Chi tiết

Doanh nghiệp Âu – Mỹ “điêu đứng” tại thị trường Trung Quốc

asml-office.jpg
Khoảng 50% doanh thu của ASML đến từ Trung Quốc (Ảnh: dutchnews)

ASML, nhà chế tạo thiết bị sản xuất chip số 1 thế giới, vừa công bố kế hoạch kinh doanh năm tới. Theo đó, công ty này dự kiến ​​doanh thu thuần trong năm 2025 sẽ đạt từ 32,7 – 38,1 tỷ đô la Mỹ giảm hơn 50% so với chỉ tiêu mà ASML đặt ra trước đây.

Sau khi báo cáo công bố, cổ phiếu ASML đã giảm tới 16%, khiến công ty này mất hơn 50 tỷ đô la Mỹ vốn hóa thị trường chỉ trong một ngày. Điều đó cho thấy nhà đầu tư “đánh hơi” được tính bất ổn khi ASML có nguy cơ mất thị trường lớn nhất của mình.

Ngoài sự sụt giảm đơn đặt hàng từ Intel và Samsung, căng thẳng địa chính trị đang gây áp lực lên triển vọng năm 2025 của AMSL, cụ thể là mối quan hệ công nghệ Mỹ – Trung Quốc ở mức “rất xấu”.

Roger Dassen, Giám đốc tài chính của ASML cho biết, dự kiến ​​doanh số bán hàng tại Trung Quốc sẽ giảm vào năm tới do các hạn chế xuất khẩu của Mỹ sẽ khiến công ty mất 25-30% doanh số.

Công ty công nghệ có trụ sở tại Hà Lan này là một phần không thể thiếu của chuỗi cung ứng chip toàn cầu. Từ Nvidia đến Taiwan Semiconductor Manufacturing, SMIC, Samsung, Intel, Micron,…đều cần có máy quang khắc cực tím do ASML độc quyền sản xuất.

Dẫu vậy, các khách hàng ở Trung Quốc quá tiềm năng để giúp cho công ty Hà Lan duy trì tầm ảnh hưởng – nhiều công ty đang tích cực mua sắm công nghệ cũ của ASML, một mặt tránh được lệnh cấm của Washington; mặt khác để sản xuất dòng chip phổ biến trên 7nm.

Từ đầu năm đến nay, các công ty sản xuất chip Trung Quốc đã chọn đặt hàng máy in thạch bản cực tím DUV của ASML. Riêng công nghệ DUV là hệ thống in thạch bản hạng hai của ASML – tạo ra tới 29% trong tổng doanh thu.

Thị trường Trung Quốc luôn luôn đóng góp khoảng 50% doanh số của ASML; các thị trường còn lại như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Mỹ và phần còn lại của châu Á chỉ đóng góp từ 2% đến 28% doanh thu cho doanh nghiệp này.

us-china-technology-chips.jpg
Cạnh tranh công nghệ Trung Quốc và Mỹ đẩy nhiều doanh nghiệp vào thế khó (Ảnh: Asia Times)

Thị trường và doanh số là một trong những vấn đề hết sức nhạy cảm trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Trong khi giới chính trị gia tại Nhà trắng liên tục cảm nhận được khả năng đồng thuận giữa các đảng phái trong vấn đề kiềm chế cường quốc châu Á thì không ít tập đoàn lớn vật vã tìm cách rời khỏi nơi làm ăn lý tưởng nhất này.

Không chỉ lĩnh vực chip, hầu hết công ty châu Âu đều không đạt được doanh số như ý, nếu không muốn nói là sụt giảm nhanh chóng tại thị trường Trung Quốc. Các công ty này chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực thời trang, đồ uống, thực phẩm, dịch vụ, bán lẻ, ô tô, công nghệ.

Một cuộc thăm dò của Phòng Thương mại Mỹ cho thấy tỷ lệ các doanh nghiệp xếp Trung Quốc là điểm đến đầu tư hàng đầu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi cuộc khảo sát hàng năm này bắt đầu 25 năm trước.

Nền kinh tế số 2 thế giới giảm phát, dư thừa công suất khiến tỷ suất lợi nhuận giảm xuống. Chủ tịch Euro Charm, Eskelund nói: “Đây không chỉ là lời than vãn của các công ty châu Âu. Điều này cũng không kém phần đau đớn, thậm chí còn đau đớn hơn đối với các công ty Trung Quốc”.

Nguồn