Chi tiết

Đầu tư hàng chục tỉ đồng, 2 chủ mỏ đá ở Quảng Nam bất ngờ bị “mắc kẹt”

Ngày 19-8, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết vừa có văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh giải quyết đề nghị của UBND huyện Đại Lộc.

Trước đó, ngày 6-8, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, ký báo cáo về tình hình thực hiện giải quyết vướng mắc liên quan đến 2 mỏ đá tại xã Đại Quang, huyện Đại Lộc bị ảnh hưởng bởi đường dây 500kV Quảng Trạch – Dốc Sỏi.

Theo báo cáo, năm 2021, Công ty CP Thương mại – Dịch vụ Quang Hiệp Thành được UBND tỉnh Quảng Nam cấp phép khai thác mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại thôn Đông Lâm (xã Đại Quang) với trữ lượng 570.780 m³. Công suất thiết kế 35.000 m³ đá nguyên khối/năm; thời gian hoạt động 16 năm.

Đầu tư hàng chục tỉ đồng, 2 chủ mỏ đá ở Quảng Nam bất ngờ bị

Một mỏ khai thác đá trên địa bàn tỉnh Quảng Nam (ảnh chỉ mang tính chất minh họa)

Sau khi hoàn tất các hồ sơ, thủ tục pháp lý, Công ty Quang Hiệp Thành triển khai thực hiện công tác đầu tư xây dựng cơ bản mỏ (chưa triển khai kế hoạch khai thác) thì dự án đường dây 500kV Quảng Trạch – Dốc Sỏi triển khai thi công, dẫn đến vướng mắc phải dừng thực hiện khai thác mỏ.

Theo Công ty Quang Hiệp Thành, việc dừng thực hiện dự án khiến nhà đầu tư bị thiệt hại hơn 17,6 tỉ đồng. Tuy nhiên, cơ quan chức năng huyện Đại Lộc xác định chi phí bồi thường cho doanh nghiệp (DN) trên sau khi kiểm toán chỉ hơn 2,31 tỉ đồng.

Tương tự, năm 2016, UBND tỉnh Quảng Nam cấp phép cho Hợp tác xã TTCN 27/7 Đại Lộc khai thác mỏ đá 27/7 (thôn Hòa Thạch, xã Đại Quang) với tổng trữ lượng 963.537 m³. Công suất thiết kế 60.000 m³ đá nguyên khối/năm; thời gian hoạt động 15 năm.

Sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý và thực hiện xong đầu tư xây dựng mỏ, chủ mỏ đá 27/7 tiến hành triển khai kế hoạch khai thác. Tuy nhiên, khi mới thực hiện được 1 đợt nổ mìn thì dự án đường dây 500kV Quảng Trạch – Dốc Sỏi triển khai thi công, dẫn đến vướng mắc không thể tiếp tục khai thác mỏ.

Chủ đầu tư cho rằng dự án bị dừng triển khai khiến họ bị thiệt hại hơn 41,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, UBND huyện Đại Lộc xác định chi bồi thường thiệt hại sau khi kiểm toán chỉ hơn 7,8 tỉ đồng.

UBND huyện Đại Lộc cho biết, theo chủ trương của UBND tỉnh tại Thông báo số 123/TB-UBND ngày 18-4-2022, thì chỉ lập phương án bồi thường đối với chi phí lập hồ sơ, chi phí thẩm định, khai thác mỏ, đánh giá tác động môi trường, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, đền bù đất và cây trồng trên đất…, theo hóa đơn, chứng từ hợp lệ.

Riêng chi phí xây dựng cơ bản mỏ đã đầu tư và chi phí hỗ trợ di dời máy móc, thiết bị phục vụ khai thác khoáng sản ra khỏi khu vực mỏ không bồi thường.

Qua nhiều lần làm việc, các chủ mỏ không thống nhất với giá trị đề nghị bồi thường sau khi kiểm toán và cho rằng giá trị thực tế đầu tư vào dự án lớn hơn, trong đó có chi phí lợi nhuận mà DN dự kiến thu được nếu không bị dừng hoạt động.

Hai DN kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam và các ngành chức năng quan tâm, xem xét sao cho phù hợp với vốn đầu tư thực tế mà DN đã thực hiện nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Trong báo cáo, UBND huyện Đại Lộc cũng đề xuất UBND tỉnh xem xét, tạo điều kiện cho 2 DN ổn định sản xuất thông qua việc nghiên cứu cấp các điểm mỏ khoáng sản trên địa bàn cho 2 DN theo đúng quy định.

Source link