghiệp bán dẫn, các doanh nghiệp bán dẫn nước ngoài có uy tín để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đạt chuẩn quốc tế.
“Thúc đẩy hình thành, phát triển mô hình liên minh đào tạo hợp tác 3 Nhà: Nhà nước – Nhà trường – Nhà Doanh nghiệp trong đó Chính quyền thành phố là cơ quan điều phối, thiết lập cơ chế hợp tác; định hướng về chiến lược, mục tiêu, lộ trình thực hiện; ban hành các chính sách và hỗ trợ ngân sách cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực; đầu tư hạ tầng chia sẻ dùng chung; thiết lập hệ thống kết nối cung cầu nhân lực vi mạch bán dẫn giữa các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo”, ông Minh thông tin.
Xây tổ đón đại bàng
Nếu nguồn nhân lực là “lõi hạt nhân” thì cơ sở hạ tầng là “khung xương” để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Ông Minh cho biết, để chuẩn bị hạ tầng phục vụ thiết kế vi mạch bán dẫn trong ngắn hạn, bên cạnh việc tập trung thu hút đầu tư vào Khu CNC và 3 Khu công nghệ thông tin tập trung hiện hữu, Đà Nẵng phấn đấu cuối năm 2024 tiếp tục đưa vào vận hành Khu Công viên phần mềm số 2 với diện tích sàn hơn 90.000m2, đáp ứng cho hơn 6.000 nhân sự.
Đồng thời, nghiên cứu, đầu tư mở rộng giai đoạn 2 Dự án Khu công viên phần mềm số 2 với diện tích 2,5ha; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư chiến lược đầu tư các khu công viên phần mềm, khu công nghệ thông tin tập trung mới trên địa bàn thành phố khoảng 22ha.
Thành phố tập trung đẩy nhanh việc triển khai thủ tục lựa chọn nhà đầu tư phát triển hạ tầng các phân khu sản xuất bán dẫn chuyên biệt thuộc Khu Thương mại tự do để thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực kiểm thử, đóng gói, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu, linh kiện, thiết bị… trong chuỗi cung ứng bán dẫn.
Ngoài ra, TP. Đà Nẵng thu hút đầu tư phát triển mới ít nhất 1 trạm cáp quang biển cập bờ; mở rộng dung lượng truyền dẫn các tuyến cáp quang SMW3 và APG; nâng cấp hoàn thiện hạ tầng điện, giao thông, logisitics đồng bộ với các khu vực đã được quy hoạch cho hoạt động công nghiệp vi mạch bán dẫn để tăng tính kết nối với các thị trường trong khu vực và thế giới.
Trong khi đó, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu CNC và các KCN Đà Nẵng Nguyễn Công Tiến đánh giá, Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Các cơ chế, chính sách vừa có tính đặc thù, vừa có tính đột phá lớn trong phát triển kinh tế – xã hội.
“Nhưng cũng thấy rõ trách nhiệm và những khó khăn, thách thức trong việc triển khai để hiện thực hóa các chính sách này trên thực tiễn, nhất là nhiều vấn đề rất mới và chưa có tiền lệ, như thu hút nhà đầu tư chiến lược trong ngành bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; chính sách về thử nghiệm có kiểm soát, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo…”, ông Tiến cho hay.
Theo ông Tiến, trong thời gian tới, Ban Quản lý tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kết nối nhà đầu tư trong Khu CNC và các KCN, tham gia tiếp, làm việc với các nhà đầu tư/doanh nghiệp có nhu cầu tìm hiểu môi trường như tập đoàn MASDAC (Nhật Bản), HIRAIWA (Nhật Bản), DENYO (Nhật Bản), WETEKAM (Đức), GENOSS (Hàn Quốc)… giới thiệu về môi trường đầu tư của Khu CNC; đồng thời hướng dẫn các nhà đầu tư tiềm năng khảo sát địa điểm, thủ tục đầu tư… thu hút dự án đầu tư mới theo chức năng, nhiệm vụ quy định…
Ngoài ra, tranh thủ sự hỗ trợ từ chính các doanh nghiệp đã đầu tư vào TP. Đà Nẵng như CTCP Long Hậu, CTCP Viễn thông công nghệ Sài Gòn (SaigonTel) để phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư phù hợp, tiếp cận các nhà đầu tư tiềm năng. Đặc biệt, Ban Quản lý cũng khẩn trương triển khai các thủ tục để sớm lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật các KCN mới (bao gồm Hòa Cầm – Giai đoạn 2, Hòa Ninh, Hòa Nhơn) và mở rộng Khu CNC Đà Nẵng để tạo nguồn quỹ đất đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.
