Khi các nhà lãnh đạo toàn cầu chuẩn bị đánh giá tác động của biến đổi khí hậu tại hội nghị thượng đỉnh COP29 sắp tới, ngày càng nhiều công ty châu Á đang bắt tay vào con đường phát triển bền vững bằng cách cân bằng giữa mục tiêu tăng trưởng doanh thu và bảo vệ môi trường.
Các doanh nghiệp này đang khám phá các giải pháp chuyên biệt để bảo vệ cộng đồng của họ trước điều kiện thời tiết khắc nghiệt và nhiệt độ tăng cao, đồng thời vẫn tập trung vào việc đáp ứng lợi ích của các cổ đông.
Ông Sunil Puri, Phó chủ tịch cấp cao tại Stewardship Asia Centre, một tổ chức phi lợi nhuận hướng dẫn các công ty về các mục tiêu bền vững song song với tăng trưởng kinh doanh cho biết, có nhiều cách để các doanh nghiệp tập trung vào tính bền vững và làm hài lòng các cổ đông.
“Miễn là các doanh nghiệp có thể liên tục thúc đẩy tăng trưởng có lợi nhuận, các cổ đông sẽ không bận tâm đến chương trình nghị sự của công ty về môi trường, xã hội và quản trị (ESG)”, ông nói.
Cụ thể, ông cho biết, các CEO có thể thuyết phục các cổ đông nhìn xa hơn các báo cáo doanh thu hàng quý và ủng hộ các dự án kinh doanh liên quan đến khí hậu với tầm nhìn dài hạn.
Theo ông Puri, các dự án như vậy đều mất nhiều thời gian hơn để tạo ra doanh thu và lợi nhuận so với các hoạt động công nghiệp thông thường.
Mặt khác, ông Puri cho biết, một cách khác là các doanh nghiệp có thể thay đổi mô hình kinh doanh sao cho doanh nghiệp phát triển bằng cách làm những điều có ích cho xã hội.
Đánh giá về các quy định của chính phủ nhằm thúc đẩy phát triển bền vững, các chuyên gia cho rằng, các quy định thường không hiệu quả ngay cả khi chúng cần thiết để giúp đạt được các mục tiêu về khí hậu.
“Nếu có quá nhiều quy định, dù các doanh nghiệp có thích hay không, họ vẫn sẽ phải tìm cách đáp ứng chúng. Làm sao để đảm bảo rằng các doanh nghiệp đã làm đủ để cơ quan quản lý không truy vấn mình?” ông nói thêm.
Tại Singapore, dự án Ocean Purpose Project (OPP) đã đặt mục tiêu giúp các công ty thúc đẩy bảo tồn đại dương và giảm ô nhiễm nhựa bằng cách biến rác thải nhựa thành các nguồn tài nguyên công nghiệp hữu ích, biến rác thải biển thành nhiên liệu hydro bền vững và sử dụng rong biển để lọc nước và ngăn ngừa tảo nở hoa có hại.
Mathilda D’Silva, Tổng giám đốc điều hành của Ocean Purpose Project cho biết: “Châu Á đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp rác thải nhựa toàn cầu, vừa là nhà sản xuất lớn nhất, vừa là điểm đến chính cho xuất khẩu rác thải từ khắp nơi trên thế giới. Những giải pháp do OPP mang lại không chỉ giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa mà còn tạo ra doanh thu từ việc bán hydro”.
Một số trang trại nuôi cá ở Singapore đã hợp tác với dự án này để cung cấp các giải pháp thay thế thân thiện với môi trường cho các vật liệu đóng gói thông thường bằng cách tạo ra nhựa sinh học từ rong biển.
D’Silva đánh giá, việc đạt được lợi nhuận bền vững là rất quan trọng đối với các doanh nghiệp trong khu vực trong bối cảnh các khoản tín dụng cho tác động bền vững từ các tổ chức tài chính và nguồn vốn từ quỹ đầu tư mạo hiểm đã giảm đi.
“Nhiều giải pháp bền vững hào nhoáng đã thất bại do triển khai không hiệu quả đã khiến phần còn lại của ngành phải đối mặt với các cơ hội tài trợ ngày càng thu hẹp. Hiện nay, các nhà đầu tư ngày càng khuyến khích các dự án phù hợp với tiêu chuẩn ESG, nhưng lại không mấy mặn mà trong việc đầu tư”, D’Silva nhận định.
Bà Bolormaa Luvsandorj, người sáng lập KITE Mông Cổ, nơi cung cấp vốn cho các doanh nghiệp xã hội, cho biết việc tài trợ cho các dự án tác động xã hội phải gắn liền với lợi nhuận ròng.
Một số chuyên gia cho rằng khi đánh giá các công ty tập trung vào phát triển bền vững, doanh thu của họ sẽ không bằng với các doanh nghiệp thương mại khác. Nhưng trên thực tế, doanh thu do cả hai nhóm doanh nghiệp tạo ra có thể gần như ngang nhau vì họ giải quyết nhu cầu cho tương lai.
Mặc dù nhu cầu tìm kiếm các giải pháp bền vững trên toàn thế giới ngày càng cấp thiết, một cuộc khảo sát gần đây về khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cho thấy nhiều doanh nghiệp vẫn còn thiếu hiểu biết về tác động của biến đổi khí hậu với kinh doanh.
Cuộc khảo sát do Deloitte Châu Á – Thái Bình Dương công bố vào tháng 9 cho thấy 45% các công ty trong khu vực đã xác định được những khoảng trống ảnh hưởng đến khả năng báo cáo bền vững của họ.
Will Symons, Trưởng nhóm khí hậu của Deloitte Châu Á – Thái Bình Dương, cho biết những phát hiện cho thấy các giám đốc tài chính của các công ty được khảo sát hiểu được những rủi ro ngày càng tăng và tác động đáng kể đến các chiến lược kinh doanh do biến đổi khí hậu gây ra.
“Nhiều giám đốc điều hành doanh nghiệp chỉ đánh giá tác động dựa trên chi phí và giảm rủi ro, thay vì tiềm năng của ESG trong việc tạo ra giá trị,” ông Symons cho biết và nhấn mạnh rằng lời khuyên mà chúng tôi đưa ra cho các doanh nghiệp là họ cần hành động nhanh vì những người đi đầu trong việc tận dụng quá trình chuyển đổi thường sẽ có lợi thế lớn.