CTCP Kosy (HoSE: KOS) đã công bố BCTC nửa đầu năm 2024 (đã kiểm toán) với kết quả doanh thu/lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, doanh thu thuần Kosy đạt gần 699 tỷ đồng, tăng trưởng 7,1%, được lý giải nhờ hoạt động kinh doanh bất động sản tại một số dự án đang triển khai nhờ thị trường địa ốc có dấu hiệu phục hồi.
Bên cạnh đó, với việc các chi phí tài chính (53,6 tỷ đồng) và chi phí quản lý doanh nghiệp (15,6 tỷ đồng) lần lượt giảm 18,15% và 13,29%, Kosy báo lãi ròng đạt gần 13,2 tỷ đồng, tăng 24,75% so với nửa đầu năm 2023.
Mở rộng, xuyên suốt giai đoạn từ năm BCTC năm 2020 trở lại đây, kết quả lợi nhuận của Kosy luôn duy trì ở mức ổn định, bất chấp các điều kiện khó khăn của thị trường địa ốc.
Dù vậy, mảng địa ốc (lĩnh vực kinh doanh chính) chỉ chiếm tỷ trọng khá nhỏ trong tổng cơ cấu doanh thu của Kosy. Riêng nửa đầu năm 2024, lĩnh vực này chiếm 17,7%, trong khi dịch vụ thương mại (chủ yếu là vật liệu xây dựng) 509,7 tỷ đồng chiếm đến gần 73%. Trước đó, trong năm 2023, tỷ trọng mảng địa ốc và dịch vụ thương mại lần lượt là 10% và 81%.
Tuy nhiên, địa ốc, cùng mảng đầu tư tài chính, lại là 2 lĩnh vực duy nhất của Kosy có lợi nhuận từ năm 2022 đến nay.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản công ty tại ngày 30/6/2024 đạt 4.743 tỷ đồng. Trong đó, chiếm đến hơn một nửa là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang 2.535 tỷ đồng. Tập trung chủ yếu ở dự án Kosy Hà Nam (775 tỷ đồng), Kosy Bắc Giang (324 tỷ đồng), Kosy Gia Sàng 11 (518 tỷ đồng), Kosy Sông Công (113,9 tỷ đồng), Kosy Lào Cai (503 tỷ đồng), Kosy Cầu Gồ (18,87 tỷ đồng)…
Chi phí xây dựng cơ bản dở dang bao gồm các tài sản, thiết bị đang trong quá trình đầu tư mua sắm và lắp đặt, chưa đưa vào sử dụng, các công trình xây dựng cơ bản đang trong quá trình xây dựng chưa được nghiệm thu và đưa vào sử dụng tại thời điểm khóa sổ lập BCTC. Có thể hiểu, đây là những dự án mà Kosy đang trong quá trình triển khai, chưa hoàn thành.
Đáng chú ý, những dự án như Kosy Sông Công (tỉnh Thái Nguyên), Kosy Lào Cai (tỉnh Lào Cai), Kosy Cầu Gồ (tỉnh Bắc Giang) đều nằm trong khoản mục này từ đầu năm 2017 đến nay. Như vậy, sau gần 7 năm chào sàn chứng khoán (2017 lên sàn UPCOM, 2019 lên sàn HoSE), Kosy vẫn chưa thể hoàn thành các dự án kể trên.
Về dự án Kosy Sông Công, cử tri phường Thắng Lợi, TP. Sông Công hồi tháng 3/2024 từng gửi ý kiến đề nghị tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án này, sớm hoàn thiện cơ sở hạ tầng một số hạng mục như việc đấu nối các trục đường giao thông, hệ thống xử lý nước thải, khu vực trồng cây xanh để nhân dân ổn định cuộc sống.
Trả lời ý kiến cử tri, UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Kosy – Sông Công thuộc nhóm các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu dân cư. Hiện nay, đang phải rà soát lại theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ, do còn có những vướng mắc trong việc tổ chức giao đất, cho thuê đất phần còn lại của dự án để nhà đầu tư có thể hoàn thiện các công trình hạ tầng kỹ thuật theo ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Liên quan đến một dự án khác của Kosy, Kết luận Thanh tra Chính phủ vào tháng 2/2024 chỉ ra dự án Khu Đô thị mới phía Bắc TP. Ninh Bình và huyện Hoa Lư chậm tiến độ so với giấy chứng nhận đầu tư; có hạn chế, thiếu sót trong việc đánh giá hồ sơ sơ tuyển; và cần rà soát, xử lý theo quy định việc chậm xác định nghĩa vụ tài chính, ký hợp đồng thuê đất. Đây là dự án do Kosy làm chủ đầu tư, quy mô 40,7ha với tổng vốn đầu tư 1.220 tỷ đồng. Theo kế hoạch, Kosy dự kiến khởi công xây dựng từ quý III/2020.
Trở lại BCTC của Kosy, một điểm đáng chú ý khác là khoản mục “người mua trả tiền trước ngắn hạn” (được ví như của để dành của công ty địa ốc) lại ở mức rất thấp chỉ gần 20,6 tỷ đồng tính đến cuối quý II/2024, gồm các thể nhân/pháp nhân là: Ông Ninh Mạnh Dũng (5,3 tỷ đồng), Nguyễn Văn Xuất (5,7 tỷ đồng), bà Trần Thị Bích Hạnh (2,4 tỷ đồng), CTCP Bionature Việt Nam (1,88 tỷ đồng), CTCP Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Hải Phát (1,79 tỷ đồng)…