Bước sang tháng 12, thị trường chứng khoán Việt Nam dần lấy lại sự cân bằng và thậm chí sau đó đã tăng điểm mạnh với sự hỗ trợ của các cổ phiếu vốn hóa lớn trong rổ VN30. Trong đó, các nhóm cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng duy trì đà tăng tốt và đóng vai trò dẫn dắt quan trọng trên thị trường.
Một số yếu tố đang thu hút nhà đầu tư như tăng trưởng GDP quý IV được kỳ vọng duy trì tích cực; một số ngành như đầu tư công dự kiến tăng tốc không chỉ vào quý IV mà tiếp tục trong năm 2025; xuất nhập khẩu kỳ vọng sẽ duy trì khả quan trước khi các chính sách thuế quan mới của Mỹ được đưa ra.
Ngoài ra, mục tiêu nâng hạng lên thị trường mới nổi vẫn được đẩy mạnh. Tuy còn một số vướng mắc trong vận hành, FTSE đã có đánh giá khả quan về việc đưa sản phẩm NPS (Non Pre-funding Solution – dịch vụ cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài (NĐTTCNN) đặt lệnh chứng khoán mà không cần đủ tiền) vào thực tế. Dự kiến, FTSE sẽ có cuộc họp đánh giá triển vọng nâng hạng của Việt Nam vào tháng 1/2025.
Một yếu tố khác đến từ định giá của thị trường chứng khoán trong nước. Theo dữ liệu từ Chứng khoán VNDirect, P/E trượt của VN-Index hiện chiết khẩu hơn 10,3% so với mức trung bình 5 năm. Thị trường chưa đánh giá đúng về triển vọng lợi nhuận quý IV tăng trưởng trên 20% theo dự báo của VNDirect.
“Thị trường cũng đã phản ánh phần lớn những rủi ro về các chính sách đề xuất của Tổng thống đắc cử Donald Trump, điều đã đẩy chỉ số DXY chạm mức 107. Chúng tôi tin rằng Fed sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 12 sắp tới. Điều này có thể làm hạ nhiệt chỉ số DXY, qua đó giảm áp lực lên tỷ giá VND và tạo điều kiện cho NHNN có thể tập trung hơn vào hỗ trợ thanh khoản hệ thống và tăng trưởng tín dụng. Những yếu tố này có thể thúc đẩy mức P/E của thị trường tăng cao hơn vào cuối năm nay”, VNDirect đánh giá.
Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam, dù đã tăng 4/6 phiên trong tháng 12 nhưng định giá chứng khoán Việt Nam vẫn ở mức hấp dẫn.
“Nhiều nhà đầu tư bày tỏ lo ngại về một kịch bản có thể lặp lại khi chứng khoán tăng mạnh phiên 12/8, rồi giảm sâu. Tuy nhiên, bối cảnh hiện tại rất khác. VN-Index hiện tại có mức định giá rẻ hơn thời điểm 16/8 do lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết trong quý III/2024 tiếp tục tăng trưởng. Ngoài ra, thị trường không bị rơi vào khoảng trống thông tin như thời điểm trước khi giờ còn lực đẩy từ thông tin nâng hạng, sự ổn định của kinh tế vĩ mô, thông tin NVIDA thành lập trung tâm Nghiên cứu – Phát triển AI tại Việt Nam…”, ông Minh chia sẻ.
Xây dựng danh mục cho năm 2025
Mức định giá thấp của VN-Index sẽ là cơ hội để nhà đầu tư tái cơ cấu danh mục. Theo SSI Research, sau một tháng điều chỉnh, lợi thế sẽ thuộc về các nhóm ngành đang ở vùng định giá thấp và có các yếu tố hỗ trợ ngắn hạn như ngân hàng, chứng khoán, xuất khẩu (dệt may, thủy sản), bất động sản.
“Tận dụng biến động giảm để tích lũy cổ phiếu đầu ngành các nhóm này, NĐT cần đa dạng hóa danh mục và chủ động bảo vệ lợi nhuận khi đạt kỳ vọng. Rủi ro cho nhịp phục hồi: Biến động tỷ giá quay lại, rủi ro khó đoán định từ các thông điệp chính sách thương mại của Tổng thống đắc cử Donald Trump”, SSI Research khuyến nghị.
Về phần mình, VNDirect nhìn nhận VN-Index sẽ dạo động quanh mức 1.250–1.270 điểm vào cuối năm nay, dựa trên giả định tăng trưởng lợi nhuận ròng của thị trường đạt 18% và mức P/E mục tiêu là 13,0 lần. Mức P/E mục này thấp hơn mức P/E cuối năm 2023 là 13,4 lần.
VNDirect cũng nhấn mạnh dù tăng trưởng kinh tế và bức tranh lợi nhuận của các công ty niêm yết đã có sự cải thiện, nhưng những điều tích cực này chưa được phản ánh đầy đủ vào định giá thị trường, do những vấn đề sau: mức bán ròng kỷ lục từ các nhà đầu tư nước ngoài, áp lực tỷ giá và căng thẳng thanh khoản lớn hơn trong những tháng cuối năm nay so với cùng kỳ năm 2023.
Với mức định giá hiện tại và bối cảnh kinh tế vĩ mô, VNDirect cho rằng đây là thời điểm thích hợp để các nhà đầu tư dài hạn chủ động phân bổ vốn và tích lũy cổ phiếu nhằm xây dựng danh mục cho năm 2025. Tuy vậy, VNDirect cũng lưu ý do thị trường vẫn chưa xác lập được xu hướng tăng vững chắc, việc sử dụng đòn bẩy tài chính quá mức có thể gây phản tác dụng và gia tăng rủi ro. Các nhà đầu tư được khuyến nghị áp dụng chiến lược phân bổ vốn thận trọng.