Triển khai xác thực sinh trắc học
Ngành ngân hàng đã có bước tiến dài từ việc một số tổ chức tín dụng (TCTD) tiên phong áp dụng eKYC (Electronic Know Your Customer) – giải pháp định danh xác thực khách hàng điện tử, cho phép ngân hàng định danh khách hàng 100% online dựa vào các thông tin sinh trắc học (biometrics), nhận diện khách hàng bằng trí tuệ nhân tạo (AI)… đến triển khai xác thực sinh trắc học trên toàn hệ thống theo chủ trương NHNN đặt ra.
Cụ thể, theo Quyết định 2345 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, quy định tất cả các giao dịch điện tử cá nhân có giá trị trên 10 triệu đồng hoặc tổng thanh toán trong ngày vượt 20 triệu đồng phải áp dụng xác thực sinh trắc học khuôn mặt; theo Thông tư 18 yêu cầu cá nhân mở thẻ ngân hàng hoặc ví điện tử trực tuyến phải thực hiện xác thực sinh trắc học; Cùng với đó, Thông tư 50 đưa ra khung pháp lý đảm bảo an toàn và bảo mật cho dịch vụ trực tuyến ngành ngân hàng; tất cả các ngân hàng đã gấp rút triển khai xác thực sinh trắc học cho khách hàng và hoàn tất trước thời hạn 1/1/2025.
Kết quả thống kê cho thấy khoảng 38 triệu lượt khách hàng đã hoàn tất đăng ký thông tin sinh trắc học. NHNN cũng thống kê sau hơn ba tháng triển khai, số vụ lừa đảo giảm 50%, trong khi số tài khoản nhận tiền từ hành vi lừa đảo giảm trên 70% so với trung bình 7 tháng đầu năm 2024, cho thấy hiệu quả của giải pháp này.
Trước 1/1/2025, trong những ngày cuối năm 2024, nhiều TCTD cho biết đã gấp rút hỗ trợ khách hàng triển khai sinh trắc học cả ngoài giờ giao dịch để hoàn thành mục tiêu. Điều này mang đến các kết quả tích cực như tại một ngân hàng thuộc nhóm Big 4 dẫn đầu về lượng khách hàng có tài khoản ngân hàng điện tử, đã có tới 2/3 khách hàng có tài khoản đang hoạt động triển khai xong xác thực sinh trắc học. Hay ở nhóm NHTMCP tư nhân, HDBank đã hỗ trợ khách hàng triển khai xác thực sinh trắc học đạt tỷ lệ cao, đóng góp vào thành công chung của toàn ngành.
Đáng chú ý, cũng theo Thông tư 17/2024 và Thông tư 18/2024 do NHNN ban hành, kể từ ngày 1/1/2025, khách hàng tổ chức sẽ chỉ được thực hiện rút tiền, giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử trên tài khoản thanh toán khi đã hoàn thành việc đối chiếu khớp đúng giấy tờ tùy thân của người đại diện hợp pháp.
Quy định này nhằm mục tiêu hạn chế, ngăn chặn việc sử dụng, lợi dụng tài khoản thanh toán cho các mục đích bất hợp pháp của các đối tượng dùng giấy tờ tùy thân giả để mở tài khoản thanh toán.
Nhiều TCTD như Vietcombank, VietinBank, VPBank, Techcombank… đều phát thông cáo đến khách hàng doanh nghiệp để cập nhật giấy tờ tùy thân người đại diện hợp pháp theo đúng quy định và/ hoặc có thêm yêu cầu bổ sung xác minh sinh trắc học.
Lãnh đạo NHNN chia sẻ với DĐDN, dự kiến trong thời gian tới của năm 2025, ngành ngân hàng đặt mục tiêu cũng sẽ triển khai áp dụng xác minh sinh trắc học bắt buộc với chủ đại diện tài khoản thanh toán của doanh nghiệp, để ngăn chặn tối đa các hành vi lừa đảo giao dịch – chuyển tiền đến tài khoản doanh nghiệp.
Có thể nói, xác thực sinh trắc học là một chiến dịch lớn của ngành ngân hàng, thúc đẩy chuyển đổi số ngành ngân hàng nói riêng và chuyển đổi số của nền kinh tế nói chung trong năm 2024, là dấu mốc quan trọng trong thực hiện Đề án 06 (Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 06/01/2022 phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, để cùng Bộ Công An làm sạch kho “dữ liệu” – tài nguyên lớn nhìn ở góc độ Big Data, tiến đến cho chính các TCTD triển khai khai thác cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính hiệu quả, an toàn.
Cung cấp dịch vụ ưu việt trên không gian số
Chuyển đổi số giúp các ngân hàng mở rộng không gian cung cấp sản phẩm dịch vụ khi trải nghiệm dịch vụ tài chính, thanh toán cho nhu cầu tiêu dùng của người dân dịch chuyển từ không gian vật lý lên kênh số, để từ đó trở lại đáp ứng, thỏa mãn các nhu cầu trong đời sống. Năm 2024 chứng kiến nhiều câu chuyện về sản phẩm dịch vụ tài chính xuất hiện trên kênh số ấn tượng và làm được những điều mà trước nay chưa xuất hiện trong nền kinh tế.
