Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi một số điều khoản trong Luật Chứng khoán hướng đến mục tiêu nâng hạng thị trường.
Vào ngày 9/9/2024, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến tài chính và ngân sách, bao gồm Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, các luật tài chính-ngân sách được Quốc hội thông qua từ lâu đã góp phần xây dựng khung pháp lý vững chắc, đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trước sự thay đổi của tình hình kinh tế-xã hội, một số quy định hiện nay đã bộc lộ khó khăn, vướng mắc và cần được sửa đổi để phù hợp với thực tiễn.
Tại phiên họp, góp ý đối với Luật Chứng khoán, ông Phạm Văn Hùng, Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng trái phiếu là một kênh quan trọng của doanh nghiệp, do đó việc sửa đổi quy định liên quan tới phát hành trái phiếu cần thận trọng, bảo đảm tính ổn định, tránh tình trạng thắt chặt trái phiếu riêng lẻ, gây ra đứt gãy nguồn vốn cho doanh nghiệp.
Về việc yêu cầu các sàn thương mại điện tử kê khai thuế tại Luật Quản lý thuế, đại diện VCCI bày tỏ quan ngại quy định này sẽ tạo ra sự không công bằng giữa các doanh nghiệp phải tuân thủ và doanh nghiệp không phải tuân thủ pháp luật Việt Nam và có tác động lớn đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước.
Bên cạnh đó, quy định này cũng chưa thực sự phù hợp với bản chất của sàn thương mại điện tử vì các sàn này chỉ là trung gian giữa người mua và người bán, đồng thời các sàn cũng không kiểm soát toàn bộ dòng tiền do thanh toán trực tiếp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong các hình thức thanh toán.
Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi một số điều khoản trong Luật Chứng khoán hướng đến mục tiêu nâng hạng thị trường (Nguồn ảnh: Bộ Tư pháp) |
Để đạt mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính có đề xuất sửa đổi điểm a khoản 4 Điều 56 Luật Chứng khoán về việc thành viên bù trừ được bù trừ, thanh toán cho các giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch (bao gồm chứng khoán phái sinh và chứng khoán cơ sở niêm yết/đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán).
Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ thực hiện bù trừ trên thị trường chứng khoán phái sinh vì nếu tham gia bù trừ trên cả thị trường cơ sở sẽ tạo nhiều rủi ro trong quan hệ giữa các ngân hàng và gây ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản của ngân hàng.
Ngoài ra, các thành viên Hội đồng thẩm định còn cho ý kiến về việc sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ ngân sách cấp trên trực tiếp, hỗ trợ các địa phương khác, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kế toán, cơ cấu đối tượng bắt buộc kiểm toán…