Chi tiết

Diễn đàn M&A Việt Nam 2024: Nhộn nhịp thương vụ

Ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam đánh giá, năm 2023 thị trường M&A rất thấp. Sang năm 2024, thị trường cũng không tốt như kỳ vọng.

Diễn đàn M&A Việt Nam 2024: Nhộn nhịp thương vụ ảnh 8

9 tháng 2024, khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã chứng kiến mức giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái, đẩy giá trị M&A giảm xuống mức thấp nhất trong mười năm là 263 tỷ USD (giảm 51,5% so với mức đỉnh 9 tháng năm 2021).

Sự sụt giảm đáng kể ở Trung Quốc (giảm 41% so với cùng kỳ) và Úc (giảm 7%) đã làm giảm đáng kể thị trường khu vực nói chung. Trong khi đó, Ấn Độ nổi bật như một điểm sáng trong khu vực, với mức tăng trưởng 66%, và Indonesia tăng trưởng 68%.

Trong năm 2024, có xu hướng các thương vụ không phải nhà đầu tư nước ngoài mua các công ty trong nước, mà là các công ty trong nước mua bán nhau. Do chính sách các nước bảo hộ hơn, dòng tiền ngần ngại chảy ra nước ngoài khi lãi suất ở mức cao.

Trong đó, khối lượng và giá trị giao dịch trong khu vực Đông Nam Á ở mức thấp, do ảnh hưởng từ những thách thức toàn cầu lẫn khu vực, dẫn đến tâm lý đầu tư thận trọng và hạn chế các hoạt động M&A.

Trong khi ở Việt Nam, 9 tháng 2024 ghi nhận sự cải thiện đáng kể về giá trị giao dịch M&A, với mức tăng trưởng 45,9% so với cùng kỳ (so với mức giảm 11,3% trong tổng giá trị giao dịch của Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines) dù khối lượng giao dịch ghi nhận mức giảm 11,6% so với cùng kỳ.

Nên thay đổi thị trường M&A Việt Nam là một sự tăng trưởng tích cực. Hy vọng cuối năm 2024 có sự phát triển tương đối tốt của thị trường M&A Việt Nam.

Tăng trưởng giá trị giao dịch này chủ yếu được thúc đẩy bởi mức nền thấp năm 2023, đồng thời một số giao dịch lớn từ các nhà đầu tư trong nước, cho thấy các doanh nghiệp nội địa có thể đang điều chỉnh chiến lược kinh doanh cũng như tối ưu hóa để tập trung hơn vào những lĩnh vực then chốt của mình trong bối cảnh môi trường kinh doanh vẫn đang có nhiều thách thức.

Tăng trưởng được thúc đẩy bởi các giao dịch lớn trong nước, đặc biệt là 4 giao dịch của Vingroup và Masan Group trị giá 1,9 tỷ đô la, tương đương 58% tổng giá trị thị trường. Quy mô giao dịch trung bình cho các giao dịch được tiết lộ đã tăng đáng kể, đạt 56,3 triệu đô la Mỹ khi các giao dịch lớn thống trị thị trường.

Nhìn chung, 10 thương vụ lớn nhất chiếm khoảng 2,8 tỷ USD, tương đương với khoảng 87% tổng giá trị giao dịch đã được công bố. So với 3 năm trước, giá trị trung bình các giao dịch được công bố đã tăng đáng kể, đạt 56,3 triệu USD mỗi thương vụ trong 9 tháng 2024 khi các thương vụ lớn chiếm lĩnh thị trường (giá trị của nhiều thương vụ nhỏ thường ít được công bố).

Diễn đàn M&A Việt Nam 2024: Nhộn nhịp thương vụ ảnh 9

Trong 9 tháng 2024, các nhà đầu tư trong nước đóng vai trò chính trong thị trường M&A Việt Nam khi chiếm 53% tổng giá trị giao dịch được công bố, gần gấp đôi tổng giá trị đóng góp của 4 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất cộng lại. Đây là kết quả của quá trình tái cấu trúc kinh doanh của các doanh nghiệp nội địa. Xu hướng này còn cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang có sự tiếp cận thị trường M&A ở Việt Nam thận trọng hơn.

