Chi tiết

Đề xuất miễn thuế cho nhà đầu tư cắt lỗ chứng khoán

Quy định thuế mới được kỳ vọng sẽ kích thích dòng vốn chảy vào TTCK trong bối cảnh thị trường giao dịch ảm đạm.

Mới đây, Bộ Tài chính đã có tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật thuế thu nhập cá nhân (thay thế). Trong đó, nội dung được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm là việc rà soát sửa đổi, bổ sung quy định về thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân.

Cụ thể, Bộ Tài chính ghi nhận ý kiến cho rằng, việc thu thuế 0,1% trên giá bán từng lần giao dịch, dù lãi hay lỗ là chưa phù hợp và cần xác định phương pháp thu thuế trên thu nhập của cá nhân, nếu có lãi mới nộp thuế.

Theo quy định hiện hành, thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng chứng khoán được xác định theo tỷ lệ 0,1% trên giá bán từng lần. Chẳng hạn, nếu bán chứng khoán được 100 triệu đồng, nhà đầu tư sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân 100.000 đồng, bất kể lỗ hay lãi. Bộ Tài chính cho rằng quy định này đảm bảo sự đơn giản, minh bạch của chính sách, giảm chi phí tuân thủ cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế.

Tuy nhiên đối với chuyển nhượng vốn thì các cá nhân có thu nhập từ chuyển nhượng vốn phải nộp thuế với mức thuế suất 20% trên thu nhập từ chuyển nhượng vốn. Theo đó, nếu cá nhân cố tình kê khai giá bán bằng với giá mua thì sẽ không phát sinh thu nhập nên không phải nộp thuế.

“Từ thực tiễn thực hiện thời gian qua, cũng như xu hướng, kinh nghiệm của các nước thời gian gần đây, cần thiết nghiên cứu để quy định rõ thu nhập chịu thuế, tỷ lệ thu thuế (trên doanh thu chuyển nhượng từng lần) đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn. Việc điều chỉnh theo hướng này cũng sẽ đảm bảo tính thống nhất, tương thích với nội dung sửa đổi, bổ sung phương pháp thu thuế theo tỷ lệ % thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu đối với hoạt động chuyển nhượng vốn của tổ chức nước ngoài”, Bộ Tài chính cho hay.

Đối với chứng khoán phái sinh (CKPS), sự khác biệt về bản chất so với chứng khoán cơ sở đang được chú trọng. CKPS không chuyển giao tài sản thực mà chỉ giao dịch dựa trên chênh lệch giá (lãi/lỗ). Do vậy, Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu bổ sung quy định riêng về thuế TNCN đối với CKPS để đảm bảo phù hợp với thực tiễn cũng như đặc thù của hoạt động này. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế cũng như cơ quan thuế trong quá trình tổ chức thực hiện. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy các nước đều dần chuyển sang đánh thuế dựa trên thu nhập thực đối với CKPS như Anh, Đức, Mỹ, Nhật Bản, và Thái Lan.

Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá các điều chỉnh về quy định mới sẽ thúc đẩy nhà đầu tư giải ngân trên thị trường chứng khoán cơ sở, thay vì giao dịch trên thị trường CKPS.

“CKPS đóng vai trò hedging (phòng ngừa rủi ro) cho danh mục đầu tư tại TTCK cơ sở. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư hiện đang giao dịch mua/bán kiếm lời trên CKPS. TTCK Trung Quốc cũng có giai đoạn dừng “short-sell” (mở vị thế bán) do lo ngại ảnh hưởng thị trường cơ sở. Mặt khác, cũng có một nghịch lý là chúng ta đang đánh thuế trên phần hợp đồng giao dịch và không đánh thuế trên mức thu nhập nhà đầu tư”, ông Minh phân tích.

Bên cạnh đó, ông Minh kỳ vọng, quy định thuế mới sẽ kích thích dòng vốn chảy vào TTCK trong bối cảnh thị trường giao dịch ảm đạm.

“Dù các mức phí hiện đã thấp, song nhà đầu tư vẫn phải gánh nhiều khoản phí và thuế. Việc càng giảm các chi phí, càng ủng hộ cho nhà đầu tư giao dịch trên TTCK. Hiện nay, với bối cảnh dòng tiền cứ rút khỏi TTCK sang các kênh đầu tư khác, đây cũng là giải pháp kích thích dòng tiền vào thị trường”, ông Minh nói.



Nguồn