Chi tiết

Dịch vụ quản lý tài sản: Dư địa lớn, thách thức nhiều

(ĐTCK) Quy mô thị trường quản lý quỹ tại Việt Nam mới chỉ đạt xấp xỉ 5% GDP, thấp xa so với nhiều nước trong khu vực.

Tiềm năng quản lý khối tài sản khổng lồ

Theo McKinsey & Company, hơn một nửa dân số Việt Nam được dự đoán sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu vào năm 2035. Khi thu nhập và tài sản tích lũy tăng lên, nhu cầu bảo toàn và gia tăng tài sản sẽ trở thành một nhu cầu thiết yếu với người dân. Thay vì tự thân quản lý tài sản, nhiều người có thể chọn giải pháp hiệu quả hơn là sử dụng dịch vụ quản lý tài sản tại các tổ chức chuyên nghiệp.

Dự báo, Việt Nam sẽ trở thành thị trường tư vấn tài chính cá nhân trị giá khoảng 600 tỷ USD vào năm 2027, tương ứng với tốc độ tăng trưởng hơn 11%/năm từ mức 360 tỷ USD cuối năm 2022.

So với một số quốc gia trong khu vực, con số 5% quy mô thị trường quản lý quỹ tại Việt Nam hiện tại là rất khiêm tốn (Thái Lan 38%, Malaysia 50%…).

Ông Đặng Xuân Minh, Chủ tịch TCBS nhìn nhận, ngành quản lý quỹ tại Việt Nam sẽ không nằm ngoài xu hướng của khu vực, nhưng đòi hỏi thị trường phải trải qua thời gian cũng như nhận thức của người dân thay đổi.

Trong năm 2024, một số công ty chứng khoán triển khai sản phẩm copytrade (sao chép danh mục mẫu), được giới đầu tư coi là một hình thức tư vấn đầu tư quản lý tài sản dạng thô sơ. Tuy nhiên, với sự biến động lớn của thị trường chứng khoán, tính hiệu quả của các danh mục này không thuyết phục được nhà đầu tư.

Với thị trường bất động sản, việc đầu tư đa phần là tự phát từ người dân, gần như chưa có một quỹ đầu tư bất động sản nào. Hiện TCBS mới có quỹ đầu tư vào cổ phiếu bất động sản, cổ phiếu xây dựng. Những hình thức đầu tư như vàng, tranh ảnh, cổ vật, ngoại tệ… cũng mang tính tự phát.

Bởi vậy, thị trường quản lý tài sản Việt Nam đang đi sau so với các nền tài chính phát triển tại châu Á, nhiều hoạt động quản lý tài sản mới dừng ở kênh đầu tư chứng khoán, chứ chưa mở rộng đến toàn bộ các kênh đầu tư khác.

Tuy nhiên, tiềm năng của thị trường quản lý tài sản là rất lớn. Theo tổng giám đốc một công ty quản lý quỹ, thống kê sơ bộ các nền tảng huy động vốn P2P tại Việt Nam, số vốn huy động lên tới vài chục nghìn tỷ đồng mỗi năm trong vài ba năm trở lại đây. Gần đây, công ty quản lý quỹ này nhận được đề nghị hợp tác quản lý tiền cho một số nền tảng P2P và cảm thấy “giật mình” vì năng lực huy động vốn của các nền tảng.

Giáo dục tài chính cần được đẩy mạnh

Thị trường tư vấn tài chính cá nhân Việt Nam được dự báo đạt 600 tỷ USD vào năm 2027.

Một góc nhìn khác về thị trường quản lý tài sản đáng lưu ý, đó là năm 2024, cơ quan chức năng phá nhiều vụ án huy động vốn mang dấu hiệu lừa đảo, trong đó có những vụ án đình đám như Tiktoker Mr Pips, với số tiền hơn 5.200 tỷ đồng, thậm chí lớn hơn. Điều này cho thấy, người dân dễ bị dẫn dụ vào các sản phẩm đầu tư, kênh đầu tư trái pháp luật, do các đối tượng xấu tạo ra để lừa đảo, chiếm đoạt tiền. Thực tế này đặt ra vấn đề lớn về giáo dục tài chính và phân bổ tài sản trên thị trường.

Không chỉ ở Việt Nam, mà ở nhiều nền kinh tế phát triển, giáo dục tài chính là mục tiêu đầy thách thức với các bên liên quan. Đây cũng là một nội dung được thảo luận sâu và sôi nổi tại Diễn đàn Các hiệp hội chứng khoán châu Á 2024 tổ chức ở Nhật Bản mới đây.

Tại Nhật Bản, mặc dù Chính phủ nỗ lực thúc đẩy giáo dục tài chính, nhưng chỉ có 7,1% người dân cảm thấy họ đã nhận được giáo dục tài chính. Hơn một nửa (51%) tài sản của các hộ gia đình Nhật Bản được giữ dưới dạng tiền mặt hoặc các khoản gửi tiết kiệm lãi suất thấp, dẫn đến lợi nhuận kém. Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện các bước để giải quyết vấn đề này, bao gồm việc thay đổi hệ thống NISA (sản phẩm tiết kiệm ưu đãi thuế) và thúc đẩy giáo dục tài chính thông qua J-BLEC – tập trung vào việc giáo dục mọi người về các khái niệm tài chính rộng hơn như quản lý ngân sách gia đình, kế hoạch cuộc sống và hình thành tài sản, thay vì chỉ dạy cách đầu tư.

Đức cũng đối mặt với những thách thức liên quan đến giáo dục tài chính. Các hộ gia đình Đức thường có xu hướng tránh rủi ro, với khoảng 50% tài sản được giữ dưới dạng tiền gửi hoặc các công cụ tiết kiệm. Chỉ khoảng 12% danh mục đầu tư tư nhân được đầu tư vào các công cụ thị trường vốn. Chính phủ Đức đã phát động một sáng kiến mới vào năm 2023 để thúc đẩy giáo dục tài chính, bao gồm một dự thảo luật thiết lập một quỹ hợp tác công – tư.

Chính phủ nhiều nước đã thừa nhận những vấn đề nghiêm trọng mà các xã hội già hóa đang đối mặt và sự cần thiết phải có sự hiểu biết tài chính cao cấp ở cả cấp độ cá nhân và tổ chức để đưa ra các quyết định đúng đắn cho tương lai.


Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/dich-vu-quan-ly-tai-san-du-dia-lon-thach-thuc-nhieu-post360791.html