Nhiều chính sách ưu đãi vượt trội
Lãnh đạo TP. Đà Nẵng cho biết, trong nỗ lực kiến tạo môi trường thuận lợi và xây dựng hệ sinh thái để phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn, Đà Nẵng tập trung vào 3 hướng đột phá đó là: Chính sách, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng. Thông qua Nghị quyết 136/2024/QH15 của Quốc hội, TP. Đà Nẵng có các chính sách ưu đãi đặc thù thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
Cụ thể, đối với Nhà đầu tư chiến lược, doanh nghiệp sẽ được Nhà nước cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; được lựa chọn hình thức Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; được tính vào chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) bằng 150% chi phí thực tế của hoạt động này khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan và thủ tục về thuế và được hỗ trợ không quá 5% tổng chi phí mua thiết bị hỗ trợ sản xuất, chi phí di chuyển tài sản, dây chuyền, thiết bị, công nghệ, chi phí đối với các dự án đầu tư mới.
Đối với đối tác chiến lược, doanh nghiệp được Nhà nước cho thuê trực tiếp tài sản kết cấu hạ tầng thông tin không thông qua đấu giá; được Nhà nước chỉ định thầu mua sắm các trang thiết bị đặc thù; được hỗ trợ không quá 5% tổng chi phí mua thiết bị hỗ trợ sản xuất, chi phí di chuyển tài sản, dây chuyền, thiết bị, công nghệ, chi phí đối với các dự án đầu tư mới; được hỗ trợ một phần chi phí thuê nhân lực có trình độ chuyên môn cao.
Để được hưởng các ưu đãi của nhà đầu tư chiến lược, đối tác chiến lược thì các doanh nghiệp, nhà đầu tư ngoài đáp ứng các yêu cầu về vốn, doanh thu, công nghệ… thì phải có ký kết hợp tác lâu dài với thành phố trong đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ và mở rộng đầu tư tại thành phố, nội dung này được quy định chi tiết trong Nghị quyết số 136.
Đối với hoạt động đầu tư phát triển vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thông tin và truyền thông, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo gồm: Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn 5 năm từ thời điểm phát sinh thuế thu nhập phải nộp.
Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với tổ chức có khoản thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần, vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, hoạt động vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo(chưa thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng) trong thời hạn miễn thuế là 5 năm kể từ thời điểm có hoạt động góp vốn vào doanh nghiệp.
Miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời hạn 5 năm đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, sản xuất, đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo làm việc tại doanh nghiệp trên địa bàn thành phố…
Quan điểm của Đà Nẵng là sẽ “đo ni đóng giày” cho vừa vặn với “đôi chân” khách hàng, tức là sẽ xây dựng chính sách phù hợp, sát với nhu cầu thực tế của nhà đầu tư lĩnh vực công nghệ vi mạch bán dẫn.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhìn nhận, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên được trao những cơ chế đặc thù để phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Đây là các chính sách ưu đãi vượt trội cho các nhà đầu tư chiến lược, đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.
“Đà Nẵng cam kết tiếp tục đầu tư đồng bộ hệ sinh thái về bán dẫn. Trước mắt, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; thúc đẩy nhanh phân khu sản xuất, logistics trong khu thương mại tự do gắn với cảng biển Liên Chiểu; xây dựng ga hàng hóa tại sân bay Đà Nẵng phục vụ logistics”, ông Quảng thông tin.