Chi tiết

ĐHĐCĐ GEG: Phát hành 17 triệu cp trả cổ tức, kế hoạch xoay quanh điện tái tạo chuyển tiếp

ĐHĐCĐ GEG: Phát hành 17 triệu cp trả cổ tức, kế hoạch xoay quanh điện tái tạo chuyển tiếp

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 diễn ra vào sáng ngày 25/06, CTCP Điện Gia Lai (HOSE: GEG) đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận so với năm trước ảm đạm, với kế hoạch gắn liền các nhà máy năng lượng tái tạo (NLTT) chuyển tiếp.


ĐHĐCĐ thường niên 2024 của GEG. Ảnh: Châu An

Đại hội đã thông qua mức doanh thu hơn 3.1 ngàn tỷ đồng, tăng 38% so với năm trước; lãi trước thuế 335 tỷ đồng, tăng 72%.

Trong đó, 364 tỷ đồng là doanh thu ước tính từ thủy điện, thấp hơn cùng kỳ 2%. Doanh thu từ điện mặt trời (trang trại và điện áp mái) ước đạt 856 tỷ đồng, tăng trưởng 6%. Đáng kể nhất là mảng điện gió, dự kiến hơn 1.4 ngàn tỷ đồng (tăng 57%). Tuy nhiên, kế hoạch này dựa trên việc 2024 sẽ ghi nhận đủ doanh thu từ Dự án Điện gió Tân Phú Đông 1 (TPĐ1, vận hành từ quý 3/2023) và dự kiến ghi nhận doanh thu hồi tố năm 2023 cũng như giả định giá điện 2024 được tính theo mức giá trần gần 1,816 đồng/kWh.


Nguồn: GEG

HĐQT GEG cũng lưu ý, do việc đàm phán giá điện phụ thuộc vào chủ trương, hướng dẫn của Bộ Công Thương và quá trình triển khai của EVN nên chưa xác định khoảng thời gian hoàn tất và ghi nhận doanh thu cụ thể. Khoản hồi tố dự kiến được thực hiện trong năm 2024, và tiến độ hoàn thành công tác đàm phán giá điện sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh 2024 của Công ty.

Trong quý 1/2024, GEG ghi nhận kết quả tích cực với lãi ròng hơn 90 tỷ đồng, hơn cùng kỳ 40%, nhờ dự án TPĐ1 đi vào vận hành. Lãi trước thuế 137 tỷ đồng, thực hiện được 41% kế hoạch năm. Do đặc trưng khu vực là điện gió thuận lợi vào quý đầu và cuối năm, nên không đảm bảo được 2 quý tiếp theo vẫn đạt kết quả bùng nổ. Tuy vậy theo đại diện GEG, kế hoạch đưa ra vẫn khả thi nhờ sự bù đắp từ thủy điện (dự kiến phục hồi từ quý 3) và điện mặt trời.



Tình hình kinh doanh của GEG

Doanh nghiệp cho biết kế hoạch trên đặt ra trong bối cảnh tình hình thế giới 2024 được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng chậm lại. Ở trong nước, có những thuận lợi rất cơ bản, nhưng nền kinh tế tiếp tục chịu “tác động tiêu cực kép” từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập bên trong.

Nhu cầu tiêu thụ điện được dự báo tiếp tục tăng, trong khi tình hình thủy văn, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường… là những thách thức không nhỏ trong công tác cung ứng điện năm 2024. Bộ Công Thương cũng đánh giá năm 2024 có nhiều yếu tố bất lợi, gây khó khăn trong việc cung cấp điện như không có nguồn điện lớn nào vào vận hành, lượng khí cấp cho phát điện từ các nguồn khí hiện hữu đang ở giai đoạn suy giảm, nguồn khí mới vào chậm tiến độ, nhu cầu than cho phát điện tăng cao nên lượng than nhập khẩu tăng cao. 

Dự báo của Bộ Công Thương cho thấy năm 2024, tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện (tại đầu cực máy phát) và nhập khẩu của cả nước năm 2024 là 306 tỷ kWh. Trong đó, các nguồn điện than, thủy điện và tuabin Khí vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện Quốc gia năm 2024. Các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục được huy động theo nhu cầu phụ tải điện và khả năng hấp thụ của lưới điện.

Trong năm 2024, GEG chủ trương tập trung tối ưu hóa vận hành các nhà máy điện trong danh mục để đảm bảo kế hoạch doanh thu; phát triển dịch vụ kỹ thuật, thí nghiệm, quản lý vận hành cho đối tác bên ngoài để đa dạng hóa nguồn thu. Ngoài ra tiếp tục nghiên cứu, phát triển các loại hình NLTT tại các tỉnh, thực hiện phân kỳ triển khai cũng như áp dụng công nghệ phù hợp, đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Về chủ trương phát triển các dự án, HĐQT GEG đặt mục tiêu ưu tiên hoàn tất đàm phán giá điện cho các dự án đã đi vào vận hành – gồm TPĐ1 và trụ A7 của nhà máy điện gió VPL1. Song song đó là tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư để triển khai các dự án điện gió nhập khẩu từ Lào và điện mặt trời áp mái, nhằm tận dụng cơ chế ưu đãi từ Chính phủ và quốc tế.

Bên cạnh đó, GEG cho biết sẽ nghiên cứu và hoàn thiện pháp lý cho Dự án năng lượng Điện gió kết hợp sản xuất Hydrogen tại Tiền Giang, và tìm kiếm thị trường hiệu quả để lựa chọn thời điểm thi công tối ưu. Đại diện GEG tiết lộ, dự án đã được cấp chủ trương từ cuối năm 2023, nhưng do là một công nghệ mới nên cần thời gian để nghiên cứu, chuẩn bị và học hỏi về công nghệ. Dự kiến, dự án sẽ được thực hiện trong vòng 5 năm tới.

Một số dự án như điện rác sẽ được tham gia đấu thầu để mở rộng danh mục đầu tư, đa dạng hóa các loại hình năng lượng xanh.

Phát hành 17 triệu cp trả cổ tức 2023, sẵn sàng phát hành trái phiếu xanh

Đại hội đã thông qua mức chia cổ tức năm 2023 là 5% bằng cổ phiếu. Với phương án này, GEG cần phát hành thêm gần 17.1 triệu cp mới cho cổ đông hiện hữu nắm giữ cổ phần phổ thông với tỷ lệ 5% (100:5, tức 100 cp nhận được 5 cp mới). Cổ phiếu ưu đãi cổ tức chuyển đổi sẽ không thực hiện quyền. Vốn điều lệ dự kiến sau khi phát hành sẽ nâng lên hơn 4.2 ngàn tỷ đồng.

Về kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2024, đại hội thông qua mức 6% cho cổ phiếu ưu đãi cổ tức chuyển đổi, nhưng không nhắc đến cổ phần phổ thông.

Tại đại hội, GEG cho biết vào ngày 18/04/2024 đã trở thành tổ chức phát hành doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam sở hữu khung Tài chính Xanh (Green Finance Framework), được Chứng nhận bởi Tổ chức Sáng kiến Trái phiếu Khí hậu (CBI), tuân thủ tiêu chuẩn trái phiếu khí hậu. Điều này đồng nghĩa với việc GEG sẽ được phép phát hành trái phiếu xanh để phục vụ cho các dự án NLTT.

Châu An

FILI



Source link