Ngày 11-9, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết UBND tỉnh vừa có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Cục Hàng hải Việt Nam kiến nghị, đề xuất một số nội dung liên quan đến việc thực hiện nạo vét tuyến luồng hàng hải Kỳ Hà, tỉnh Quảng Nam.
Trong công văn, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết trước đó, Thủ tướng thống nhất giao UBND tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư dự án Nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà, sau đó bàn giao lại cho Bộ GTVT quản lý.
Quá trình triển khai, Quảng Nam chia dự án nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà thành 2 giai đoạn.
Trong đó, giai đoạn 1 tổng mức đầu tư được duyệt hơn 983 tỉ đồng, nguồn vốn đã bố trí cho dự án đến năm 2016 là hơn 828 tỉ đồng. Dự án đã được chủ đầu tư là Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam ban hành quyết định dừng thực hiện để quyết toán vào năm 2019. Đến nay, đã quyết toán 3 trong 6 hạng mục, 3 hạng mục đang trình hồ sơ quyết toán.
Dự án nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà giai đoạn 2 được triển khai từ năm 2018, tổng mức đầu tư 199,48 tỉ đồng, khối lượng giải ngân đến nay hơn 100 tỉ đồng.
Trong quá trình thực hiện, do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên dự án được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam thống nhất chủ trương dừng thực hiện, chủ đầu tư đang lập các thủ tục để dừng thực hiện, nghiệm thu, quyết toán theo quy định.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, việc đầu tư nạo vét tuyến luồng đảm bảo cho hoạt động hàng hải, logistics của địa phương, góp phần rất lớn trong việc phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, hiện nay, do nhiều khó khăn, vướng mắc nên 2 dự án đã dừng thực hiện.
Nguy cơ mất an toàn hàng hải
UBND tỉnh Quảng Nam cho biết sau thời gian dừng thi công (từ tháng 6-2022 đến nay), nhiều vị trí tuyến luồng đã bị bồi lấp nghiêm trọng nên không đảm bảo độ sâu an toàn cho tàu có tải trọng lớn vận chuyển ra vào cảng biển Quảng Nam.
Hệ thống báo hiệu hàng hải trên tuyến luồng chưa có đơn vị chức năng, chuyên môn thực hiện công tác quản lý, vận hành, duy tu bảo dưỡng theo. Các sự cố như phao bị trôi dạt khỏi vị trí thiết kế ban đầu, mất đèn, đèn không sáng… thường xuyên xảy ra, nhất là vào mùa mưa bão, ảnh hưởng đến việc lưu thông trên tuyến luồng.
Nếu tình trạng này càng kéo dài sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn hàng hải bất cứ lúc nào cho các phương tiện hành thủy trên tuyến luồng.
Trong thời gian qua, để giải quyết vấn đề nạo vét khẩn cấp của tuyến luồng và đáp ứng kịp thời nhu cầu vận chuyển hàng hóa, nâng cao năng lực lưu thông hàng hải, góp phần đảm bảo khả năng thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh, Công ty CP Tập đoàn Trường Hải (THACO) đã đề xuất tự bỏ kinh phí nạo vét tuyến luồng Kỳ Hà.
Đối với nội dung đề xuất của THACO, Bộ GTVT đã có văn bản nêu ý kiến ủng hộ. Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng để có cơ sở giao THACO triển khai thực hiện công tác nạo vét thì UBND tỉnh Quảng Nam phải hoàn thành quyết toán dự án nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà, để bàn giao cho Bộ GTVT tổ chức quản lý.
Trong văn bản của mình, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết việc thực hiện quyết toán dự án, bàn giao tuyến luồng Kỳ Hà theo quy định sẽ tốn thời gian khá lâu. Trong khi đó, yêu cầu về nạo vét tuyến luồng phục vụ việc phát triển trong lĩnh vực hàng hải, logistics, phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh là đặc biệt cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Vì vậy, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam xem xét thống nhất tiếp nhận nguyên trạng tuyến luồng Kỳ Hà (dài 11 km), trừ hệ thống báo hiệu hàng hải (không bao gồm việc tiếp nhận tài sản). Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Nam sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc khẩn trương thực hiện thủ tục quyết toán dự án, lập thủ tục bàn giao tuyến luồng cho Bộ GTVT quản lý.
Trên cơ sở đó, thống nhất giao cho THACO thực hiện dự án nạo vét tăng sâu tuyến luồng Kỳ Hà đến -9,3 m hải đồ. Việc triển khai công tác nạo vét của THACO với yêu cầu tuân thủ theo đúng yêu cầu kỹ thuật, chuẩn tắc thiết kế được cơ quan có thẩm quyền thẩm định; sau khi hoàn thành thi công nạo vét tuyến luồng, THACO cam kết sẽ bàn giao cho cơ quan Nhà nước quản lý, sử dụng theo quy định.