Chi tiết

Điều hành tiền tệ vẫn còn nhiều thách thức

Kể từ sau Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, bối cảnh kinh tế và điều kiện tài chính toàn cầu biến động nhanh, mạnh, khó lường. Lạm phát toàn cầu bùng phát, vượt kỳ vọng của các NHTW trong bối cảnh chuỗi cung ứng hậu Covid-19 bị đứt gãy, căng thẳng địa chính trị gia tăng tại nhiều vùng lãnh thổ; Xu hướng tăng lãi suất và bán ngoại tệ can thiệp được các NHTW đẩy mạnh tại các nước mới nổi và đang phát triển nhằm đối phó với áp lực lạm phát, sự mất giá của đồng bản tệ và chảy máu vốn ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết tại Tại Báo cáo gửi tới đại biểu quốc hội phục vụ cho Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

nhnn.jpg
NHNN cho biết, bối cảnh đòi hỏi CSTT phải kiên định mục tiêu, linh hoạt, thích ứng nhanh nhạy với sự thay đổi liên tục của tình hình mới, xử lý hài hòa nhiều mục tiêu có tính chất đánh đổi. Ảnh: Trụ sở NHNN

Lãi suất cho vay có xu hướng giảm sâu

Trong nước, NHNN thông tin, công tác điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) gặp nhiều khó khăn khi Fed đẩy mạnh tăng lãi suất, áp lực lạm phát, nhất là lạm phát nhập khẩu do giá thế giới tăng và xu hướng lạm phát quốc tế gia tăng. Những khó khăn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản bộc lộ, sự kiện rút tiền hàng loạt tại SCB… tác động tiêu cực tới tâm lý thị trường tiền tệ, ngoại hối, tạo áp lực lên điều hành của NHNN trong việc đảm bảo ổn định hệ thống và góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong bối cảnh như vậy, NHNN đã tiếp tục điều hành CSTT kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hoà, chặt chẽ với chính sách tài khoá và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo cơ quan điều hành tiền tệ, biến động từ cả trong, ngoài nước đòi hỏi CSTT phải kiên định mục tiêu, linh hoạt, thích ứng nhanh nhạy với sự thay đổi liên tục của tình hình mới, xử lý hài hòa nhiều mục tiêu có tính chất đánh đổi. NHNN bám sát chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, sự điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để linh hoạt trong điều hành các công cụ và giải pháp CSTT phù hợp với diễn biến thực tế và đạt kết quả tích cực.

10 tháng đầu năm 2024, về lãi suất, NHNN giữ nguyên lãi suất điều hành (sau khi đã giảm 4 lần liên tiếp năm 2023) nhằm tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế và chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay. Lãi suất cho vay đã có xu hướng giảm sâu thời gian qua. Năm 2023 giảm hơn 2,5%/năm và tính đến 20/10/2024 tiếp tục giảm 0,76%/năm so với cuối năm 2023.

Về tỷ giá, trong bối cảnh tình hình thị trường biến động, có những giai đoạn thuận lợi, khó khăn đan xen, NHNN điều hành tỷ giá linh hoạt, đồng bộ trong khung khổ CSTT chung nhằm đạt mục tiêu xuyên suốt, nhất quán kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Nhìn chung, theo NHNN, giai đoạn từ 2022 đến tháng 10/2024, mặc dù thị trường tài chính thế giới giới có nhiều biến động nhưng tỷ giá USD/VND về cơ bản diễn biến linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường, thị trường ngoại tệ duy trì ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt. Một số giai đoạn, đồng tiền của nhiều nước trong khu vực biến động rất mạnh trước các áp lực trên thị trường tài chính thế giới nhưng mức mất giá của VND so với USD phù hợp và tương đối ổn định so với xu hướng chung của các đồng tiền.

Tín dụng: Sức hấp thụ còn yếu

Về tín dụng, năm 2024, NHNN định hướng mức tăng trưởng tín dụng (TTTD) khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. NHNN đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các TCTD và thông báo công khai (ngày 31/12/2023) nguyên tắc xác định để TCTD chủ động thực hiện TTTD. Trong bối cảnh TTTD toàn hệ thống vẫn còn thấp, NHNN chủ động điều chỉnh chỉ tiêu TTTD cho các TCTD.

Tăng trưởng tín dụng qua các năm
Theo NHNN, sức hấp thụ vốn còn yếu là thách thức trong thúc đẩy giải ngân tín dụng thời gian tới

Bên cạnh đó, NHNN yêu cầu các TCTD thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo về hoạt động tiền tệ, tín dụng, các quy định về cấp tín dụng của NHNN nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, bảo đảm an toàn hệ thống và ổn định thị trường tiền tệ. Tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, lành mạnh, hạn chế nợ xấu gia tăng và phát sinh, đảm bảo an toàn hoạt động của TCTD; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế; kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Kết quả, tín dụng tăng trưởng phù hợp với chỉ tiêu định hướng đầu năm, đáp ứng nhu cầu vốn cho tăng trưởng kinh tế và phù hợp với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Tính đến ngày 31/10/2024, tín dụng tăng 10,08% so với cuối năm 2023, tăng 16,65% so với cùng kỳ 2023.

