ĐHĐCĐ Minh Phú: Nửa đầu năm chưa khả quan, đẩy mạnh hợp tác với Bách Hóa Xanh
Dù nửa năm gần trôi qua nhưng lãnh đạo Thủy sản Minh Phú thừa nhận chưa đạt được nhiều so với mục tiêu lãi kỷ lục vì các lý do khác nhau. Công ty đang kỳ vọng nửa cuối năm sẽ tốt hơn.
ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của Thủy sản Minh Phú diễn ra sáng ngày 22/06/2024 tại quận 3, TPHCM. Ảnh: Tử Kính
|
Sáng 22/06, Tổng Giám đốc Lê Văn Quang dành phần lớn thời gian để giải đáp các câu hỏi của cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC).
Theo lãnh đạo, 6 tháng đầu năm 2024, sản xuất của MPC có tăng nhưng xuất khẩu rất kém. Lý do, việc Mỹ áp thuế với Trung Quốc rất cao, 50-100% nên Trung Quốc gom hết container về nước khiến Việt Nam không đủ tàu và container dù vẫn chấp nhận giá cao.
Một điểm nữa làm kết quả kinh doanh chưa đạt như kỳ vọng là việc tuyển công nhân cho nhà máy gặp khó. Từ đầu tháng 3, ông Quang yêu cầu mỗi nhà máy đến tháng 7 phải tuyển dụng đủ 7,000 công nhân trở lên, nhưng hiện vẫn chưa đạt. Dù vậy, năng suất tính trên mỗi công nhân vẫn tăng nếu so với số người hiện tại.
Tình hình kinh doanh nửa đầu năm vẫn chưa tốt, hy vọng tháng 7 trở đi sẽ khả quan hơn. “Hợp đồng đã ký rất nhiều rồi. Nếu xuất được sẽ đạt như kế hoạch nhưng khó khăn vẫn còn. Chúng tôi quyết tâm giữ nguyên kế hoạch đề ra, còn 6 tháng nữa mà mục tiêu còn lại vẫn rất nhiều nhưng vẫn phải cố gắng”, Tổng Giám đốc nói và cho biết thêm đang tìm mặt hàng mà MPC có thể tận dụng lợi thế cả về vùng nuôi lẫn chế biến để có thể thu lợi nhuận tốt nhất.
Theo ông Quang, kết quả năm 2023 xấu như vậy đầu tiên là do dịch bệnh của tôm. Các nhà máy lỗ không nhiều, vẫn có lãi nhưng hai vùng nuôi lỗ rất nặng đã kéo cả Tập đoàn đi xuống.
Ngành tôm Việt Nam hiện khó cạnh tranh do tỷ lệ nuôi tôm thành công thấp, chỉ 40%; trong khi Ấn Độ là 70%, còn Ecuador lên đến 90%. Điều đó làm giá thành của Việt Nam cao hơn Ấn Độ 30% và gấp đôi Ecuador.
Thứ hai là, sau giai đoạn COVID-19, các khách hàng của MPC nghĩ hết dịch thì tăng trưởng sẽ cao nên năm 2022 đã mua hàng, trữ hàng tồn kho rất mạnh, rất nhiều nhưng không ngờ đến năm 2023 lại gần như không bán được. “Giá đã giảm rất nhiều nên họ không dám mua vào, khiến giá lại càng giảm nên kết quả kém là vì vậy”, ông Quang nói.
Chưa kể chiến tranh Nga – Ukraina, lạm phát, suy thoái kinh tế làm lãi suất tăng cao. Các nước châu Âu, Canada hay Mỹ phải chịu lãi suất cao nên tiêu dùng hạn chế, chuyển sang ăn gà thay vì tôm do giá rẻ hơn, làm tồn kho kéo dài. Sang đến đầu năm 2024 mới bán được hết nhưng phải giảm giá, có khách hàng giảm tới 50%.
* “Vua tôm” Minh Phú dự lãi kỷ lục 1.2 ngàn tỷ năm 2024, liệu có xa vời?
Hưởng lợi rất ít nếu Việt Nam được công nhận nền kinh tế thị trường
Ông Quang cho biết MPC vừa thắng vụ kiện chống phá giá, nên vĩnh viễn không bao giờ chịu thuế chống bán phá giá vào Mỹ trừ khi bị kiện lại trong một vụ khác. Do đó, Công ty đang có lợi hơn vì không bị tính giá thành của nước thứ ba trong khi các doanh nghiệp tôm khác vẫn phải chịu.