Diễn đàn M&A Việt Nam 2024: Nhộn nhịp thương vụ ảnh 10

Xét về cơ cấu, hoạt động giao dịch M&A 9 tháng 2024 chủ yếu diễn ra trong các lĩnh vực Bất động sản (53%), Tiêu dùng thiết yếu (14%), và Công nghiệp (21%), chiếm tổng cộng 88% giá trị giao dịch và nằm trong top 5 thương vụ M&A lớn nhất.

Nhưng có những ngành gần như biến mất khỏi thị trường. Ví dụ 2022, ngành năng lượng, dịch vụ tiện ích đạt gần 1 tỷ USD, nhưng năm 2023 và 2024 gần như không xuất hiện thương vụ trong lĩnh vực này, hoặc các thương vụ nhỏ. Như vậy, đang có sự chuyển dịch trong các ngành hàng.

Thương vụ lớn nhất trong năm cho đến nay với giá trị 982 triệu USD là giao dịch giữa nhóm công ty có trụ sở tại Việt Nam mua lại 55% cổ phần của Công ty Phát triển Đầu tư và Thương mại SDI, một công ty con của Vingroup sở hữu gián tiếp 41,5% cổ phần tại Vincom Retail.

Lĩnh vực bất động sản đóng góp thương vụ lớn thứ hai khi Becamex IDC chuyển nhượng một dự án nhà ở trị giá 553 triệu USD tại Bình Dương cho Sycamore Limited, công ty con của CapitaLand Group từ Singapore.

Trong lĩnh vực tiêu dùng, một thương vụ đáng kể là Bain Capital của Mỹ đầu tư 255 triệu USD vào Masan Group qua hình thức phát hành riêng lẻ. Ngoài ra, Masan Group cũng mua lại cổ phần trị giá 200 triệu USD tại VinCommerce từ SK South-East Asia Investment.

Ở lĩnh vực Công nghiệp, VinFast Auto Ltd. ký hợp đồng mua lại Công ty cổ phần VinES Energy Solutions từ ông Phạm Nhật Vượng với giá trị 440 triệu USD.

Các giao dịch M&A có giá trị từ 40 – 112 triệu USD cũng diễn ra trong các lĩnh vực Công nghiệp và Công nghệ thông tin.

Diễn đàn M&A Việt Nam 2024: Nhộn nhịp thương vụ ảnh 11

Về quốc tịch các đơn vị tham gia M&A, các nhà đầu tư trong nước dẫn đầu thị trường, chiếm 53% tổng giá trị giao dịch M&A, gấp đôi so với bốn quốc gia nước ngoài tiếp theo. Riêng 4 nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tiếp theo đóng góp 32% giá trị giao dịch, trong khi Nhật Bản trượt khỏi danh sách, trong khi Trung Quốc trở lại lần đầu tiên kể từ năm 2021.

Trong giai đoạn 2025 và các năm tiếp theo, có một số yếu tố lớn ảnh hưởng ảnh hưởng đến thị trường M&A Việt Nam.

Thứ nhất là nền tảng phát triển kinh tế Việt Nam. GDP của Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng trên 6% trong cả năm 2024 và 2025; Xuất khẩu tăng 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái trong 9 tháng năm 2024; Lạm phát dự kiến sẽ ổn định ở mức 3,5% vào năm 2024 và 2025. Ngoài ra, dòng vốn FDI dự kiến sẽ tăng 8-9% so với cùng kỳ năm ngoái vào năm 2025. Cuối cùng là tín dụng xanh tăng 22% hàng năm trung bình năm 2017 – 2023.

Thứ hai là chính sách tập trung vào công nghệ/AI và người tiêu dùng am hiểu công nghệ. Chương trình Chuyển đổi Kỹ thuật số Quốc gia đặt mục tiêu 30% GDP từ nền kinh tế kỹ thuật số vào năm 2030. Bên cạnh đó, người tiêu dùng am hiểu công nghệ với thu nhập ngày càng tăng. Đặc biệt, thương mại điện tử có CAGR mạnh 30,4% (từ 2018 – 2023), triển vọng vững chắc 20,6% CAGR (giai đoạn 2024 – 2028).

