Trung Quốc đón tín hiệu khởi sắc
Một dấu hiệu tiềm năng cho thấy các nỗ lực mạnh mẽ hơn của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang phát huy hiệu quả. Tháng 10 vừa qua, chỉ số quản lý mua hàng (PMI) ngành sản xuất đã tăng lên 50,3 từ mức 49,3 trong tháng 9, theo dữ liệu do Caixin Media Co. và S&P Global công bố vào thứ 1/11.
Chỉ số PMI tăng lên trên mức 50 – báo hiệu sự gia tăng của hoạt động sản xuất – đã chấm dứt chuỗi 5 tháng trong vùng thu hẹp. Báo cáo dữ liệu khác về hoạt động xây dựng và dịch vụ của Trung Quốc cũng đã quay lại mức tăng trưởng trong tháng 10.
“Các khảo sát cho thấy sự cải thiện trong tháng 10, với sự gia tăng hoạt động sản xuất và dịch vụ vượt qua sự chậm lại hơn nữa của lĩnh vực xây dựng,” Julian Evans-Pritchard, Trưởng bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics, nhận xét.
Kể từ cuối tháng 9, chính phủ Trung Quốc đã tung ra một loạt các biện pháp nhằm khôi phục tăng trưởng và niềm tin vào nền kinh tế. Các nỗ lực chưa từng có này bao gồm cắt giảm lãi suất điều hành, hỗ trợ thế chấp, khuyến khích mua nhà và bơm thanh khoản lớn vào hệ thống tài chính.
Các nhà hoạch định chính sách đã cam kết hỗ trợ thêm dưới hình thức gói tài khóa, dự kiến sẽ bao gồm hàng nghìn tỷ nhân dân tệ nợ bổ sung. Gói kích thích tài khóa này dự kiến sẽ được thông qua vào tuần tới tại cuộc họp của cơ quan lập pháp cao nhất Trung Quốc.
Dữ liệu PMI cho thấy cung và cầu trong ngành sản xuất rộng lớn của Trung Quốc đều tăng trưởng trong tháng 10. Một chỉ số phụ đo lường sản lượng đã ghi nhận tháng thứ 12 liên tiếp mở rộng. Một điểm sáng khác là chỉ số tổng số đơn hàng mới quay trở lại vùng tích cực và đạt mức cao nhất kể từ tháng 6.
Tuy nhiên, nhu cầu bên ngoài của khu vực sản xuất Trung Quốc vẫn yếu, thể hiện qua chỉ số đơn hàng xuất khẩu mới duy trì trong vùng thu hẹp ba tháng liên tiếp. Điều này cũng phản ánh tình hình kinh tế toàn cầu suy yếu.
Một điểm đen khác của nền kinh tế số hai thế giới là việc làm, khi các doanh nghiệp vẫn thận trọng trong tuyển dụng vì triển vọng kinh tế bất ổn. Chỉ số việc làm giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5 năm 2023, phản ánh việc cắt giảm lao động rộng rãi trong các công ty sản xuất.
Thêm nguy cơ cho tăng trưởng châu Á
Theo IMF, đà chậm lại kéo dài hơn dự kiến của Trung Quốc cũng là một nguyên nhân ảnh hưởng đến triển vọng khu vực và nền kinh tế toàn cầu.
IMF cho rằng những biện pháp chính sách gần đây của Bắc Kinh đã cho thấy một số dấu hiệu cải thiện nhưng chưa có bằng chứng vững chắc về sự hồi phục bền vững. Nếu áp lực giảm giá liên tục từ Trung Quốc không thay đổi, nó có thể làm suy giảm khả năng cạnh tranh ở các quốc gia có cấu trúc xuất khẩu tương tự và gây ra căng thẳng thương mại.
IMF nhận thấy một rủi ro nghiêm trọng trong việc leo thang các đòn thuế trả đũa giữa các đối tác thương mại lớn. “Điều này sẽ ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của tất cả các quốc gia, bao gồm cả các quốc gia kết nối có thể hưởng lợi từ việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng trong ngắn hạn,” IMF cho biết.
Điển hình, hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc đã tràn ngập khắp thế giới, khiến chính quyền Mỹ hay EU phải áp thuế lên xe điện Trung Quốc – điều cũng sẽ gây ra phản ứng trả đũa tương tự.
“Phản ứng chính sách của Trung Quốc rất quan trọng trong bối cảnh này: các biện pháp kích thích sản xuất và xuất khẩu có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng, trong khi các nỗ lực bổ sung để điều chỉnh lĩnh vực bất động sản và tăng cường tiêu dùng cá nhân sẽ hỗ trợ cả tăng trưởng khu vực và toàn cầu,” IMF cho biết
Bên cạnh đó, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á sẽ chậm lại trong năm nay và năm tới khi động lực hậu đại dịch giảm dần và các yếu tố nhân khẩu học như già hóa dân số ngày càng cản trở hoạt động kinh tế.
Tuy nhiên, IMF nhìn nhận triển vọng ngắn hạn của các nền kinh tế châu Á có phần tích cực hơn so với dự báo tháng 4 trước đó. IMF đã nâng nhẹ dự báo tăng trưởng khu vực năm 2024 thêm 0,1 điểm phần trăm lên 4,6%. “Tăng trưởng ở nhiều quốc gia mạnh hơn mong đợi, với hầu hết châu Á hưởng lợi từ nhu cầu xuất khẩu mạnh trong nửa đầu năm”, IMF cho biết.
Năm 2025, chính sách tiền tệ nới lỏng hơn sẽ hỗ trợ hoạt động kinh tế khi các ngân hàng trung ương tiếp tục giảm bớt các biện pháp thắt chặt, khiến IMF nâng dự báo tăng trưởng của châu Á lên 4,4% từ mức 4,3%.
Mặc dù vậy, những rủi ro ngày càng gây quan ngại cho triển vọng của các nền kinh tế châu Á. Lo ngại về triển vọng tăng trưởng toàn cầu gia tăng từ nhiều phía, bao gồm các xung đột ở Trung Đông, bất định về bầu cử Mỹ, sự phục hồi chậm của Trung Quốc và biến động thị trường tài chính.