Chi tiết

Dấu chân mở rộng của OnPoint ở Đông Nam Á

Mở rộng ra Đông Nam Á

Theo thông tin từ OnPoint, quan hệ đối tác chiến lược này kết hợp hai thế mạnh trong ngành, tạo ra một hệ sinh thái giải pháp mạnh mẽ giúp các thương hiệu toàn cầu và khu vực phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng ở Đông Nam Á.

onpoint(1).jpeg
OnPoint, công ty hỗ trợ thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam, ký kết hợp tác với Crea của Thái Lan.

OnPoint và Crea hiện cùng nhau phục vụ hơn 250 thương hiệu, được hỗ trợ bởi lực lượng lao động gồm hơn 600 nhân viên nội bộ và hơn 1.000 nhân sự thuê ngoài chuyên về kho bãi, phát trực tiếp và hoạt động thương mại điện tử trọn gói. Cả hai cùng chia sẻ tầm nhìn trở thành nhà cung cấp giải pháp thương mại điện tử hàng đầu và sáng tạo nhất Đông Nam Á trong năm năm tới.

Ông Trần Vũ Quang, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của OnPoint, chia sẻ trên tờ Bangkok Post: “Bằng cách kết hợp thế mạnh của mình, chúng tôi có vị thế độc nhất để giúp các thương hiệu thành công trong nền kinh tế kỹ thuật số năng động và phát triển nhanh chóng của khu vực”. Ông cũng cho biết thêm, các cơ hội ở Đông Nam Á, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử và thương mại xã hội, là rất đáng kể, dù chưa có công ty khu vực nào chiếm ưu thế.

Tuy nhiên, tham vọng của Onpoint có lẽ không chỉ bao gồm khu vực Đông Nam Á. Nhìn xa hơn, trọng tâm của công ty là mở rộng sang các thị trường mới và hợp tác với các thương hiệu toàn cầu từ các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc và New Zealand, theo như lời CEO Trần Vũ Quang đã chia sẻ.

Thời của các e-commerce enabler?

Trên thực tế, các sàn thương mại điện tử như Shopee hay là Lazada chẳng hạn, về cơ bản họ quản lý sàn chứ không vận hành gian hàng. Theo đó, mỗi sàn thương mại điện tử có đối tượng người dùng, mức phí gian hàng, sản phẩm trên sàn, cách thức hỗ trợ bán hàng hay giải pháp quảng bá, tăng trưởng doanh thu khác nhau. Trong khi đó, tăng doanh số và quảng bá thương hiệu luôn là thách thức với nhiều nhãn hàng chưa có kinh nghiệm trên kênh trực tuyến.

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam có những bước phát triển mạnh mẽ trong năm 2024.
Lĩnh vực hỗ trợ thương mại điện tử đang có tương lai rất sáng.

OnPoint “len” vào khoảng trống này bằng cách cung cấp các giải pháp hỗ trợ: phân phối, dịch vụ và phần mềm quản lý, gọi chung là các “e-commerce enabler”. Công ty đứng phía sau các nhãn hàng để cung cấp dịch vụ hỗ trợ từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp và đến người tiêu dùng (B2B2C), công ty khởi nghiệp này hiện đang hợp tác với hơn 250 nhãn hàng thuộc các nhóm sản phẩm làm đẹp – chăm sóc sức khỏe, đồ mẹ và bé, điện tử – gia dụng và thời trang, trong đó có nhiều nhãn hàng của các thương hiệu nổi tiếng như L’Oréal, Shiseido, Unicharm, P&G, Unilever, Nestlé, Samsung, Watsons, CJ Foods, Fonterra, Kimberly-Clark, Bosch…

Các “e-commerce enabler” như kiểu OnPoint là thế hệ công ty thứ hai, xây dựng mô hình kinh doanh dựa trên các công ty nền tảng kinh doanh trực tuyến thế hệ thứ nhất tại Việt Nam như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo… Một công ty e-commerce enabler mang lại giá trị khi có chuyên môn về lĩnh vực trực tuyến, am hiểu đặc thù các sàn thương mại điện tử, ngành hàng, sản phẩm, các kênh bán hàng và người mua hàng trên từng kênh.

Tại Việt Nam, hiện có hàng chục công ty đang cung cấp dịch vụ tương tự. Thống kê của Lazada về số lượng đối tác e-commerce enabler của sàn này còn có những cái tên khác là Synagie, Eroc, UrbanFox, AAD, DKSH, Intrepid, Jet Commerce, Ecomeasy, N-Squared E-commerce, Lameco và EP.

E-commerce enabler được xem là một thị trường ngách tiềm năng trong thương mại điện tử. Trong đó, OnPoint là một trong những công ty rất mạnh, hoạt động trong lĩnh vực e-commerce enabler tiềm năng. Tuy nhiên, vì phụ thuộc vào các sàn nền tảng nên các e-commerce enabler phải liên tục nâng cấp giải pháp để duy trì năng lực hỗ trợ. Trong khi, thử thách lớn nhất không ở công nghệ mà là thu hút được nhân tài phù hợp, am hiểu ngành nghề, theo người đứng đầu công ty chia sẻ.

Theo báo cáo “e-Conomy SEA 2024” của Bain & Company, Temasek và Google, thương mại điện tử của khu vực này dự kiến sẽ đạt 370 tỷ USD về giá trị hàng hóa gộp vào năm 2030 trong điều kiện thuận lợi. Với các nền kinh tế đang phát triển, tầng lớp trung lưu mở rộng và thu nhập khả dụng tăng ở Đông Nam Á, thương mại điện tử sẽ tiếp tục tăng trưởng. Và khi lĩnh vực hỗ trợ thương mại điện tử tiếp tục được củng cố, tương lai của Onpoint là rất “sáng nước”.

OnPoint cũng đang cân nhắc việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào khoảng năm 2027 hoặc 2028, nhưng vẫn chưa quyết định sẽ phát hành IPO ở thị trường nào. Ông Trần Vũ Quang, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của OnPoint cho biết trọng tâm chính của công ty là xây dựng một doanh nghiệp sáng tạo và có lợi nhuận. OnPoint đã huy động được 50 triệu USD trong vòng gọi vốn B vào năm 2022 từ SeaTown Private Capital Master Fund, một quỹ đầu tư tư nhân do SeaTown quản lý.

Nguồn