ĐHĐCĐ FDC: Dự án 28 Phùng Khắc Khoan có thể ghi nhận doanh thu 44 tỷ đồng/năm
Sáng ngày 28/06/2024, CTCP Ngoại thương và Phát triển Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE: FDC) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh 2024 cũng như bầu bổ sung thành viên cho HĐQT Công ty.
ĐHĐCĐ thường niên 2024 của FDC tổ chức sáng ngày 28/06/2024. Ảnh: Thượng Ngọc
|
Năm 2024, FDC dự kiến lãi sau thuế hơn 5.1 tỷ đồng, gấp 7 lần so với kết quả đạt được trong năm 2023. Dù vậy, Công ty sẽ không thực hiện chia cổ tức cho cả năm 2023 lẫn 2024.
Chia sẻ về định hướng của FDC trong thời gian tới, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Hồ Anh Tuấn cho biết đã thống nhất với HĐQT về việc phải hoàn thành tòa nhà 28 Phùng Khắc Khoan. Sau khi tái khởi động vào quý 1/2024 thì đến ngày 27/06/2024, tòa nhà đã được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy. Dự kiến, ngày 01/08/2024, FDC sẽ nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng. Ban điều hành cho ký hợp đồng với các đối tác cho thuê toàn bộ diện tích tại tòa nhà 28 Phùng Khắc Khoan. Dự án này có thể giúp Công ty ghi nhận doanh thu khoảng 44 tỷ đồng/năm.
Dự án 28 Phùng Khắc Khoan đang trong quá trình xây dựng. Ảnh: Thượng Ngọc
|
Bên cạnh đó, FDC tiến hành cơ cấu lại khách thuê tại tòa nhà 51 Mạc Đỉnh Chi, hiện đã ký sơ bộ hợp đồng để cho thuê 4 tầng, còn 2 tầng đã có khách thuê dài hạn, tổng cộng 6 tầng đều đã cho thuê hết.
Nhìn chung, trong giai đoạn 2024-2025, toàn bộ nguồn tiền từ các dự án sẽ về ổn định và doanh thu từ cho thuê văn phòng của Công ty sẽ vào khoảng 60 tỷ đồng/năm. Định hướng sắp tới của FDC là tiếp tục tìm kiếm những dự án văn phòng ở khu trung tâm để tự phát triển hoặc cung cấp dịch vụ vận hành.
Còn về mảng dự án, chủ đầu tư của dự án Bình Trưng Đông là Công ty TNHH MTV Xây dựng Nhà Phú Nhuận đã bị UBND thành phố thu hồi quyết định chủ đầu tư cơ sở hạ tầng. Vì vậy, FDC đang gặp khó khăn trong việc phát triển dự án này.
Ông Tuấn hy vọng vào ngày 01/08 tới, khi các luật mới về bất động sản bắt đầu có hiệu lực, các chính sách sẽ rõ ràng hơn. Năm 2024-2025, FDC sẽ giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đến dự án Bình Trưng Đông để đảm bảo cho các khách hàng mua nhà.
Đối với dự án Cần Giờ, FDC sẽ khởi động lại dự án này. Trong quý 1/2024, Công ty đã tiến hành rào lưới B40 để bảo vệ dự án. Ông Tuấn cho biết đã có 2 văn bản làm việc với Sở Tài nguyên & Môi trường và UBND TPHCM. Ngày 24/05/2024, UBND TPHCM đã tiếp nhận văn bản của Công ty và chuyển cho Sở Tài nguyên và Môi trường. Nếu tiến triển thuận lợi thì dự kiến từ tháng 8-10/2024, cơ quan chức năng sẽ có văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện dự án, sau đó trong giai đoạn 2025-2026, FDC sẽ có sản phẩm để bán.
Một vấn đề quan trọng khác là việc thu hồi công nợ 199 tỷ đồng từ CTCP Dệt may Liên Phương. FDC đã làm việc với bên Liên Phương và biết được đối tác này đang thực sự khó khăn, không có đơn hàng, không có khả năng trả. Tổng Giám đốc trước đây đã thuê bên tư vấn luật để thực hiện phương án kiện đòi ra tòa án. Tuy nhiên, ông Tuấn chia sẻ quan điểm của ông là việc khởi kiện sẽ là phương án cuối cùng do bên Liên Phương cũng không có nhiều tài sản để thi hành án. Do đó, chủ trương ưu tiên là làm việc với đối tác, trong trường hợp không có khả năng chi trả thì FDC sẽ trình ĐHĐCĐ thông qua việc chỉ lấy lại phần vốn góp của dự án.
Tại Đại hội, ĐHĐCĐ FDC đã thông qua miễn nhiệm chức danh Thành viên HĐQT đối với ông Tạ Chí Cường và ông Nguyễn Quốc Việt theo đơn từ nhiệm, đồng thời bầu bổ sung bà Nguyễn Thị Mai Anh và ông Trần Ngọc Đạt thay thế vị trí trên.
Ông Trần Ngọc Đạt và bà Nguyễn Thị Mai Anh ra mắt ĐHĐCĐ FDC. Ảnh: Thượng Ngọc
|