Chi tiết

Doanh nghiệp cần nâng ‘chất’ để đón nâng hạng

Bà Trần Anh Đào, Phó Tổng giám đốc Phụ trách Ban điều hành Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE). Ảnh Talk show Phố Tài Chính.

Mặc dù nền kinh tế, thị trường chứng khoán vẫn còn phải đối mặt với những khó khăn trong năm 2024, nhưng đến thời điểm hiện tại, chỉ số VN-Index đã tăng gần 12% so với cuối năm trước, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đã tăng khoảng 15,8% so với cuối năm trước, tương đương 67,2% GDP của năm 2023. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp niêm yết ngày càng đi sâu về chất lượng, ngày càng minh bạch hơn và số lượng vi phạm giảm.

Trao đổi trong Talk show Phố Tài Chính, bà Trần Anh Đào, Phó Tổng giám đốc Phụ trách Ban điều hành Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho biết diễn biến tích cực trên là nhờ có các yếu tố cơ bản sau.

Một là sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô. Thời gian qua, Chính phủ đã nghiên cứu và áp dụng nhiều chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp làm đòn bẩy cho việc phát triển nền kinh tế chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Trong đó có thể kể đến các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ như đẩy mạnh đầu tư công, giảm thuế, giữ ổn định tỷ giá hối đoái, hạ lãi suất cho vay, điều hành thị trường mở khéo léo, mềm dẻo.

Hai là sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024, những ngành kinh tế chủ chốt như bất động sản, tài chính, công nghệ thông tin, hàng tiêu dùng… đang dần phục hồi sau đại dịch cùng với sự hỗ trợ từ nhiều cơ chế mới được ban hành. Các chỉ số ngành tại HOSE đều ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể, trong đó, đáng chú ý nhất là chỉ số ngành công nghệ thông tin tăng 84,8%, ngành hàng tiêu dùng tăng 56,9%, ngành tài chính tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng lợi nhuận sau thuế 9 tháng của các công ty niêm yết trên HOSE tăng trưởng 13,97% so với cùng kỳ năm ngoái. Thanh khoản 9 tháng đầu năm 2024 trên HOSE ghi nhận sự tăng trưởng với tổng giá trị giao dịch đạt trên 144 tỷ USD, tăng hơn 33% so với 9 tháng đầu năm 2023.

Ba là việc ban hành các chính sách tích cực của ngành chứng khoán. Trong năm 2024, ngành chứng khoán chủ trương tập trung nâng cao chất lượng của hàng hóa niêm yết và công tác giám sát, đảm bảo công khai, minh bạch cho thị trường và góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các công ty niêm yết, các tổ chức, cá nhân đầu tư chứng khoán, tính minh bạch thị trường. Nâng cao chất lượng thẩm định hồ sơ niêm yết mới và quản lý các doanh nghiệp niêm yết nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa niêm yết tại HOSE.

Bên cạnh đó, động thái triển khai chính thức việc thực hiện báo cáo, công bố thông tin (CBTT) một đầu mối với UBCKNN góp phần giảm thiểu thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp niêm yết, tăng hiệu quả, tính kịp thời của thông tin công bố.

Thêm vào đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC ngày 18/9/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Thông tư có những thay đổi, tháo được nút thắt cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam, tạo điều kiện nhiều hơn cho nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) có thể đặt lệnh mua cổ phiếu không cần đủ tiền cũng như tăng cường CBTT bằng tiếng anh từ các công ty niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn.

“Tất cả những yếu tố trên đã thúc đẩy, phục hồi nền kinh tế, từ đó tạo cơ sở vững chắc để thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển”, bà Trần Anh Đào nói.

