Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc) quan tâm đến Việt Nam, đánh giá đây là một thị trường tiềm năng cho phát triển hạ tầng. Doanh nghiệp muốn gia nhập thông qua việc hợp tác với các đối tác lớn, bao gồm Tập đoàn Đèo Cả.
Ngày 8/10 tại Hà Nội, Tập đoàn Đèo Cả và Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc) đã gặp gỡ để xúc tiến hợp tác trong các dự án hạ tầng lớn như đường sắt đô thị, đường cao tốc, sân bay, cảng biển và phát triển khu đô thị. Cuộc trao đổi đã mở ra nhiều triển vọng hợp tác cho cả hai bên.
Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (China Pacific Construction Group) được thành lập từ năm 1995 là doanh nghiệp tư nhân thứ 2 của Trung Quốc nằm trong 500 Tập đoàn lớn nhất thế giới. Tập đoàn này đã khởi xướng hình thức đầu tư BT và tham gia xây dựng tại hơn 1.000 thành phố và 3.000 khu công nghiệp bằng cách áp dụng hợp đồng BT, BTO, EPC và PPP. Tập đoàn Xây dựng trực tiếp tham gia vào các dự án của Thượng Hải – Nam Kinh; Thượng Hải – Chu Hải; Bắc Kinh – Thượng Hải, Quảng Châu – Thâm Quyến,… cũng như các dự án trọng điểm quốc gia khác.
Những năm gần đây, Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương tích cực mở rộng thị trường ra nước ngoài và hiện đang triển khai các dự án tàu điện ngầm, tàu cao tốc hợp tác với Ukraine, Iran và Malaysia, đồng thời, quan tâm mong muốn tham gia vào các dự án hạ tầng tại Việt Nam.
Hình ảnh tại buổi làm việc |
Ông Lê Quỳnh Mai, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả đã giới thiệu về các hoạt động và dự án mà tập đoàn đang triển khai. Ông nhấn mạnh việc Đèo Cả luôn chú trọng hợp tác với các đối tác quốc tế có năng lực và uy tín để thực hiện những dự án quy mô lớn tại Việt Nam.
“Tập đoàn Đèo Cả cam kết triển khai các dự án hạ tầng với tiến độ đảm bảo, chi phí hợp lý và chất lượng cao. Chúng tôi luôn tìm kiếm những doanh nghiệp có kinh nghiệm và uy tín để cùng thực hiện các dự án đòi hỏi kỹ thuật cao” – ông Mai chia sẻ.
Ông Mai cũng đề cập đến mô hình đối tác công – tư (PPP) là giải pháp tiềm năng để huy động nguồn lực tài chính và công nghệ tiên tiến cho các dự án lớn. Theo ông, sự hợp tác giữa Đèo Cả và Thái Bình Dương có thể giúp tối ưu hóa các nguồn lực, chia sẻ rủi ro và nâng cao hiệu quả đầu tư.
Về phía Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương, ông Dư Giang, Tổng Giám đốc Tập đoàn, Phó Chủ tịch khu vực Đông Nam Á đã chia sẻ về những thành tựu của Tập đoàn trong lĩnh vực đường sắt đô thị và đường cao tốc tại Trung Quốc. Ông bày tỏ sự quan tâm đến thị trường Việt Nam, đánh giá đây là một thị trường tiềm năng cho phát triển hạ tầng.
“Chúng tôi có nhiều năm kinh nghiệm trong xây dựng hạ tầng giao thông và đô thị. Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng, đây là giai đoạn để nước bạn tiếp cận và làm chủ các công nghệ tiên tiến và nâng cao năng lực hơn nữa trong thi công hạ tầng. Chúng tôi mong muốn đưa những kinh nghiệm của mình đến đây thông qua hợp tác với các đối tác lớn.” – ông Giang phát biểu.
Cả hai bên đều thống nhất rằng cơ sở hạ tầng là yếu tố then chốt để thúc đẩy phát triển kinh tế. Các dự án quy mô lớn như đường sắt và đường cao tốc sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư quốc tế cho Việt Nam. Cuộc thảo luận cũng tập trung vào các thách thức như huy động vốn, áp dụng mô hình PPP và các vấn đề liên quan đến tài chính, công nghệ trong triển khai dự án. Ông Dư Giang kỳ vọng mối quan hệ hợp tác này không chỉ giới hạn ở giao thông mà còn mở rộng sang phát triển đô thị thông minh và hạ tầng công nghệ cao.
Kết thúc buổi làm việc, hai bên thống nhất sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc họp chuyên sâu và khảo sát thực địa để xác định các dự án tiềm năng. Đây được coi là bước khởi đầu quan trọng, mở ra nhiều cơ hội hợp tác bền vững giữa hai tập đoàn lớn của Việt Nam và Trung Quốc.