Nếu Việt Nam được công nhận nền kinh tế thị trường, lãnh đạo cho rằng MPC sẽ bất lợi nhiều hơn do các vụ kiện sẽ được tính theo giá thành của Việt Nam chứ không phải của nước thứ ba.
Liên quan đến các vụ kiện, người đứng đầu MPC nói đã thắng 3 vụ kiện ở Mỹ từ trước đến nay. Đầu tiên là vụ kiện chống trợ cấp năm 2013; sau đó là vụ kiện chống bán phá giá năm 2016 và vụ kiện cáo buộc MPC nhập tôm Ấn Độ bán vào Mỹ. “Họ kiện từ năm 2019, MPC đấu tranh và giải quyết mãi đến tháng 6/2023 mới thắng được hoàn toàn”.
Khi đó, ông Quang cho biết MPC xin được làm bị đơn bắt buộc và nghĩ rằng đương nhiên sẽ được chọn vì Công ty là đơn vị xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam vào Mỹ. Nhưng Mỹ đã sửa luật để kiên quyết không chọn, vì nếu chọn thì chắc chắn MPC sẽ thắng.
“Cuối cùng họ chọn mỗi Stapimex và mức thuế áp là 2.84%. Do mức này cũng không phải cao nên Công ty vẫn chấp nhận được. Nếu kiện nữa để làm bị đơn bắt buộc có thể phải kéo dài nhiều năm, vất vả và không có lợi nên MPC chấp nhận mức thuế này rồi sẽ tính đến các chiến lược tiếp theo”, lãnh đạo nhớ lại.
Trước kia, MPC bán vào thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng 38-40% doanh thu nhưng hiện tại xuống chỉ còn có hơn 22% do thị trường này có đặc thù “ai cũng đổ dồn vào để bán”, nên giá giảm xuống thấp và gần như không có lời. Năm 2022, MPC đã thay đổi chiến lược, không tập trung bán vào Mỹ nên tỷ lệ giảm còn gần 17%. Năm 2023 tăng lên lại chủ yếu từ bán hàng tồn kho.
Mỹ khó nhất thế giới về kháng sinh, tiêu chuẩn, nhiều thứ khác nhưng giá lại thấp nhất thế giới. Trong khi đó, thị trường Úc & New Zealand dân số ít nhưng chiếm hơn 20% nguồn thu của doanh nghiệp thủy sản.
Vừa qua, Công ty cũng nhìn ra nhiều vấn đề có thể đạt được tại thị trường Trung Quốc, do đó đang có chiến lược sẽ nâng tỷ trọng tại Trung Quốc lên 10%, rồi sau đó là 20% và có thể hơn.
Tăng cường hợp tác với Bách Hóa Xanh
Ông Quang cho hay việc hợp tác với Bách Hóa Xanh (BHX) đáng lẽ đã thực hiện từ lâu nhưng không làm được vì “họ toàn trả giá thấp hơn 20-30%”. Nguyên nhân không thể có tiếng nói chung là do mức giá rẻ chỉ dành cho các sản phẩm kém chất lượng, “tôm nhiễm kháng sinh”, “hàng bơm, chích”,…
Hiện BHX đã thay đổi quan điểm và hợp tác để mua tôm sạch kháng sinh nên năm ngoái MPC đã bán tương đối tốt. Năm nay, 2 bên sẽ tiếp tục hợp tác để cùng có lợi. Hiện BHX chưa thể đẩy mạnh vì bán không hết mà phải hủy, có những nơi hủy 20%, có nơi đến 50% khiến lỗ.
Theo ông Quang, MPC sẽ mua lại lô tôm cuối ngày để tái chế biến với giá thấp vì tôm này đã được kiểm soát chất lượng trước đó. BHX không phải hủy thì sẽ có lãi và sẽ tiếp tục mua mạnh. Hiện Công ty đang đẩy mạnh tiếp thị để làm sao các hệ thống siêu thị, nhà hàng, khách sạn mua nhiều hơn.
“Việt Nam 100 triệu dân nhưng đóng góp vào MPC chỉ chưa đến 1%, trong khi đó Mỹ hơn 200 triệu dân nhưng chiếm tỷ trọng hơn 20%, Nhật cũng vậy. Đó là cái MPC cần phải suy nghĩ, làm sao để có thể bán cho người tiêu dùng Việt với giá tốt và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đảm bảo tôm sạch, tôm “không bơm, không chích””, lãnh đạo giãi bày.
