Được giao dịch ổn định trên mốc 30.000 đồng/cp trong suốt năm 2023, cổ phiếu GKM của Công ty cổ phần GKM Holdings bất ngờ lao dốc từ vùng 35.000 đồng/cp xuống 6.900 đồng/cp trong vòng 1 tháng rưỡi qua, tức mất 80% giá trị.
Ban lãnh đạo doanh nghiệp khẳng định cổ phiếu tăng/giảm hoàn toàn phụ thuộc vào cung cầu của thị trường chứng khoán, nhu cầu, tâm lý và đánh giá của nhà đầu tư. Thời gian qua, hoạt động kinh doanh của công ty bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế vĩ mô và mưa bão, thiên tai phức tạp. Khó khăn này ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư.
Về phía mình, công ty không có bất cứ sự can thiệp, tác động hay kiểm soát nào với diễn biến của giá cổ phiếu GKM trong thời gian qua. Hoạt động kinh doanh của công ty vẫn diễn ra bình thường.
Cổ phiếu bị thao túng
Mới đây, UBCKNN vừa công bố quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 23 cá nhân cho mượn tài khoản để giao dịch chứng khoán dẫn đến hành vi vi phạm thao túng thị trường chứng khoán đối với cổ phiếu GKM.
Cụ thể, các cá nhân cho ông Nguyễn Việt Hà mượn tài khoản hoặc đứng tên sở hữu chứng khoán hộ để giao dịch chứng khoán dẫn đến hành vi thao túng giá cổ phiếu GKM trong giai đoạn từ ngày 2/8/2021 đến ngày 28/1/2022. Đó là các nhà đầu tư Nguyễn Văn Đạo, Lê Thị Nguyệt, Nguyễn Phi Điệp, Nguyễn Thị Yến, Hoàng Văn Hải, Hoàng Trường Vinh, Nguyễn Ngọc Hưng, Nguyễn Mạnh Thắng, Nguyễn Quang Huy, Đỗ Quang Trung, Phạm Tiến Đạt, Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Nguyễn Thị Thu, Phạm Ngọc Thuyết, Phạm Thị Cẩm Vân, Hoàng Văn Minh, Nguyễn Văn Tùng, Vũ Thị Nhung, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Giang, Lê Trọng Long, Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phạm Sĩ Giang.
Căn cứ kết quả kiểm tra, giám sát, UBCKNN cho biết chưa có cơ sở cho thấy 23 cá nhân nêu trên có số lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm. Theo đó, 23 cá nhân bị áp dụng các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán gồm cấm giao dịch chứng khoán có thời hạn 2 năm kể từ ngày 14/11; cấm đảm nhiệm chức vụ tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, công ty đầu tư chứng khoán có thời hạn 2 năm kể từ ngày 14/11.
Nhìn lại, trong khoảng thời gian cổ phiếu GKM bị thao túng đã tăng giá mạnh từ vùng 7.200 đồng/cp lên trên 40.000 đồng/cp. Đây cũng giai đoạn mà giao dịch nội bộ công ty sôi động, Chủ tịch HĐQT Đặng Việt Lê, cựu Thành viên HĐQT Nguyễn Việt Hà và người thân thi nhau bán cổ phiếu. Ngược lại, Chứng khoán APG gom cổ phiếu để trở thành cổ đông lớn.
Đồng thời, đây cũng là thời điểm GKM thực hiện phương án chào bán 7,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp. Sau đó, công ty còn tiếp tục huy động 100 tỷ đồng trái phiếu đảm bảo bằng cổ phiếu GKM và lên phương án tăng vốn khủng qua chào bán 83,34 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu giá 10.000 đồng/cp, qua đó tăng vốn gấp nhiều lần lên hơn 1.000 tỷ đồng.
Xuất phát điểm trong lĩnh vực nhôm và cửa cuốn, từ 2021, Khang Minh muốn tham gia vào lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng tại Phú Quốc. Đó vậy, công ty huy động vốn để đầu tư dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Bắc Bãi Thơm – Phú Quốc rộng 8,9 ha với tổng đầu tư 16.250 tỷ đồng.
Lợi nhuận giảm mạnh
Sau cơn sốt bất động sản và thị trường chứng khoán 2021 – 2022, doanh nghiệp hiện đang gồng mình trả nợ, duy trì hoạt động kinh doanh. Trong thời gian qua, doanh nghiệp đã dần thoái vốn khỏi mảng kinh doanh cốt lõi trước kia là đá và nhôm tại 2 công ty con gồm Công ty cổ phần đá thạch anh Khang Minh và Công ty cổ phần nhôm Khang Minh. Thay vào đó, doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư tài chính, mở mảng thương mại gạo, thép.
Báo cáo của GKM Holdings cho thấy doanh thu tăng mạnh trong 9 tháng năm nay từ 4 tỷ lên 143 tỷ đồng nhờ buôn bán gạo và thép. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp mỏng chỉ 1,8 tỷ đồng không gánh đủ các chi phí. Cứu cánh giúp công ty có lãi 5 tỷ đồng, bằng 17% cùng kỳ năm trước đến từ hoạt động tài chính khi công ty bán tiếp 19,06% vốn tại Công ty cổ phần Đá thạch anh Khang Minh.
Xét riêng quý III, GKM Holdings ghi nhận doanh thu 10 tỷ đồng, mức thấp nhất trong 3 quý và lỗ ròng 1,5 tỷ đồng do không còn nguồn thu từ hoạt động tài chính.
Về mặt tài chính, vào năm 2021, công ty đã phát hành 100 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất 12,6%, đáo hạn 20/9/2024. Nguồn tiền thu được dùng để bổ sung vốn lưu động, đầu tư nhà máy Nhôm Khang Minh tại Hà Nam và đầu tư tài chính. Trái phiếu được bảo đảm bằng 7 triệu cổ phiếu GKM.
Tại thời điểm phát hành, 1 tổ chức là công ty chứng khoán đã mua 91,35 tỷ đồng trái phiếu và 10 nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp mua 8,65 tỷ đồng. Tổ chức tư vấn phát hành, đại lý phát hành, đăng ký, lưu ký, quản lý chuyển nhượng trái phiếu, quản lý tài sản đảm bảo là Công ty cổ phần Chứng khoán APG (mã: APG) – cổ đông lớn công ty (sở hữu hơn 14,4% vốn).
BCTC quý III của GKM Holdings còn ghi nhận khoản nợ vay trái phiếu trị giá gần 45 tỷ đồng đáo hạn ngày 20/9, nghĩa là công ty đã mua lại 55 tỷ đồng.
Vào tháng 9, công ty công bố tổ chức lấy ý kiến người sở hữu trái phiếu để thông qua phương án kéo dài kỳ hạn trái phiếu GKMH2124001 thêm 2 năm đến ngày 20/9/2026. Song, kết quả không được thông tin. Mặt khác, vào tháng 6, công ty công bố chào bán tối đa 44,9 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ để cơ cấu nợ, thanh toán tiền gốc, lãi trái phiếu đến hạn/mua lại trước hạn, nhưng cũng chưa thấy thông tin về kết quả thực hiện.