Đại diện Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu đề xuất Luật Điện lực (sửa đổi) cho phép doanh nghiệp nhà nước hợp tác với tư nhân, quốc tế làm điện gió ngoài khơi.
Luật Điện lực (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 đang diễn ra. Theo đó, dự luật đưa ra chính sách, quy định về đấu thầu chọn nhà đầu tư, khảo sát khu vực biển… trong phát triển điện gió ngoài khơi.
Để được xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện gió ngoài khơi, ngoài quy định tại Luật Đầu tư, một trong những điều kiện là doanh nghiệp Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ đề xuất đầu tư, lập hồ sơ và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ông Mark Hutchinson, Chủ tịch Nhóm công tác Đông Nam Á của Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) góp ý, dự thảo luật nên bổ sung cơ chế cho phép doanh nghiệp Nhà nước hợp tác với các nhà phát triển tư nhân và quốc tế trong phát triển loại nguồn điện này.
“Nhiều nhà phát triển tư nhân và quốc tế có kinh nghiệm, công nghệ, vốn và chuỗi cung ứng. Việc ghép họ với doanh nghiệp Nhà nước có kinh nghiệm làm các dự án trên biển, cũng như hiểu biết về chính trị và văn hóa để làm điện gió ngoài khơi là rất quan trọng”, ông nói.
Theo Quy hoạch điện VIII, công suất điện gió ngoài khơi đến năm 2030 khoảng 6.000 MW, nhưng đến nay chưa có dự án nào được quyết định chủ trương và giao đầu tư. Hiện Bộ Công Thương được giao báo cáo Chính phủ các thủ tục cần thiết để đề xuất Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thí điểm khảo sát loại nguồn điện này.
Chuyên gia GWEC cho rằng đầu tư điện gió ngoài khơi phức tạp về công nghệ nên hợp tác với đối tác quốc tế có năng lực và kinh nghiệm sẽ giúp giảm rủi ro.
Theo ông Mark Hutchinson, “ghép đôi” doanh nghiệp nội – ngoại là cách làm ở nhiều dự án điện gió ngoài khơi trên thế giới. GWEC vẫn khuyến khích các thành viên của mình tìm kiếm các đối tác địa phương.
Cộng đồng châu Âu cũng đặt nhiều kỳ vọng vào Luật Điện lực sửa đổi lần này. Ông Nicolai Prytz, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam hy vọng luật này sẽ sớm được thông qua và triển khai để tạo môi trường hấp dẫn cho nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các dự án điện.
Ông ủng hộ đề xuất giao PVN thí điểm thực hiện dự án điện gió ngoài khơi vì tập đoàn có vị thế tốt, đóng vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp mới này. Tuy nhiên, phát triển điện gió ngoài khơi là khoản đầu tư lớn với những rủi ro đáng kể nếu không được thực hiện đúng cách.
Do đó, lợi thế khi có sự tham gia của đối tác nước ngoài, theo ông Nicolai Prytz giúp giảm thiểu rủi ro cho các dự án thí điểm. Ông nói thêm đối tác uy tín mang lại nguồn vốn, kinh nghiệm cần thiết giúp các doanh nghiệp như PVN giảm rủi ro, xây dựng chuỗi cung ứng địa phương và hỗ trợ đàm phán với các nhà cung ứng toàn cầu.
Về khía cạnh công nghệ, Đại sứ Nicolai Prytz nói nếu tham gia vào các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, các công ty Đan Mạch có thể chuyển giao kiến thức, giải pháp và công nghệ mới nhất.
Tại tọa đàm về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) hôm 16/10, giới chuyên môn cũng kiến nghị cần có cơ chế đặc thù để thí điểm dự án điện gió ngoài khơi, khung pháp lý về dài hạn. Cụ thể, dự luật cần quy định việc giao Chính phủ, Thủ tướng quyết định phân kỳ các giai đoạn phát triển của ngành. Các tiêu chí chọn nhà đầu tư, phân cấp, thủ tục phê duyệt chủ trương cũng cần rõ ràng.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Bruno Jaspaert đánh giá các mục tiêu điện gió trong Quy hoạch điện VIII là “rất tham vọng và quyết liệt”. Theo tính toán của ông, cần ít nhất 3 năm để xây dựng một dự án điện gió ngoài khơi.
Điều này đồng nghĩa để kịp mục tiêu có 6 GW loại nguồn điện này vào 2030, các dự án phải khởi công vào 2027. “Tất cả giấy phép phải sẵn sàng và mọi trở ngại cần được giải quyết trong vòng 6 tháng tới, mới có cơ hội đạt được mục tiêu trên”, ông nhận xét.
Ông Bruno Jaspaert lưu ý còn nhiều vấn đề chính sách cần hoàn thiện, chẳng hạn báo cáo đánh giá tác động môi trường khi lập dự án. “Nếu chưa có quy định cụ thể cho điện gió ngoài khơi, việc đánh giá tác động môi trường sẽ thế nào? Ai đánh giá dự án?”, ông đặt vấn đề.
Chủ tịch EuroCham cho biết các doanh nghiệp châu Âu đã có kinh nghiệm triển khai các hoạt động này ở trong và ngoài khu vực, họ biết rõ các bước cần làm, nhưng luật của Việt Nam chưa quy định rõ. “Điều đầu tiên chúng ta cần là một khung pháp lý minh bạch và rõ ràng”, ông nói.
Viễn Thông
Nguồn tin: https://vnexpress.net/de-xuat-doanh-nghiep-noi-va-ngoai-cung-phat-trien-dien-gio-ngoai-khoi-4809922.html