Bình Đinh tăng trưởng GRDP 7,76% trong năm 2024, hoàn thành phần lớn các tiêu chí quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, với công nghiệp, du lịch là hai mảng sáng.
Nằm ở Nam Trung Bộ và thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Bình Định đang trên đường thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, phía Nam của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế. 2024 được tỉnh xem là năm bản lề để thực hiện các chiến lược thúc đẩy kinh tế, xã hội.
Đầu năm, Hội đồng nhân dân tỉnh đặt ra 21 tiêu chí, trong khi UBND đặt ra 11. Sau một năm, Bình Định hoàn thành hầu hết các mục tiêu được giao, giúp đời sống kinh tế, xã hội ổn định, góp phần nâng cao sức hút và năng lực cạnh tranh.
Về đích 30 tiêu chí
Theo công bố của UBND tỉnh, Bình Định đạt mức tăng trưởng GRDP 2024 là 7,76%, hoàn thành mục tiêu đề ra (7,5-7,8%) Mức này giúp tỉnh xếp thứ 26 trong cả nước; đứng thứ 6/14 địa phương vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; xếp thứ 2/5 địa phương tiểu vùng Trung Trung bộ. GRDP trên bình quân đầu người đạt 86,1 triệu đồng, vượt kế hoạch là 85,3 triệu đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ đạt 115.000 tỷ đồng.
Nhiều chỉ tiêu quan trọng cũng vượt xa kế hoạch đặt ra. Nổi bật là chỉ số phát triển công nghiệp (IPP) đạt 10%, trong khi kỳ vọng của tỉnh ở mức 7,7%. Tổng thu ngân sách đạt 15.600 tỷ, cao nhất từ trước đến nay. Kim ngạch xuất khẩu hơn 1,7 tỷ USD. Tỉnh có thêm gần 37.000 việc làm mới với hơn 64% người lao động đã qua đào tạo. 1.150 doanh nghiệp đăng ký thành lập mởi với số vốn 10.000 tỷ đồng.
Trong bối cảnh việc làm, số lượng doanh nghiệp và công nghiệp vẫn đang mở rộng liên tục, nhà ở trở thành ưu tiên. Năm qua, 1.590 căn nhà ở xã hội hoàn thành, đưa vào sử dụng, góp phần giải bài toán an cư khi dân số địa phương tăng lên.
Du lịch tiếp tục là mảng sáng đóng góp cho sự phát triển của tỉnh. Năm qua, địa phương đón 9,2 triệu lượt khách, vượt xa mục tiêu ban đầu là 5,5 triệu. Doanh thu thuần từ du lịch hơn 25.500 tỷ đồng. Đây đều là những con số kỷ lục cho thấy sức hút của địa phương.
Trong số 21 tiêu chí của HĐND và 11 của UBND, Bình Định không đạt hai tiêu chí. Đầu tiên là tốc độ tăng vốn đầu tư toàn xã hội. Tỉnh đạt 9,1%, trong khi mục tiêu là 10%. Tiêu chí còn lại là số lượng dự án mới đạt 80, trong khi mục tiêu là 100.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho biết quá trình phát triển kinh tế xã hội năm 2024 có rất nhiều cung bậc cảm xúc, từ khó khăn trong những tháng đầu năm cho đến ổn định, tăng trưởng và đạt đích là cả năm 2024, GRDP tăng 7,78%. Lãnh đạo địa phương khẳng định kết quả thể hiện nỗ lực của hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân trong tỉnh, tạo đà và dư địa phát triển cho năm 2025.
Dấu ấn phát triển công nghiệp
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới, chuỗi cung ứng tiếp tục gặp nhiều khó khăn, Bình Định vẫn giữ được đà tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp với mức chỉ số sản xuất công nghiệp cao hơn 10%. Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 14,10%; chế biến, chế tạo tăng 10,48%; sản xuất và phân phối điện tăng 4,15%.
Các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh như chế biến gỗ, dệt may, thức ăn chăn nuôi, phân bón, dược phẩm, vật liệu xây dựng, thủy sản, sản xuất và phân phối điện… không có mức tăng đột biến song vẫn giữ được đà phát triển đi lên.
Không đạt tiêu chí số lượng dự án mới, nhưng địa phương vẫn có những “thương vụ” chất lượng mang lại giá trị cao. Nhiều doanh nghiệp lớn xác nhận rót vốn xây cơ sở sản xuất như nhà máy sản xuất viên nén gỗ Wood Pellet, nhà máy chế biến thực phẩm Savvy Seafood, nhà máy gạch ngói Takao Bình Định, thức ăn chăn nuôi Fago… 80 dự án với vốn đầu tư 6.090 tỷ đồng hoàn thành đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động, tạo ra giá trị gia tăng mới về sản xuất công nghiệp.