NHNN cũng báo cáo, mặc dù doanh nghiệp và người dân chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid, suy giảm điều kiện tiếp cận tín dụng, nhưng ngành ngân hàng vẫn cố gắng thúc đẩy tín dụng đạt khoảng 14%/năm để đáp ứng nhu cầu vốn cho đầu tư và tiêu dùng, xuất khẩu, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế: tăng 8,12% năm 2022, 5,05% năm 2023 và 6,82% trong 9 tháng đầu năm 2024.

Những áp lực thời gian tới

Tuy nhiên, cơ quan điều hành tiền tệ nhận định, trong thời gian tới, nhiệm vụ điều hành tiếp tục gặp nhiều áp lực. Đó là lạm phát giảm chưa bền vững và tiềm ẩn rủi ro áp lực tăng trong bối cảnh độ mở nền kinh tế Việt Nam rất lớn, giá cả hàng hóa thế giới biến động phức tạp do tác động của diễn biến địa chính trị phức tạp, xu hướng gia tăng về an ninh lương thực tại các quốc gia, thời tiết cực đoan…

Việc thực hiện chủ trương tiếp tục giảm lãi suất trong thời gian tới là rất khó khăn do lãi suất đã giảm sâu. Nhu cầu vốn tín dụng đang có xu hướng tiếp tục tăng, thời gian tới sẽ áp lực đối với mặt bằng lãi suất; Sức ép tỷ giá từ thị trường quốc tế khiến việc giảm lãi suất VND trong nước càng gia tăng áp lực lên tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong nước.

Bên cạnh đó, một khó khăn nữa là sức ép cung ứng vốn của hệ thống các TCTD đối với nền kinh tế vẫn còn lớn, kể cả vốn trung dài hạn trong bối cảnh huy động vốn từ thị trường TPDN chứng khoán gặp nhiều khó khăn. Điều này tiềm ẩn rủi ro kỳ hạn, rủi ro thanh khoản lớn đối với hệ thống ngân hàng.

Thách thức nữa là sức hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân còn thấp. Sau khi chịu tác động bởi đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng sản xuất do thiếu đơn hàng, giải thể, đóng cửa, sức khỏe tài chính bị giảm sút; đồng thời xu hướng thắt chặt, cắt giảm chi tiêu của người dân dẫn đến cầu tín dụng thấp; một số nhóm khách hàng có nhu cầu tín dụng nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn hoặc giải ngân vốn vay do vướng mắc về thủ tục pháp lý của dự án năng lực tài chính suy giảm, mất cân đối dòng tiền, thiếu phương án sản xuất kinh doanh khả thi,…

Với những khó khăn thách thức này, các tổ chức quốc tế như IMF, WB, Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO)… đều nhận định dư địa nới lỏng CSTT của Việt Nam hiện rất hạn hẹp và khuyến nghị Việt Nam cần tận dụng dư địa tài khóa còn nhiều để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

NHNN định hướng thời gian tới, tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành CSTT kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hoà, chặt chẽ với chính sách tài khoá và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng.

Theo đó, NHNN điều hành các công cụ CSTT chủ động, linh hoạt, bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống TCTD, hỗ trợ điều hành CSTT. Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu CSTT; tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Thực hiện các biện pháp điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 9/11, bên cạnh các kết quả đạt được 10 tháng đầu năm đã đạt được, Thủ tướng lưu ý về tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức, với tình hình khu vực, quốc tế còn nhiều bất định, rủi ro; áp lực điều hành kinh tế vĩ mô còn lớn, nhất là về điều hành tỷ giá, lãi suất, nguồn cung và giá cả hàng hóa, dịch vụ trong nước.

Những vấn đề Thủ tướng nêu đặc biệt liên quan đến nguồn vốn và tiền tệ, với tình hình sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực khó khăn, nhất là chi tiêu đầu vào cho sản xuất; áp lực trả nợ trái phiếu doanh nghiệp đến hạn lớn. Tiếp cận vốn tín dụng còn khó khăn; nợ xấu có xu hướng tăng. Khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản chậm được giải quyết. Giải ngân vốn đầu tư công, triển khai gói tín dụng 145 nghìn tỷ đồng cho nhà ở xã hội chưa đáp ứng kỳ vọng.

Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, phấn đấu đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu của năm 2024, tạo đà cho năm 2025 (hiện nền kinh tế đã đạt 13/15 chỉ tiêu).

Với mục tiêu Thủ tướng đề ra, tăng trưởng GDP quyết tâm đạt 7,5% trong quý IV/2024, “đòn bẩy” lớn đang trông đợi hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác.


Source link