Lợi nhuận đi xuống 4 quý liên tiếp
Vào tháng 8, cổ đông của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã: BSR) vui mừng khi HĐQT công bố triển khai niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) sau nhiều năm chờ đợi. Do công ty gần giải quyết được 2 nút thắt ngăn cản việc niêm yết cổ phiếu gồm quyết toán cổ phần hóa và khoản đầu tư vào Công ty cổ phần Nhiên liệu Sinh học Dầu khí miền Trung (BSR-BF). HoSE cũng công bố đã nhận hồ sơ niêm yết cổ phiếu của công ty từ cuối tháng 8.
Với 3,1 tỷ cổ phiếu, Lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ là “bom tấn” hiếm hoi trong vài năm trở lại đây lên sàn HoSE. Đồng thời, với quy mô và vị thế đầu ngành, nhiều đơn vị phân tích kỳ vọng cổ phiếu BSR có thể lọt rổ chỉ số VN30 sau khi chuyển sàn và từ đó gia tăng tính hấp dẫn, hỗ trợ thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, triển vọng cổ phiếu trở nên tiêu cực hơn khi BCTC hợp nhất quý III được công bố. Doanh nghiệp ghi nhận doanh thu quý III đạt 31.946 tỷ đồng, giảm 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Kinh doanh dưới giá vốn, công ty lỗ gộp 1.469 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính tăng 32% lên 554 tỷ đồng; chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp đồng thời giảm. Dù vậy, ông lớn ngành hóa dầu Việt Nam vẫn lỗ sau thuế 1.209 tỷ đồng – quý thứ 4 liên tiếp lợi nhuận đi lùi.
Lũy kế 9 tháng, BSR đạt 87.059 tỷ đồng doanh thu, giảm 17,5%. Lợi nhuận sau thuế 674 tỷ đồng, bằng 11% cùng kỳ năm trước.
Triển vọng kém sáng
Lần gần nhất BSR kinh doanh dưới giá vốn là quý I và II năm 2020 – thời điểm dịch bệnh covid mới bùng phát, ngành dầu khí trên toàn thế giới rơi vào khủng hoảng, nhu cầu tiêu thụ giảm, tồn kho cao khiến giá dầu rớt thảm.
Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết giá dầu thế giới thời gian qua biến động mạnh, giá dầu thô (Dated Brent) giảm từ 85,31 USD/thùng trung bình tháng 7 xuống còn 74,33 USD/thùng trong tháng 9. Qua đó, chênh lệch giữa giá dầu thô và giá sản phẩm (crack spead) cũng thu hẹp dẫn đến lợi nhuận của công ty giảm mạnh.
Trong hoạt động của các nhà máy lọc dầu, giá dầu biến động và crack spead thu hẹp là điều gây tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong những tháng gần đây, biên lợi nhuận lọc dầu trên khắp châu Á báo giảm và chạm mốc thấp nhất kể từ năm 2020. Điều này có thể dẫn đến nhiều hạn chế hơn về công suất hoạt động tại các nhà máy lọc dầu châu Á. Các nhà phân tích cho rằng, do nguồn cung nhiên liệu đang tăng lên sau khi nhu cầu đạt đỉnh vào mùa hè, tỷ suất lợi nhuận hiện đang ở mức thấp nhất trong 4 năm.
Chứng khoán KB (KBSV) cho biết bình quân từ đầu quý III đến nay, crack spread dầu Diesel, xăng RON95, RON92 và Jet A1 tại châu Á sụt giảm lần lượt 44%, 24%, 48% và 42%. Crack spread năm 2024 yếu hơn đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái chủ yếu do tình hình tiêu thụ ảm đạm tại thị trường Trung Quốc khiến hàng tồn kho châu Á duy trì ở mức cao trong mùa cao điểm cuối năm.
Trong giai đoạn cuối năm, chuyên gia phân tích của KBSV nhận định chưa thấy động lực đáng kể để đảo ngược tình thế cho thị trường xăng dầu trong khu vực. Các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ và Trung Quốc đang cho thấy bức tranh kém khả quan. Về phía cung, OPEC+ đã thống nhất hoãn lộ trình tăng sản lượng tới cuối tháng 11 để chống đỡ đà giảm của giá dầu. Song, việc bất ổn chính trị tại Libya đang có dấu hiệu cải thiện đã giải tỏa lo ngại thiếu hụt nguồn cung và gây áp lực giảm mạnh lên giá dầu thô trong ngắn hạn.
Theo đó, BSR có thể phải trích lập giảm giá hàng tồn kho trong nửa cuối năm. Tại 30/9, hàng tồn kho của Lọc hóa dầu Bình Sơn đạt 17.949 tỷ đồng, tăng thêm hơn 2.100 tỷ so với đầu năm. Công ty đã trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho 290 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 123,7 tỷ đầu năm.