Thứ ba là phát triển cơ sở hạ tầng với nhiều dự án lớn như Sân bay Long Thành; tuyến đường sắt Bắc-Nam 67 tỷ USD tuyến kết nối Hà Nội – TP.HCM; xây dựng đường cao tốc trị giá 3.000 km trị 8 tỷ USD lên kế hoạch vào năm 2025.

Trong năm 2025, ông Ái dự báo thị trường M&A Việt Nam có thể sẽ “nở hoa”, đạt các con số ấn tượng. Số lượng thương vụ M&A dự kiến sẽ tăng lên trong các lĩnh vực then chốt như Công nghệ và Bất động sản nhờ vào các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Xu hướng đầu tư đang dịch chuyển sang lĩnh vực công nghệ và các dịch vụ có ứng dụng công nghệ, nhóm ngành dự kiến sẽ chiếm tỷ trọng đáng kể trong các giao dịch M&A từ 2025. Xu hướng này được thúc đẩy bởi các sáng kiến và cải cách chủ động từ Chính phủ, bao gồm ưu đãi thuế cho ngành công nghệ cao và tối ưu hóa các quy trình đầu tư nước ngoài giúp giảm bớt rào cản với các nhà đầu tư quốc tế.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản dự kiến sẽ có động lực tăng trưởng mạnh mẽ hơn khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp dần ổn định, kết hợp với việc thi hành Luật Đất đai mới. Luật này sẽ làm rõ phương pháp định giá đất và ban hành các quy định mới về sử dụng đất, nâng cao tính minh bạch cho thị trường. Cùng với sự phục hồi của ngành này, nhu cầu trong nước dự kiến sẽ được củng cố hơn khi tâm lý đầu tư và nhu cầu tiêu thụ được cải thiện hơn.

Về phía các nhà đầu tư có thể là sự trở lại của các nhà đầu tư nước ngoài, sớm giành lại vị trí dẫn đầu trên thị trường M&A Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc,..

Tuy nhiên, thị trường sẽ xuất hiện những làn gió ngược và khó khăn đến từ bốn vấn đề lớn.

Một là chi tiêu dự kiến khổng lồ của Hoa Kỳ dưới chính quyền mới có thể duy trì áp lực lạm phát và giữ lãi suất cao, làm tăng chi phí vốn.

Hai là các chính sách bảo hộ ở Mỹ có thể làm suy yếu xuất khẩu của Việt Nam.

Ba là xung đột ở Ukraine và Trung Đông có thể làm gián đoạn thương mại, dòng năng lượng và ổn định kinh tế, gây áp lực buộc các nhà đầu tư phải duy trì chế độ phòng thủ.

Bốn là sự phục hồi bất động sản chậm chạp có thể hạn chế chi tiêu và đầu tư của người tiêu dùng, làm giảm tăng trưởng kinh tế.

Cuối cùng, ông Nguyễn Công Ái đưa ra một số vấn đề lớn cho xu hướng M&A năm 2025.

Đầu tiên là sự kết hợp các yếu tố thương mại và ESG cùng với phân tích tài chính và pháp lý truyền thống để giảm thiểu rủi ro và phát hiện ra cơ hội, xây dựng niềm tin của các bên liên quan và tăng cường sự liên kết chiến lược cho các giao dịch.

Song song đó là sự ưu tiên tạo ra giá trị dài hạn và tính bền vững bằng cách tập trung vào khả năng phục hồi dòng tiền, tích hợp ESG và tiềm năng tăng trưởng khi phát triển các khuôn khổ định giá, phù hợp với kỳ vọng phát triển của các nhà đầu tư toàn cầu.

Cuối cùng là sử dụng phân tích dữ liệu nâng cao để rút ra thông tin chi tiết về hoạt động, tối ưu hóa hiệu quả và khám phá các cơ hội tăng trưởng chưa được khai thác trong các doanh nghiệp mục tiêu.


Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/dien-dan-ma-viet-nam-2024-nhon-nhip-thuong-vu-post358833.html