Sản xuất điện năng từ phản ứng nhiệt hạch, hay còn gọi là điện hạt nhân bị thế giới từ bỏ. Nhưng sự bùng nổ trung tâm dữ liệu đòi hỏi sản lượng điện khổng lồ và bền vững để duy trì chúng. Thủy điện, điện gió và nhiệt điện không phải là giải pháp.
Những gã khổng lồ công nghệ đang tìm kiếm điện hạt nhân để cung cấp năng lượng cho các trung tâm dữ liệu tiêu tốn nhiều năng lượng cần thiết để đào tạo và vận hành các mô hình AI khổng lồ.
Microsoft và Google nằm trong số các công ty đồng ý thỏa thuận mua điện hạt nhân từ một số nhà cung cấp nhất định tại Hoa Kỳ để đảm bảo khả năng cung ứng năng lượng ổn định vào các trung tâm dữ liệu của mình.
Michael Terrell, Giám đốc cấp cao về năng lượng và khí hậu tại Google nói rằng: “Năng lượng hạt nhân có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giúp đáp ứng nhu cầu của chúng tôi – một cách sạch hơn, và không bao giờ bị gián đoạn nguồn cung”.
Google và công ty năng lượng Kairos Power đã bắt tay tạo ra các lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ, sẽ hoạt động vào năm 2030. Theo kế hoạch này, nhiều lò phản ứng tương tự sẽ đi vào hoạt động từ năm 2035.
Microsoft đã ký một thỏa thuận với công ty năng lượng Constellation của Hoa Kỳ để khôi phục lại một lò phản ứng đã ngừng hoạt động tại nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island ở Pennsylvania, nơi lò phản ứng đã ngừng hoạt động trong 5 năm. Nhà máy này từng là nơi xảy ra sự cố tan chảy hạt nhân và rò rỉ bức xạ nghiêm trọng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ vào tháng 3/1979.
Các mô hình AI hiện nay cần các trung tâm dữ liệu khổng lồ, việc xây dựng chúng ở đâu là bài toán rất hóc búa – đó không chỉ là thể chế thích hợp để đầu tư mà điều quan trọng hơn là nguồn điện và tài nguyên nước.
Theo báo cáo nghiên cứu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), lượng điện tiêu thụ toàn cầu từ các trung tâm dữ liệu, AI và lĩnh vực tiền điện tử dự kiến sẽ tăng gấp đôi từ mức ước tính 460 terawatt/giờ (TWh) vào năm 2022 lên hơn 1.000 TWh vào năm 2026.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học California đã công bố một nghiên cứu vào tháng 4 năm ngoái cho thấy ChatGPT tiêu thụ 500 ml nước cho mỗi 10 đến 50 lệnh, tùy thuộc vào thời điểm và địa điểm triển khai mô hình AI. Con số này tương đương với lượng nước trong một chai 16 ounce tiêu chuẩn.
Tính đến tháng 8, có hơn 200 triệu người gửi câu hỏi trên chatbot phổ biến ChatGPT của OpenAI mỗi tuần. Con số này gấp đôi so với 100 triệu người dùng hoạt động hàng tuần mà OpenAI báo cáo vào tháng 11 năm ngoái.
Một lần nữa dấy lên tranh cãi về điện hạt nhân. Các nhà bảo vệ môi trường vẫn thừa nhận nó là điện “sạch” vì không tạo ra carbon dioxide hoặc các khí nhà kính khác. Nhưng chi phí xây dựng rất tốn kém và rủi ro lớn.
Đang thời kỳ bùng nổ trung tâm dữ liệu, một số quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Singapore, Việt Nam,… là điểm đến ưa thích của các tập đoàn lớn. Điều này vô hình dung tạo ra áp lực lớn về hạ tầng sản xuất năng lượng.