Giá thành nuôi tôm sẽ giảm nhờ công nghệ nuôi tôm vi sinh
Chia sẻ về công nghệ nuôi tôm, ông Quang nói trong suốt 30 năm làm tôm, đã tìm tòi nghiên cứu và áp dụng nhiều công nghệ. MPC là đơn vị hàng đầu thế giới về nuôi tôm nên các nhà khoa học nào nghiên cứu ra công nghệ gì cũng sang gặp để giới thiệu, nuôi thử. Có khi thành công 50%, 60% hoặc chỉ 40% nhưng không có quy trình nào có thể sử dụng được.
Năm 2017, với quy trình 3 sạch của CP, tức là “tôm sạch, nước sạch và đáy ao sạch”, giá tôm 200-300 ngàn đồng thì cỡ nào cũng có lãi mặc dù chi phí dành cho quy trình này rất cao vì phải thay nước, xi phông liên tục hút hết bùn ra,…còn bây giờ giá chỉ 80-100 ngàn đồng, dù tỷ lệ thành công 80% thì vẫn lỗ.
Tổng Giám đốc MPC đang muốn quy hoạch ngành tôm để có thể nuôi tôm theo Ecuador. Nghĩa là tôm kháng bệnh, thích nghi với thời tiết khí hậu và vừa sức tải của môi trường, còn tại Việt Nam nuôi theo công nghệ 3 sạch, nhưng nhiễm bệnh sẽ chết. “Môi trường xấu là bệnh ngay. Cách tiếp cận hiện nay của Việt Nam là lớn nhanh và sạch bệnh, nhưng lại rất yếu ớt. Nhưng hiện không làm được do vướng nhiều thứ, bao gồm cả pháp luật”, ông nói.
Doanh nghiệp thủy sản đã thử hơn 50 công nghệ trên thế giới, mỗi công nghệ giải quyết được một vấn đề. MPC đã gộp tất cả những công nghệ đã sử dụng để xây dựng ra công nghệ nuôi tôm sinh học Minh Phú BiO (MPBiO), thử nghiệm trong năm 2023 và đang rất thành công.
Công nghệ này sử dụng vi sinh đối kháng để ức chế mầm bệnh, và tăng cường hệ miễn dịch cho tôm; dùng vi sinh để làm sạch nước trong ao nên không cần xử lý nước. Tiền khoáng chất theo đó giảm 95%, tiền điện giảm 50-70%, tiền thức ăn giảm trên 30%.
Tuy nhiên, theo ông Quang, nói thì dễ nhưng làm lại khó bởi mấy chục năm nay, người nuôi tôm cho đến người dạy ở tất cả các trường, là muốn nuôi tôm phải xử lý nước nên đã ăn vào thói quen, khó thay đổi.
“Chúng tôi đã đuổi không biết bao nhiêu người, từ tiến sỹ, kỹ sư, giám đốc, phó giảm đốc. Như vừa rồi Minh Phú Lộc An, vụ năm ngoái đã dùng công nghệ vi sinh rất thành công nhưng đến năm nay lại quên mất, lại quay về quy trình 3 sạch lúc nào không hay. Đấy là cái sai lầm vì thói quen. Minh Phú đang chấn chỉnh lại”, lãnh đạo dẫn chứng.
Nếu nuôi đúng, công nghệ này sẽ giúp đưa giá thành xuống thấp, tỷ lệ thành công cao. Điểm nữa là nuôi tôm được màu đẹp, giá cao. Sắp tới, MPC xây dựng sản phẩm tôm MPBiO 5 trong 1, giá rẻ và ngon.
Tổng Giám đốc đang hy vọng sau khi xây dựng thương hiệu này sẽ bán rất mạnh, trên 70 ngàn tấn. Và hiện khách hàng đang đặt rất nhiều, gấp đôi năm ngoái.
MPC đang chuyển giao cho người nuôi tôm và đang thành công. Hy vọng trong năm nay và năm sau càng nhiều người chuyển giao thì giá thành tôm nguyên liệu Việt Nam sẽ thấp. Nếu giá thành bằng Ecuador mà khả năng chế biến của Việt Nam lại tốt hơn nhiều thì lợi nhuận sẽ rất khả quan. Các doanh nghiệp tôm khác đều hưởng lợi chứ không riêng MPC.
