(ĐTCK) Dù thị trường đã tìm lại sự khởi sắc nhưng thanh khoản còn ở mức khá thấp. Các chuyên sẽ dự báo động lực có thể kích hoạt dòng tiền và chỉ ra những nhóm cổ phiếu đã rơi vào vùng quá bán để nhà đầu tư có thể quan sát.
Thị trường tuần qua phục hồi tốt ở hỗ trợ mạnh quanh 1.200 điểm, thanh khoản kém, cho thấy dòng tiền vẫn chưa sẵn sàng nhập cuộc. Liệu rủi ro điều chỉnh trở lại vùng hỗ trợ tại 1.200 còn hiện hữu trong tuần giao dịch kế tiếp không, theo các ông/bà?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK VPS
Thị trường đã tạo đáy xác nhận vùng giá sâu nhất tuần qua khu vực 1.200 +/- điểm vùng đáy tích luỹ tiếp theo sẽ quanh mốc 1.230 1.240 điểm và hồi phục dần về giai đoạn cuối năm. Giai đoạn khó khăn nhất đã trôi qua, thị trường sẽ khởi sắc dần giai đoạn tới nhất là khi khối ngoại đã có dấu hiệu mua ròng trở lại.
Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích, CTCK DSC
Chúng tôi đánh giá cao vùng hỗ trợ 1.200 với sự hỗ trợ của 3 yếu tố: nền tảng định giá tốt, bối cảnh vĩ mô trong nước không quá rủi ro, và tình hình liên thị trường vẫn tích cực.
Dù thanh khoản thị trường ở mức thấp, phản ứng khi chạm 1.200 ở phiên ngày 20/11 cho thấy dòng tiền sẵn sàng nhập cuộc bắt đáy, chỉ là chưa đủ tự tin mua đuổi.
Một lần nữa chúng tôi đánh giá cao khả năng tạo đáy của thị trường, và điều còn thiếu để VN-Index mạnh mẽ vượt qua các mốc như 1.500 là thời gian, chờ đợi khi thị trường chạm tới những chu kỳ thuận lợi hơn trong năm như giai đoạn tháng 12/2024 hoặc tháng 1/2025.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank
Ông Phan Dũng Khánh |
Với dòng tiền yếu như hiện nay và nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 21 phiên liên tiếp đưa tỷ lệ bán ròng trong năm nay cao hàng đầu lịch sử TTCK cũng ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. Do đó, việc tăng điểm tuần qua mang tính phục hồi kỹ thuật nhiều hơn là quay lại xu hướng tăng. Tuy vậy, nếu vùng hỗ trợ 1.200 có thể giữ vững được thì thị trường có thể sẽ tích lũy cho một xu hướng tích cực hơn.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Thị trường mới chỉ đang ở giai đoạn hồi phục kỹ thuật trong các nhịp tăng vừa qua sau giai đoạn giảm mạnh trước đó. Nhưng điểm tích cực là các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn dần hình thành xu hướng tăng ngắn hạn, trong đó phải kể đến là nhóm bất động sản và bán lẻ.
Tuy xu hướng chung của thị trường vẫn đang ở giai đoạn giảm, nhưng tôi kỳ vọng thị trường sẽ có trạng thái tích lũy và đi ngang trong tuần giao dịch tới. Ở kịch bản tích cực, nếu chỉ số VN-Index vượt được mức 1,238 điểm thì xu hướng ngắn hạn có thể xác nhận tăng.
Tỷ giá USD/VND đang gia tăng đáng kể, đồng thời xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm cũng đang trở lại. Các yếu tố này đang tác động như thế nào đến TTCK, theo các ông/bà?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK VPS
Tỷ giá tác động chỉ mang tính thời điểm và nhiều khả năng ổn định ở giai đoạn cuối tháng. Yếu tố ngắn hạn đi kèm với việc ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.
Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích, CTCK DSC
Dù không thể khẳng định rằng đà bán ròng của khối ngoại hoàn toàn là bởi lý do về tỷ giá, nhưng không thể phủ nhận những giai đoạn bán ròng mạnh nhất của khối ngoại trong năm 2024 hoàn toàn trùng khớp với những pha tăng mạnh của tỷ giá. Do đó tác động đầu tiên có thể kể tới là dòng tiền.
