Kết phiên giao dịch ngày 5/7, cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan và cổ phiếu HDB của Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank) giảm lần lượt 0,1% và 0,6% về các mức 76.700 đồng/cp và 24.400 đồng/cp.
Tại mức giá hiện tại, cổ phiếu HDB đang neo tại vùng đỉnh lịch sử trong khi MSN cũng gần hơn kháng cự mốc 80.000 đồng hồi tháng 3/2024.
Điểm chung ở cả hai cổ phiếu VN30 này đều là chuối 8 phiên tăng giá liên tiếp từ ngày 25/6-4/7 kéo giá cổ phiếu Tập đoàn Masan tăng 4% và cổ phiếu HDBank tăng 10%. Trước đó, trong lịch sử niêm yết, cả hai đều sở hữu chuỗi tăng giá dài nhất là 9 phiên liên tiếp (MSN +7%, HDB +14%).
Cổ phiếu MSN và HDB đều tăng mạnh hơn VN-Index trong khung thời gian từ đầu năm 2024 |
Điểm chung khác đến từ hiệu ứng cổ tức và triển vọng kinh doanh của cả hai doanh nghiệp.
HDBank sắp chốt trả cổ tức bằng tiền, tăng trưởng lợi nhuận quý II được dự phóng Top đầu nhóm ngân hàng VN30
Cụ thể, HDBank đã thông qua tỷ lệ cổ tức năm 2023 ở mức 30% (bao gồm 10% bằng tiền và 20% bằng cổ phiếu) – mức cao nhất hệ thống nếu không tính đến cổ phiếu thưởng. Tổng số tiền dự kiến chi ra cho việc trả cổ tức là hơn 8.700 tỷ đồng.
Ngày 15/7 tới sẽ là hạn đăng ký cuối cùng để ngân hàng chốt danh sách nhận cổ tức bằng tiền năm 2023, tỷ lệ 10% (1 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng). Ngày thanh toán là 26/7/2024. Số tiền HDBank dự kiến chi cho đợt cổ tức này là 2.912 tỷ đồng.
Một trong những yếu tố có thể giúp HDBank tự tin với kế hoạch trả cổ tức tỷ lệ cao, duy trì cổ tức cao hàng năm cho cổ đông là dấu ấn kinh doanh ấn tượng.
>> Một ngân hàng VN30 dự kiến bỏ túi 6.200 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế
Năm 2023 vừa qua HDBank đạt hơn 13.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 26,8% so với năm 2022, ghi dấu ấn là năm thứ 10 đạt mức tăng trưởng lợi nhuận nhờ chiến lược khách hàng tiềm năng hướng tới vùng nông thôn và đô thị loại II.
Tại ĐHCĐ thường niên 2024, nhà băng này đã trình cổ đông kế hoạch chia cổ tức dự kiến với tỷ lệ 30% trong đó tối đa 15% bằng tiền mặt. Năm này, HDBank đặt mục tiêu lãi trước và sau thuế cao kỷ lục với lần lượt 15.852 tỷ và gần 12.700 tỷ đồng. Nếu hoàn thành, đây sẽ là mức tăng trưởng dương năm thứ 11 liên tiếp.
Mới nhất, HDBank cũng được Công ty Chứng khoán MBS nhận định là ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận quý II/2024 thuộc Top đầu nhóm ngân hàng VN30.
Cụ thể, nhà băng này được nhận định đạt mức tăng trưởng 38% lợi nhuận – vượt trội so với mức dự phóng 20% của ACB, 8% của CTG, 4% của VCB, 2% của TPB, 1% của VIB hay các mức âm từ 14-21% của BID và STB. Luận điểm được đưa ra là tăng trưởng tín dụng dự kiến tăng 9% so với đầu năm; NIM đã tạo đáy trong năm 2023 và đang trên đà phục hồi.
MBS ước tính, trong quý II, HDBank có thể thu về mức lãi tăng thêm 830 tỷ đồng so với cùng kỳ, đạt hơn 3.000 tỷ. Đây sẽ là quý ghi nhận mức lợi nhuận trên 3.000 tỷ đồng thứ ba liên tiếp của HDBank.
Theo đó, sau nửa đầu năm, ngân hàng có thể thu về khoảng 6.200 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Dự báo cho mục tiêu cả năm 2024, MBS ước tính ngân hàng có thể đạt mức tăng trưởng 31%.