Tuy nhiên, công suất sản xuất vi sinh đang quá tải, không đủ vi sinh để cung cấp cho bà con nên Công ty đang gấp rút gia tăng sản lượng. May mắn MPC đã sản xuất ra được kháng thể, tương tự như vắc xin, nhưng việc này cũng rất khó bởi yêu cầu thay đổi liên tục.
Tổng Giám đốc Lê Văn Quang giải đáp các thắc mắc của cổ đông. Ảnh: Tử Kính
|
“Muốn làm sai cũng không được”
Tổng Giám đốc cho rằng tỷ lệ sản xuất thuận lợi nhất là hàng truyền thống chiếm khoảng 60%, 40% còn lại là hàng giá trị gia tăng. Nếu hàng giá trị gia tăng đóng góp 60-70% thì lợi nhuận sẽ tốt nhưng rất khó bởi không kiếm được người và giá thành nhân công rất cao. Một phần do chuỗi cung ứng đang dịch chuyển về Việt Nam khiến công nhân khan hiếm.
Với lượng nhân công hiện tại thì chỉ sản xuất 40% hàng giá trị gia tăng là có thể cho lợi nhuận tốt. Như năm 2022, hàng giá trị gia tăng lên đến 50% giúp Công ty lãi lớn nhưng điều kiện bây giờ không cho phép vì không đủ người. Dù vậy, MPC đang giải quyết bằng cách tìm mặt hàng nào không cần dùng nhiều nhân công và tự tin có thể làm tốt bài toán này.
Nói về lợi thế cạnh tranh, ông Quang cho biết đang có cái khó là phải làm đúng, không thể làm sai vì cổ đông lớn Mitsui “luôn kè kè” bên cạnh rà soát từng chút một nên không thể làm sai được, không thể lách luật được. “Còn các doanh nghiệp khác họ toàn làm sai, đặc biệt là tôm chứng nhận. Chẳng hạn, nuôi 100ha nhưng mà bán tôm chứng nhận lên tới 20-30 ngàn tấn. Chưa từng thấy kiểu như vậy bao giờ”, lãnh đạo thừa nhận.
Giai đoạn 2022-2023, Mitsui kiểm soát MPC rất chặt, có hợp đồng nhưng không có chứng nhận thì không thể xuất được. Nên Công ty buộc lòng đi thuyết phục bà con nuôi tôm hợp tác làm tôm chứng nhận để bán cho MPC. Còn các doanh nghiệp khác thì mua tôm ngoài nhưng lại khai “tôm chứng nhận” nên giá rất rẻ.
Để tôm đạt chứng nhận, doanh nghiệp thủy sản phải cố gắng đi thuyết phục các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long và bước đầu phải mua cao hơn 20-30% để hỗ trợ người nuôi, nhưng năm nay giảm xuống chỉ còn 5%, nếu cần thì có thể hỗ trợ thêm. Vì vậy, theo ông Quang là “rất khó, khó vô cùng, không làm sao để lách luật được, và không làm sao để làm như các doanh nghiệp khác”; “hàng còn đầy trong kho, ký hợp đồng rồi nhưng không có chứng nhận nên không xuất được”.
“Tôi đặt mục tiêu sau 5 năm nữa, tại Việt Nam có đến 80-90% vùng nuôi theo công nghệ sinh học MPBiO này, khi đó giá thành tôm Việt Nam sẽ thấp hơn Ecuador. Thử hỏi Ecuador và Ấn Độ có bán được con tôm nào không? Hiện khách hàng hưởng ứng rất tốt sản phẩm tôm MPBiO 5 trong 1, mua rất nhiều và chỉ MPC có mà không ai có cả. Và rất may mắn, bà con đang chuyển sang rất mạnh, còn mạnh hơn vùng nuôi của MPC. Hy vọng trong năm nay tình hình sẽ tốt”, lãnh đạo chốt lại.
Về kế hoạch năm 2024, MPC đặt mục tiêu sản xuất 70,000 tấn, gấp rưỡi con số thực hiện năm ngoái, qua đó kỳ vọng 18.5 ngàn tỷ đồng doanh thu, tăng đến 73%. Nhưng sau quý 1 mới chỉ đi được 15% chặng đường. Còn lãi sau thuế chỉ mới đạt 7.2 tỷ đồng, cách rất xa so với mục tiêu kỷ lục 1.2 ngàn tỷ đồng.