38 cụm công nghiệp trên địa bàn có tỷ lệ lắp đầy đến 80,5% – mức cao so với mặt bằng chung. Lũy kế, các cụm công nghiệp thu hút 368 dự án đầu tư. 257 trong số này đang hoạt động. Tổng vốn đầu tư các dự án khoảng 18.500 tỷ đồng.
Bên cạnh việc tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp đang triển khai, thời gian qua UBND tỉnh đã tổ chức gặp gỡ làm việc, nắm bắt tình hình với nhiều doanh nghiệp, hỗ trợ tạo điều kiện để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Lãnh đạo địa phương còn thường xuyên mời gọi đầu tư quốc tế thông qua các sự kiện gặp gỡ với nhiều quốc gia như Hàn Quốc, UAE, Nhật Bản, Thái Lan…
Đại diện Bình Định cho biết trong hút vốn FDI, tỉnh xác định 5 sẵn sàng tiếp đón các nhà đầu tư đó là: sẵn sàng về quy hoạch; hạ tầng giao thông kết nối; quỹ đất, mặt bằng sạch; nguồn nhân lực và cuối cùng là môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh, Bình Định định hướng phát triển và thu hút đầu tư dựa trên 5 trụ cột gồm: nông nghiệp gắn với chế biến sâu và ứng dụng công nghệ nông nghiệp xanh; công nghiệp công nghệ cao; du lịch; cảng biển – logistics; kinh tế đô thị. Tỉnh tập trung phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và quan điểm nhất quán của lãnh đạo tỉnh là không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế.
Thương mại, du lịch bứt phá
2024 là năm bận rộn của ngành thương mại khi các hoạt động xúc tiến, hội chợ, kết nối cung cầu diễn ra với tần suất dày đặc. Các hoạt động này góp phần giúp hàng hóa sản xuất trong tỉnh mở rộng thị trường tiêu thụ.
Kim ngạch xuất khẩu tăng 7,8% so với 2023. Trong đó, gỗ ngoại thất và các sản phẩm từ gỗ vẫn là chủ lực với giá trị 429 triệu USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ. Gỗ hàng dăm và viên nén cũng đạt giá trị hơn 420 triệu USD, tăng trưởng mạnh đến 17,6% do nhu cầu từ các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản.
Ngành may mặc hiện là một trong ba nhóm ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh, chiếm tỷ lệ 20,3% tổng kim ngạch. UBND tỉnh đánh giá năm 2024, ngành may mặc có yếu tố thuận lợi do sự dịch chuyển đơn hàng từ thị trường các nước. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng của nhóm ngành này trong tổng cơ cấu còn khiêm tốn với tỷ lệ tăng ước đạt 3,3%, đạt 346 triệu USD.
Nhóm ngành thủy sản trong năm 2024 cũng có bước tăng trưởng. Mặt hàng này được xuất khẩu trở lại tại các thị trường lớn, truyền thống như Mỹ, Mexico… sau khoảng thời gian dài chịu ảnh hưởng chung của thị trường thế giới. Giá trị kim ngạch ước đạt 127,7 triệu USD, tăng 3,2%.
Du lịch để lại dấu ấn rõ nét trong bức tranh chung. Theo ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch, 2024 là năm du lịch trở lại mạnh mẽ trên cả nước. Với Bình Định, thị trường, không gian du lịch được mở rộng hơn so với trước đây. Tỉnh đẩy mạnh chiến lược quảng bá văn hóa, du lịch thông qua rất nhiều sự kiện lớn từ đó tạo lợi thế thu hút du khách.
Du lịch không chỉ tập trung ở Quy Nhơn, một số huyện, thị xã đã tổ chức các lễ hội gắn với thế mạnh của địa phương, tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch mới, góp phần thực hiện mục tiêu đưa du lịch Bình Định thành ngành kinh tế mũi nhọn trong giai đoạn 2020-2025.
Từ những kết quả trên, Bình Định chạy đà cho 2025 với những mục tiêu lớn hơn. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn khẳng định tỉnh đặt kế hoạch tăng trưởng GRDP 7,6-8,5%, song nỗ lực để chỉ số này cao hơn 8,5%.
Quan điểm, mục tiêu của tỉnh năm sau là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy sản xuất công nghiệp, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Hàng loạt các hoạt động sẽ được tổ chức để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Bên cạnh đó, yếu tố chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển giáo dục, đào tạo nhân lực, tạo việc làm tiếp tục là quan tâm hàng đầu của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.
Hoài Phương
Nguồn tin: https://vnexpress.net/dau-an-tang-truong-kinh-te-2024-cua-binh-dinh-4823770.html