Đang nợ chồng chất, TDC muốn vay thêm 700 tỷ
Khép lại quý 1/2024, TDC tiếp tục lỗ ròng hơn 23 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ hơn 40 tỷ đồng, đây là quý thứ 6 liên tiếp thua lỗ của TDC. Đáng chú ý, tuy làm ăn thua lỗ nhưng Doanh nghiệp vẫn muốn vay 700 tỷ đồng, trong khi lỗ lũy kế hơn 390 tỷ đồng.
CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (HOSE: TDC) vừa thông qua việc vay vốn ngắn, trung dài hạn, bảo lãnh, mở L/C, vay thấu chi và các hình thức cấp tín dụng khác tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (HOSE: BID) – chi nhánh Bình Dương để bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh thường xuyên và đầu tư vào các dự án, phương án kinh doanh của Công ty.
Trong đó, hạn mức vay ngắn hạn và bảo lãnh giai đoạn 2024-2025 là 700 tỷ đồng, thời gian hiệu lực của hạn mức tín dụng là 12 tháng. Thời gian vay tối đa mỗi món vay là 11 tháng/món, lãi suất sẽ theo quy định của ngân hàng.
TDC cho biết Công ty sẽ dùng tài sản cố định hữu hình, vô hình, cổ phiếu, trái phiếu, tiền gửi và các loại tài sản khác thuộc sở hữu của Công ty làm tài sản đảm bảo để thế chấp, cầm cố tại ngân hàng.
Tiếp tục lỗ trong quý đầu năm
Năm 2023, TDC lỗ ròng gần 403 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 13 tỷ đồng) và là mức lỗ kỷ lục từ khi niêm yết HOSE năm 2010.
* TDC lỗ kỷ lục gần 403 tỷ, kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục
Kết thúc 3 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh doanh của TDC vẫn chưa khá hơn khi tiếp tục lỗ ròng hơn 23 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ hơn 40 tỷ đồng, đây là quý thứ 6 liên tiếp thua lỗ của TDC (từ quý 4/2022). Trong khi đó, doanh thu thuần đạt hơn 119 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ.
Năm 2024, TDC đặt kế hoạch kinh doanh tổng doanh thu 2,441 tỷ đồng, gấp 6.8 lần thực hiện 2023 và lợi nhuận sau thuế gần 408 tỷ đồng. So với kế hoạch, TDC mới thực hiện được 5% chỉ tiêu tổng doanh thu và còn cách rất xa mục tiêu lợi nhuận sau quý 1.
Nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn
Tính đến cuối tháng 3/2024, tổng tài sản TDC đạt gần 3,544 tỷ đồng, giảm 2% so với đầu năm. Trong đó, nguồn vốn tập trung chủ yếu dưới dạng tài sản dài hạn với 2,790 tỷ đồng, chiếm 79%, còn lại là tài sản ngắn hạn gần 754 tỷ đồng.
Bên kia bảng cân đối, TDC còn hơn 2,777 tỷ đồng nợ phải trả, giảm 2% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay tài chính ngắn và dài hạn hơn 1,576 tỷ đồng, chiếm 57% tổng nợ. Chủ nợ lớn nhất của TDC là ngân hàng BID với khoản vay ngắn hạn hơn 732 tỷ đồng.
Đáng chú ý, nợ ngắn hạn (chiếm 75% tổng nợ) với gần 2,086 tỷ đồng, đang vượt tài sản ngắn hạn của TDC và yếu tố này có thể ảnh hưởng đến hoạt động liên tục của Công ty.
Bên cạnh đó, với việc tiếp tục lỗ trong quý đầu năm nay, tính tới 31/3/2024, tổng lỗ luỹ kế của KDC tăng lên hơn 390 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ là 1 ngàn tỷ đồng.
Nói về vấn đề trên, TDC cho hay Công ty mẹ là Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – CTCP (Becamex IDC, HOSE: BCM) và các công ty khác trong cùng Tập đoàn cam kết sẽ hỗ trợ tài chính cho TDC bằng cách bảo lãnh các khoản nợ vay, không yêu cầu Công ty hoàn trả tiền nợ mua hàng hoá, dịch vụ đến khi Công ty có khả năng trả nợ. Do vậy, BCTC hợp nhất quý 1/2024 vẫn được lập dựa trên giả thiết hoạt động kinh doanh liên tục.