Thúc đẩy chất lượng doanh nghiệp niêm yết đón nâng hạng

Phó Tổng giám đốc Phụ trách Ban điều hành HOSE cho biết, đến 31/10/2024, có 9 công ty niêm yết mới lên sàn HOSE với khối lượng 2,5 tỷ cổ phiếu, tăng hơn 9 lần so với cả năm 2023. Trong đó, có một số doanh nghiệp lớn trong ngành như ngành bưu chính (VTP), vận tải (QNP), ngoài ra các doanh nghiệp được phân bố ở nhiều lĩnh vực khác nhau như ngân hàng (NAB), tiêu dùng thiết yếu (GEE, MCM), năng lượng (HNA), chứng khoán (DSE, TCI, DSC). Sự gia tăng số lượng doanh nghiệp mới, tạo điều kiện cho nhà đầu tư có thêm nhiều sự lựa chọn đầu tư.

Bà Trần Anh Đào cho rằng để sẵn sàng đón được dòng vốn ngoại khi TTCK được nâng hạng, các doanh nghiệp niêm yết (DNNY) cần tập trung nâng cao chất lượng về công bố thông tin và quản trị doanh nghiệp tốt.

Về minh bạch thông tin, DNNY cần đảm bảo thông tin công bố là trung thực, khách quan, đầy đủ, kịp thời. Minh bạch không chỉ đối với thông tin bắt buộc công bố mà còn phải chủ động cung cấp những thông tin cần thiết để bảo vệ quyền lợi cổ đông và duy trì lòng tin nhà đầu tư. Đồng thời, theo thông tư 68/2024/TT-BTC quy định về lộ trình CBTT bằng tiếng Anh đối với các công ty đại chúng thì DNNY phải CBTT định kỳ đồng thời bằng tiếng anh kể từ 1/1/2025, CBTT bất thường đồng thời bằng tiếng Anh kể từ 1/1/2026.

Bên cạnh đó, DNNY cần chuẩn bị nguồn lực để áp dụng chuẩn mực IFRS theo đúng lộ trình của Bộ Tài chính, góp phần nâng cao tính minh bạch cũng như có thể so sánh được trên phạm vi quốc tế, từ đó huy động được nguồn vốn mang tính chất toàn cầu.

Còn về thực hành quản trị doanh nghiệp hướng đến phát triển bền vững, vượt trên tuân thủ, doanh nghiệp nên áp dụng các nguyên tắc quản trị công ty theo thông lệ tốt từ những thị trường phát triển, tích hợp các tiêu chí ESG vào hoạt động của mình. Những tiêu chuẩn này không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả kinh doanh mà còn góp phần bảo vệ môi trường và đóng góp cho xã hội, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và tiếp cận nguồn vốn từ nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.

Bà Trần Anh Đào cho biết bước sang năm 2025, để hoàn thành các mục tiêu Chính phủ, Bộ Tài chính đề ra, HOSE cũng đưa ra chiến lược cụ thể để thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển.

Thứ nhất là đảm bảo vận hành hệ thống công nghệ thông tin thông suốt, an toàn, hiệu quả đáp ứng được lộ trình về nâng hạng và sắp xếp lại thị trường theo yêu cầu của cơ quan quản lý.

Thứ hai là đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của Sở GDCK TP.HCM, để phục vụ các nhu cầu của thành viên thị trường và phù hợp với mục tiêu, định hướng của Bộ Tài chính về kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Thứ ba là tập trung nâng cao năng lực và chất lượng công tác giám sát, đảm bảo công khai, minh bạch cho thị trường, cũng như hỗ trợ các công ty niêm yết trong việc thực hiện công bố thông tin, minh bạch thông tin.

Thứ tư là nâng cao nhận thức và thực hành về môi trường (E), về xã hội (S) và quản trị công ty (G) các yếu tố ESG tại Sở GDCK TP.HCM và tại các thành viên thị trường, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Thứ năm là tiếp tục chuẩn hóa công tác quản trị nội bộ, nâng cao năng lực chuyên môn của các bộ phận nghiệp vụ, hướng đến tính hiệu quả, chuyên nghiệp.



Nguồn