Điển hình là việc các Ngân hàng có vốn Nhà nước triển khai bán vàng miếng SJC cho khách hàng đăng kí trực tuyến qua website hoặc qua ứng dụng di động, theo chủ trương nhằm đóng góp và ổn định thị trường của NHNN đặt ra. Trên thực tế, việc các Công ty kinh doanh vàng miếng triển khai bán vàng miếng, vàng nhẫn, vàng trang sức trên kênh số đã không còn xa lạ đặc biệt trong những năm Covid-19. Tuy nhiên việc Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank triển khai bán vàng miếng rất “mượt mà” qua kênh online của ngân hàng, lần đầu tiên được thực hiện trong năm 2024, cũng cho thấy sức mạnh và giá trị của kênh số trong cung ứng các sản phẩm, dịch vụ tài chính đặc thù – có tính vừa là hàng hóa vừa là tiền tệ – như vàng.
Hay trường hợp các TCTD và trung gian thanh toán tham gia cung cấp phương thức thanh toán cho người dân đi tàu Metro Bến Thành – Suối Tiên, tuyến Metro đầu tiên của TP HCM vừa được khai trương và vận hành chính thức ngày 22/12/2024 vừa qua. Ngân hàng số Vikki (từ HDBank), ra mắt thị trường từ tháng 7/2024, là một trong những ngân hàng số thế hệ mới đầu tiên tích hợp tiện ích thanh toán “một chạm” trong giao thông thông minh trên toàn tuyến metro đầu tiên của TP HCM ngay khi đi vào vận hành, đã hỗ trợ cho hàng ngàn lượt thanh toán của người dân trải nghiệm những chuyến đi mà từ trước đến nay chưa từng có trên Thành phố mang tên Bác.
Tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt
Một trong 8 kết quả lớn được NHNN thông tin trong nhóm các kết quả hoạt động ngành năm 2024, là việc khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) và hoạt động ngân hàng số tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, tạo sự đồng bộ và điều kiện thuận lợi cho phát triển TTKDTM, thúc đẩy hoạt động ngân hàng số, ứng dụng công nghệ mới và đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.
Bên cạnh đó, ngành ngân hàng đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho công chúng trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng trên môi trường mạng. Nhờ dó, hoạt động TTKDTM và chuyển đổi số ngân hàng tiếp tục đạt kết quả tích cực.
Cụ thể, NHNN khẳng định, nhiều ngân hàng Việt Nam chuyển đổi số ở tốp đầu hiện đã đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số. Đến nay, hơn 87% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng.
Số liệu hoạt động thanh toán trong 8 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ 2023 cho thấy: Giao dịch TTKDTM tăng 59,05% về số lượng và 33,64% về giá trị, qua kênh Internet tăng tương ứng 50,85% và 33,15%, qua kênh điện thoại di động tăng 58,95% và 36,60%, qua QR Code tăng 109,03% và 111,37%. Giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 6,46% về số lượng và tăng 30,51% về giá trị; qua Hệ thống bù trừ, chuyển mạch giao dịch tài chính tăng 34,03% về số lượng và 18,49% về giá trị.
Theo Công ty Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas), 2024 cũng là năm đánh dấu Việt Nam đã hoàn tất kết nối hệ thống thanh toán xuyên biên giới qua mã QR cùng Thái Lan, Campuchia, Lào với sự tham gia của khoảng 18 ngân hàng thương mại và 3 tổ chức trung gian thanh toán.
Dự kiến năm 2025 sẽ tiếp tục mở rộng kết nối thanh toán bằng mã QR với các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore.
Năm 2025, về chuyển đổi số và thúc đẩy TTKDTM, ngành ngân hàng định hướng tập trung triển khai thực hiện Nghị định số 52/2024/NĐ-CP quy định về hoạt động TTKDTM (Nghị định 52); các Thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn Luật Các TCTD, Nghị định 52/2024/NĐ-CP; Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung tại Kế hoạch triển khai Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021 – 2025, Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng; Tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn và bảo mật hoạt động thanh toán, ngân hàng; chỉ đạo các đơn vị cung ứng dịch vụ tích cực triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến, thanh toán thẻ ngân hàng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng; đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho công chúng trong sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng.
Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số theo đó chính là một trong những nhiệm vụ của 2025. Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định, năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025. Trong đó, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đặt ra mục tiêu cho năm 2025, đó là tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng (đạt khoảng 6,5-7%) trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát (bình quân khoảng 4,5%), bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tập trung cao độ cho việc bổ sung, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; cải cách, tinh gọn bộ máy, thủ tục hành chính; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số,… đáp ứng tốt nhất cho yêu cầu đổi mới sáng tạo, tạo đột phá phát triển đất nước trong tình hình mới, hướng tới kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Source link