Masan sắp nhận cổ tức “béo” từ doanh nghiệp được mệnh danh và “viên kim cương gia bảo”
Ngày 3/7 vừa qua, CTCP Hàng tiêu dùng Masan – Masan Consumer (Mã MCH: UPCoM) đã chốt danh sách cổ đông chi trả cổ tức bằng tiền còn lại năm 2023, tỷ lệ 55% đối với cổ phiếu phổ thông. Ngày thanh toán là 12/7. Số tiền dự kiến chi trả đợt này là 3.950 tỷ đồng.
Tại ĐHCĐ thường niên 2024, liên quan đến chiến lược “Go Global”, Tập đoàn Masan cho biết sẽ dồn lực phát triển “viên kim cương gia bảo” Masan Consumer |
>> ‘Chén nước chấm’ đắt giá nhất sàn chứng khoán ‘lên hương’ sau 2 năm tinh chiết
Trước đó, hồi tháng 7/2023, Masan Consumer đã tạm ứng cổ tức bằng tiền đợt 1 năm 2023, tỷ lệ 45%. Như vậy, tính cho cả năm 2023, cổ đông Masan Consumer được được chia cổ tức bằng tiền với tổng tỷ lệ 100%. Số tiền chi ra lên tới 7.175 tỷ đồng – tương đương mức lợi nhuận kỷ lục 7.194 tỷ mà doanh nghiệp này đạt được trong năm.
Được biết, Công ty TNHH Masan Consumer Holdings đang nắm 93,57 vốn MCH – tương đương gần 671,4 triệu cổ phiếu. Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024, Masan Consumer Holdings được thể hiện là công ty con do Tập đoàn Masan nắm 72,8% vốn. Chiếu theo tỷ lệ này, ngay đầu quý III/2024, “ông lớn” bán lẻ VN30 này có thể gián tiếp nhận về số tiền lớn từ đợt chia cổ tức của Masan Consumer.
Về phần mình, tại ĐHCĐ thường niên 2024, chia sẻ câu chuyện liên quan đến chiến lược “Go Global”, Tập đoàn Masan sẽ dồn lực phát triển “viên kim cương gia bảo” Masan Consumer để trở thành niềm tự hào trong sứ mệnh phụng sự người tiêu dùng. Đây sẽ là “đại sứ ẩm thực” được Masan mang ra thế giới, tìm cách đi những bước vững chắc trong hành trình mang ẩm thực Việt Nam ra 8 tỷ người tiêu dùng thế giới với các nhãn hiệu mạnh.
Theo quan sát, sau nhịp chiết khấu kéo dài, cổ phiếu MSN đã tăng 37% từ đầu tháng 11/2023 tới nay. Khối ngoại cũng mua ròng trở lại ở cổ phiếu này trong một tháng gần nhất.
Tại báo cáo cập nhật hồi đầu tháng 6, Chứng khoán SSI nâng giá mục tiêu 12 tháng đối với cổ phiếu MSN lên mức 93.400 đồng.
Nguồn: MSN, SSI ước tính |
Theo SSI, đà tăng trưởng của Masan sẽ tiếp tục duy trì sang năm 2025, theo đó MSN có thể đạt 98.000 tỷ đồng doanh thu (+9,8% YoY) và 2.800 tỷ đồng lợi nhuận cốt lõi (+157% YoY). Trong khi MCH và TCB được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng hiện tại, lợi nhuận của các công ty con khác bao gồm WCM, MML và MSR sẽ tiếp tục được cải thiện hơn và chi phí lãi vay giảm có thể đóng vai trò là động lực tăng trưởng lợi nhuận.
Trước mắt trong quý II/2024, lợi nhuận dự kiến của Masan được dự báo sẽ cải thiện khá tốt so với cùng kỳ. Mặt khác, thông tin liên quan đến kế hoạch chia cổ tức đặc biệt bằng tiền mặt/niêm yết HoSE của MCH hoặc ghi nhận số tiền từ việc thoái vốn HCS sẽ là các yếu tố hỗ trợ tăng giá cổ phiếu.
Xét về dài hạn, Chứng khoán SSI đánh giá, Masan có thể là một đại diện cho câu chuyện tăng trưởng tiêu dùng và bán lẻ của Việt Nam trong tương lai. Cổ phiếu MSN được ước tính sẽ thu hút dòng vốn ngoại nếu thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên mới nổi.
>> Nâng hạng thị trường, chiếc ‘chìa khóa vàng’ của Masan (MSN)