Tác động về tâm lý nhà đầu tư và sự kỳ vọng về bối cảnh vĩ mô là một yếu tố khác, khi nhiều người lo ngại những đợt nâng lãi suất để ổn định thị trường tiền tệ.
Chúng tôi đánh giá đà tăng của USD có một phần nhất thời bởi kỳ bầu cử từ Mỹ, và một phần bởi yếu tố thời vụ trong nước. Do đó rủi ro tăng mạnh hơn hay vượt lên mốc 26.000 là khó xảy ra.
Ông Trương Thái Đạt |
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank
USDX đã tăng tới 107-108 điểm từ mức thấp xấp xỉ 100 điểm kể từ sau khi Fed tăng lãi suất lần đầu tiên sau nhiều năm vào tháng 9/2024 đã ảnh hưởng đến tỷ giá và thị trường tài chính toàn cầu chứ không chỉ riêng tại Việt Nam. Yếu tố này cũng gây áp lực lên trên các tài sản tài chính trong đó có chứng khoán.
Ngay cả chứng khoán Mỹ và vàng vốn rất mạnh trong năm nay nhưng mức độ tăng cũng bị kìm hãm và vàng cũng có nhiều thời điểm giảm mạnh. Do vậy, chứng khoán Việt Nam dòng tiền yếu hơn và thiếu sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu mạnh tài chính – ngân hàng – chứng khoán và bất động sản; và khi USDX tăng mạnh sẽ có tác động lớn hơn do dòng tiền trong nước vốn đã yếu sẵn khi thanh khoản giảm trong những tháng qua cùng với nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Áp lực tỷ giá trong ngắn hạn vẫn đang ở mức cao, đặc biệt chỉ số DXY đã vượt mức đỉnh tháng 11/2023, nhưng theo quan sát của tôi lợi suất trái phiếu Mỹ đã có dấu hiệu chững lại đà tăng cùng với đó đà bán ròng của khối ngoại đang thu hẹp dần. Ngoài ra, lãi suất trên thị trường 1 và thị trường 2 có dấu hiệu gia tăng trở lại cho nên áp lực tỷ giá cũng có thể sẽ được kiềm chế đà tăng khi DXY đang mạnh lên.
Tuy vậy, tỷ giá vẫn là yếu tố sẽ còn tác động tiêu cực lên diễn biến TTCK trong ngắn hạn, đặc biệt nhất là dòng vốn FII của các nhà đầu tư nước nước ngoài.
Nhìn chung, giai đoạn này tôi đánh giá trung tính tác động của tỷ giá lên diễn biến ngắn hạn của thị trường.
Vậy còn động lực nào có thể kích hoạt dòng tiền trong thời gian tới không?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK VPS
Vĩ mô vẫn có nhiều điểm tích cực – những tín hiệu khởi sắc của nhiều nhóm ngành nghề – kết quả kinh doanh quý IV – giai đoạn cơ cấu danh mục các quỹ ETF tháng 12 -dòng tiền đón đầu làn sóng nâng hạng…
Ông Lê Đức Khánh |
Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích, CTCK DSC
Động lực thị trường lúc này phụ thuộc nhiều vào kỳ vọng năm 2025. Chúng tôi đánh giá hai chủ đề đầu tư chính trong năm 2025 sẽ là (1) sự biến động địa chính trị và thương mại toàn cầu khi tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền, và (2) chính sách kích thích kinh tế trong nước thông qua các các kênh như đầu tư công và hỗ trợ thị trường Bất động sản.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank
Một số yếu tố hỗ trợ dòng tiền nhưng sẽ mang tính chất trung dài hạn, đó là: Nâng hạng thị trường; nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trở lại hoặc giảm bán ròng; thị trường có thêm những hàng hóa mới, nhưng phải tập trung vào những hàng hóa dòng tiền quan tâm như công nghệ, AI, năng lượng xanh, tái tạo…vốn không nhiều đại diện trên TTCK; USDX giảm trở lại; Các kênh đầu tư như vàng giảm sức hút.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Động lực tác động lên TTCK trong thời gian tới vẫn sẽ chủ yếu là tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp, mức định giá thấp sẽ là yếu tố kích thích dòng tiền bắt đáy quay trở lại thị trường. Đồng thời, nội lực vĩ mô vững chắc cũng là nền tảng giúp thị trường tránh khỏi các đợt bán tháo giảm mạnh. Ngoài ra, yếu tố tăng trưởng dài hạn trong năm 2025 cũng là yếu tố hỗ trợ cho thị trường trong thời gian tới cùng với đó là nhiều câu chuyện trung và dài hạn như nâng hạng thị trường.
Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đã giảm mạnh về mức trung bình 16% theo giá trị vốn hóa của thị trường, như vậy phần lớn tỷ trọng nắm giữ chủ yếu đến từ các nhà đầu tư chiến lược – nhóm nhà đầu tư ít có nhu cầu mua bán ngắn hạn hay ít chịu ảnh hưởng từ các biến động tỷ giá. Như vậy, dư địa bán mạnh của nhà đầu tư nước ngoài sẽ không còn nhiều thì cũng chính là yếu tố giảm bớt đi tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư nội.
Ông Nguyễn Thế Minh |
Ở thời điểm hiện tại, không có nhóm ngành nào đủ sức dẫn dắt thị trường, thay vào đó, cổ phiếu có câu chuyện riêng sẽ là tâm điểm. Theo quan sát của ông/bà, ở thời điểm này, nhóm cổ phiếu nào rơi vào vùng quá bán nhà đầu tư có thể quan sát?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK VPS
Những nhóm ngành ưu tiên vẫn là nhóm công nghệ viễn thông (FPT, CMG, VTP, VGI), hoá chất (DGC, CSV, BFC) cao su tự nhiên và cao su săm lốp (DPR, PHR, DRI, CSM, DRC) hay nhóm cảng biển, vận tải biển (GMD, HAH, PHP, PVT …) là những nhóm ngành cổ phiếu đáng lưu ý. Tất nhiên một số cổ phiếu được lựa chọn tốt nhóm tài chính ngân hàng, bất động sản, bất động sản khu công nghiệp vẫn có thể ghi nhận mức sinh lời tốt.
Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích, CTCK DSC
Một số nhóm ngành đã chạm mức quá bán trên thị trường có thể kể tới như Chứng khoán, và Bất động sản. Tuy nhiên cả hai nhóm ngành đang vấp phải sự phân hóa lớn trong nội tại các doanh nghiệp và tình hình xu hướng giá trên sàn.
Đối với các doanh nghiệp chứng khoán, sự phân hóa sẽ ngày càng rõ nét trong năm 2025. Nhà đầu tư nên chú trọng các doanh nghiệp vốn hóa lớn có lợi thế trên miếng bánh khách hàng tổ chức. Ngoài ra giá cổ phiếu trên sàn không nên vi phạm khu vực đáy tháng 4/2024.
Đối với các doanh nghiệp Bất động sản, chúng tôi đánh giá khá ít doanh nghiệp có thể ghi nhận lợi nhuận đột biến ngay trong 2025. Do đó sự phục hồi của nhóm ngành này trong tuần qua là ấn tượng, nhưng mang nhiều màu sắc kỹ thuật, nhà đầu tư chú ý chỉ giao dịch với mục tiêu ngắn hạn.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank
Nhóm bất động sản vốn rất yếu, thậm chí yếu cả năm nay rơi vào vùng này, nhóm nguyên vật liệu, vận tải cũng cần chú ý. Bên cạnh đó những nhóm ngành như công nghệ vốn rất mạnh trong năm 2024 vẫn có thể duy trì sức mạnh trong năm tới.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Tôi cho rằng hiện nay có rất nhiều cổ phiếu đã rơi vào trạng thái quá bán và hình thành dần các dấu hiệu đảo chiều ngắn hạn, cụ thể có thể phải điểm qua là nhóm Bất động sản, Bán lẻ và Du lịch giải trí.
Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/diem-ten-nhung-nhom-co-phieu-da-roi-vao-vung-qua-ban-post358635.html