Thông tin tại buổi Tọa đàm “Nhận diện thị trường bất động sản cuối năm 2024, đầu năm 2025”, ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc Đầu tư của DKRA Group cho biết, trong quý III, 18.000 sản phẩm đã được đưa ra thị trường bất động sản (BĐS) TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Lượng tiêu thụ cũng tăng đáng kể ở phân khúc nhà ở vừa túi tiền, với căn hộ tại TP.HCM có giá dưới 60 triệu đồng/m2. Tại các tỉnh lân cận như Bình Dương, mức giá dao động trên dưới 30 triệu đồng/m2 chiếm tỷ lệ lớn trong tổng giao dịch.
Thị trường căn hộ thứ cấp cũng sôi động với các dự án chung cư đã bàn giao, giá giao dịch tăng từ 5-9% so với cùng kỳ 2023.

Bên cạnh đó, phân khúc nhà phố, biệt thự và đất nền cũng ghi nhận tăng trưởng với 6.000 sản phẩm được đưa ra thị trường, tăng 18% so với cùng kỳ. Các giao dịch tập trung chủ yếu ở TP.HCM với mức giá trên dưới 10 tỷ đồng, còn tại các tỉnh giáp ranh như Đồng Nai, Bình Dương và Long An, mức giá giao dịch trên dưới 5 tỷ đồng.
Đối với đất nền, sau khi 3 luật liên quan đến bất động sản được thông qua, đặc biệt là Luật Đất đai, giúp gia tăng mạnh số lượng giao dịch. Trong quý, hơn 9.000 sản phẩm đất nền đã được cung cấp ra thị trường, tăng 17% so với cùng kỳ.
Ông Thắng đánh giá, thời gian tới, đất nền sẽ khan hiếm, đặc biệt là đất nền có sổ, đất thổ cư tại các khu đô thị có dân cư hiện hữu, nơi có tỷ lệ tiêu thụ tăng hơn 30%. Đặc biệt, sau khi bảng giá đất chuẩn bị được ban hành, mặt bằng giá của phân khúc nền thổ cư, đất có sổ đã tăng đột biến.
Mặc dù đất nền tăng thanh khoản nhưng nếu so với thời kỳ “hoàng kim” năm 2019 thì hiện tại mới chỉ đạt 30% mức giao dịch.
Trong khi đó, thị trường BĐS nghỉ dưỡng vẫn còn nhiều khó khăn, với nguồn cung biệt thự nghỉ dưỡng giảm từ 10-20% so với năm ngoái. Ông Thắng cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do tác động từ các cam kết lợi nhuận trước đây giữa chủ đầu tư và khách hàng bị “đổ vỡ”, cộng với ảnh hưởng của dịch COVID-19 và những tranh chấp pháp lý liên quan. Do đó, phân khúc này cần thêm thời gian để khắc phục và ổn định trở lại.

Vị chuyên gia dự báo, trong điều kiện kinh tế vĩ mô tích cực hơn, lãi suất cho vay hấp dẫn (6-6,5%/năm), thị trường BĐS có kỳ vọng phục hồi tốt. Đà hồi phục của thị trường sẽ từ cuối năm 2023, đặc biệt là ở phân khúc căn hộ và nhà ở vừa túi tiền.
Tuy nhiên, để chuyển sang một chu kỳ phát triển tích cực hơn, ông Thắng nhận định, tâm lý nhà đầu tư là yếu tố then chốt. Bởi, theo Ngân hàng Nhà nước, lượng tiền gửi tại ngân hàng đang tăng cao, cho thấy, một bộ phận lớn người dân vẫn giữ tiền mặt, chờ đợi cơ hội đầu tư phù hợp. Vì vậy, những vướng mắc pháp lý cần sớm được tháo gỡ để gia tăng nguồn cung cho thị trường.
Từ sau ngày 1/8, chưa có nhiều dự án được triển khai vì thị trường đang cần thêm thời gian để “thẩm thấu” chính sách. Khoảng cuối năm 2025, thị trường BĐS TP.HCM và các tỉnh lân cận sẽ bước vào một chu kỳ phát triển mới, với kỳ vọng tăng trưởng bền vững và sôi động hơn.
“Sức khỏe” doanh nghiệp còn rất yếu
Cùng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho rằng, thị trường BĐS phía Nam, nhất là TP.HCM đã thoát khỏi vùng khó khăn nhất. Kể từ sau quý I/2023, sang quý II, thị trường đã bắt đầu từng bước phục hồi.
Khoảng cuối năm 2023, thị trường giảm 0,8%. Nhưng, trong 9 tháng năm nay, thị trường đã có mức tăng trưởng dương, đạt khoảng 6-7%, cho thấy sự phục hồi rõ rệt.
Dẫu vậy, Chủ tịch HoREA vẫn quan ngại tình hình “sức khỏe” của các doanh nghiệp BĐS, bởi hiện nay doanh nghiệp còn rất yếu.
Ông nêu quan điểm, trước đây, nhiều doanh nghiệp đã gặp khó khăn và trải qua tình trạng “bạo bệnh”, nhưng hiện đã vượt qua giai đoạn “sinh tử”. Những doanh nghiệp còn tồn tại đến thời điểm này là một điều đáng mừng.
Trong bức tranh chung của thị trường, BĐS công nghiệp vẫn là điểm sáng. Do đó, các doanh nghiệp BĐS nên “liệu cơm gắp mắm”, cân nhắc kỹ lưỡng năng lực đầu tư, tránh dàn trải và bố trí nguồn lực tài chính phù hợp.