Ngày 25-6, Bộ Tài chính cho biết cơ quan này vừa có công văn gửi các bộ ngành, các cơ quan liên quan xin ý kiến về việc tiếp tục giảm lệ phí trước bạ (LPTB) đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước từ 1-8-2024 cho đến hết ngày 31-1-2025.
Theo Bộ Tài chính, từ khi dịch COVID-19 bùng phát, cơ quan này đã đề xuất Chính phủ thực hiện chính sách giảm 50% mức thu LPTB đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước để kích cầu tiêu dùng, tạo đà để phục hồi tăng trưởng cho ngành sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước.
Việc giảm 50% LPTB được thực hiện trong 3 đợt, gồm: từ ngày 28-6-2020 đến hết ngày 31-12-2020; từ ngày 1-12-2021 đến hết ngày 31-5-2022; từ ngày 1-7-2023 đến hết ngày 31-12-2023.
Kể từ ngày 1-1-2024, mức thu LPTB đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước được thực hiện theo Nghị định số 10/2022/NĐ-CP của Chính phủ, không còn được hưởng chính sách giảm 50%.
Theo Bộ Tài chính, các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, doanh số toàn thị trường ôtô (bao gồm cả xe du lịch và xe thương mại) sụt giảm đáng kể. Theo báo cáo bán hàng của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng các doanh nghiệp thuộc VAMA sụt giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm 2023.
Để góp phần kích thích tiêu dùng, hỗ trợ tài chính cho người dân, doanh nghiệp, tạo đà để phục hồi tăng trưởng cho ngành sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước trước bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức, Bộ Tài chính cho rằng, việc tiếp tục thực hiện giảm mức thu LPTB đối với xe ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước là một trong những giải pháp cần thiết.
Do đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ tiếp tục giảm 50% mức thu LPTB kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31-1-2025. Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc giảm 50% mức thu LPTB đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể làm giảm thu ngân sách bình quân khoảng 867 tỉ đồng/tháng.
Ngoài ra, việc giảm 50% mức thu LPTB đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể tác động đến cân đối thu NSNN của các địa phương. Theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, khoản thu LPTB thuộc ngân sách địa phương. Việc giảm 50% mức thu LPTB đối với ôtô, sản xuất lắp ráp trong nước khả năng sẽ làm tăng số lượng xe ôtô tiêu thụ và đăng ký nên số thu từ LPTB, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng có thể tăng.
Hiện, lệ phí trước bạ xe con được tính theo tỉ lệ phần trăm giá bán xe, với mức chung được quy định tại Nghị định 10/2022/NĐ-CP là 10% với ôtô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (bao gồm cả xe con bán tải). Một số địa phương có mức thu cao hơn theo quyết định của Hội đồng nhân dân, như Hà Nội là 12%.
Do đó, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ sẽ giúp người dân giảm hàng chục triệu đồng tùy vào từng loại xe.
Theo Bộ Tài chính, trong 6 tháng cuối năm 2020, thực hiện giảm 50% mức thu LPTB, số lượng ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trước bạ lần đầu là 209.584 xe, bình quân 34.930 xe/tháng, tăng gấp 2,03 lần so với 6 tháng đầu năm 2020.
Trong năm 2022, bình quân số lượng ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trước bạ lần đầu 5 tháng đầu năm là 33.690 xe/tháng, cao hơn gấp 1,51 lần bình quân số lượng xe 7 tháng cuối năm.
Trong 6 tháng cuối năm 2023, thực hiện giảm 50% mức thu LPTB, số lượng ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trước bạ lần đầu là 176.483 xe, bình quân 29.413 xe/tháng, tăng 1,6 lần so với 6 tháng đầu năm 2023.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được cho ngành sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước cũng có những tác động tiêu cực đối với ngân sách nhà nước và về mặt cam kết quốc tế.