Theo Ban quản lý Khu Công nghệ cao và Khu Công nghiệp Đà Nẵng, tính đến đến 30/11/2024, Đà Nẵng cấp phép cho 4 dự án đầu tư vào khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung (giai đoạn 1) và các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố; trong đó, có 2 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 178,5 triệu USD, 2 dự án vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư là 810 tỷ đồng.
Lũy kế đến nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã thu hút 521 dự án đầu tư vào Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin tập trung và các Khu Công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; trong đó có 396 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 33.876 tỷ đồng và 125 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 2,22 tỷ USD.
Chỉ tính riêng khu Công nghệ cao Đà Nẵng, đến nay đã thu hút 30 dự án; trong đó có 17 dự án vốn đầu tư trong nước, 13 dự án có vốn FDI với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD, chiếm gần 45,5% tổng số vốn FDI đầu tư vào thành phố Đà Nẵng.
Đáng chú ý, cuối tháng 11 vừa qua, Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các Khu Công nghiệp Đà Nẵng đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án Nhà máy sản xuất ICT Vina III do Công ty TNHH ICT Vina thuộc Tập đoàn Dentium (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư. Dự án có tổng vốn đăng ký đầu tư 177 triệu USD, tương đương hơn 4.458 tỷ đồng.
Đây là dự án thứ 3 của Công ty TNHH ICT Vina đầu tư vào Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Trước đó, công ty được cấp phép đầu tư dự án Nhà máy sản xuất ICT Vina với tổng vốn đăng ký đầu tư 20 triệu USD (năm 2018) và dự án Nhà máy sản xuất ICT Vina II với tổng vốn đăng ký đầu tư 60 triệu USD (năm 2020), nâng tổng vốn đầu tư 3 dự án của công ty là 257 triệu USD, trở thành doanh nghiệp có quy mô đầu tư lớn nhất vào Khu Công nghệ cao Đà Nẵng tính đến thời điểm này.
Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các Khu Công nghiệp Đà Nẵng Vũ Quang Hùng, cho biết Nhà máy sản xuất ICT Vina là một trong những đối tác dự án trọng điểm thành phố thu hút đầu tư trong giai đoạn 2020-2025 theo Đề án “Tổng thể phát triển Khu Công nghệ cao Đà Nẵng đến năm 2030” tại Quyết định số 4621/QĐ-UBND ngày 14/10/2019 của UBND thành phố Đà Nẵng.
Với những nền tảng về kinh nghiệm và năng lực tài chính của nhà đầu tư, cũng như làm chủ được công nghệ, dự án sẽ bảo đảm tiến độ đưa vào khai thác đúng kế hoạch và phát huy được hiệu quả, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ đến các doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao Đà Nẵng nói riêng, cũng như với môi trường đầu tư của thành phố Đà Nẵng nói chung.
Là 1 trong 3 khu công nghệ cao của cả nước và duy nhất tại miền Trung, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng nằm trên địa bàn xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang được xác định là hạ tầng quan trọng để góp phần định vị Đà Nẵng thành trung tâm công nghệ cao khu vực.
Vì vậy, việc triển khai các giải pháp thu hút các nhà đầu tư vào Khu Công nghệ cao trong thời gian qua được Đà Nẵng xác định là nhiệm vụ quan trọng của thành phố; nhằm qua đó tạo sức lan tỏa, kết nối các ngành sản xuất công nghệ cao, hiện đại đem lại giá trị gia tăng cao trong phát triển kinh tế-xã hội thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới.
Hiện Khu Công nghệ cao Đà Nẵng đã đạt tỷ lệ lấp đầy trên 50%, được chuẩn bị sẵn sàng về hạ tầng, nguồn nhân lực, chính sách đãi ngộ thu hút đầu tư, trong đó chú trọng thu hút các nhà đầu tư ở lĩnh vực công nghệ cao, vi mạch bán dẫn để mở rộng sản xuất các ngành “công nghiệp sạch”, đạt giá trị gia tăng cao.