Yêu cầu tất yếu…
Nằm trong khuôn khổ Hội thảo thường niên về Phát triển bền vững, đồng thời công bố cuốn đặc san thường niên về Phát triển bền vững, Báo Đầu tư vừa tổ chức Hội thảo với chủ đề “Tiên phong Chuyển đổi kép vì một Việt Nam xanh hơn”.
Chia sẻ về chủ đề Hội thảo, Tổng biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh nhấn mạnh, với Việt Nam, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan, là lựa chọn chiến lược và là ưu tiên hàng đầu để phát triển nhanh, bền vững, chuyển đổi nền kinh tế từ nâu sang xanh.
“Đồng hành với Chính phủ trong hành trình đó, không thể thiếu cánh tay đắc lực của cộng đồng DN tại Việt Nam. Họ đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, với nhiều hành động thiết thực, hiệu quả trong các hoạt động đầu tư, kinh doanh ở tất cả các lĩnh vực, các phân ngành của nền kinh tế theo hai xu hướng chuyển đổi chính là chuyển đổi số và chuyển đổi xanh…”- ông Minh nhấn mạnh.
Đồng thời cho rằng, 2 xu hướng chuyển đổi đổi số và chuyển đổi xanh hiện nay, hay còn gọi là chuyển đổi kép, đang mở ra cơ hội to lớn, tạo động lực mạnh mẽ cho Việt Nam, cũng như cộng đồng DN tiến hành chuyển đổi sang mô hình kinh doanh mang tính bền vững, nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức về thể chế, tài chính, công nghệ…
Khẳng định chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đã trở thành những ưu tiên hàng đầu của hầu hết các quốc gia trên thế giới để hướng tới phát triển bền vững trong dài hạn, ông Lê Việt Anh – Vụ trưởng, Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên & Môi trường, Bộ KH&ĐT lưu ý, hai quá trình này hiện chủ yếu diễn ra một cách riêng lẻ, chưa có tính đồng bộ để tận dụng tối đa tiềm năng giúp tăng năng suất và hiệu quả cho DN và các hoạt động kinh tế của nền kinh tế nói chung.
“Đây là hai quá trình không tách rời. Muốn chuyển đổi xanh thì phải dùng chuyển đổi số và muốn chuyển đổi số cũng phải dùng chuyển đổi xanh vì công nghệ số giúp tăng tốc cả thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, song, bản thân công nghệ số cũng cần xanh hơn vì nó tiêu tốn nhiều năng lượng…”- ông Lê Việt Anh phân tích.
Đồng thời lưu ý, việc triển khai Chuyển đổi kép xanh-số luôn cần nắm bắt kịp xu thế tiến bộ của thế giới, đặc biệt là các tiến bộ về khoa học, kỹ thuật, đổi mới sáng tạo. “Do vậy, cần tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin. Nhân đây, tôi kêu gọi các DN, tập đoàn quốc tế lớn, DN FDI cần phát huy vai trò dẫn dắt, hỗ trợ các DN nhỏ và vừa tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam trong quá trình Chuyển đổi kép này…”- Vụ trưởng, Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên & Môi trường, Bộ KH&ĐT Lê Việt Anh kê gọi.
Doanh nghiệp FDI- Vai trò dẫn dắt
Theo ông Trường Bùi, Tổng giám đốc Roland Berger các DN FDI đang đón đầu xu hướng số hóa, tích hợp các công nghệ tiên tiến như AI và tự động hóa để nâng cao hiệu quả.
“Các công ty FDI hàng đầu như Samsung là minh chứng cho quá trình chuyển đổi kép này. Đố là sự kết hợp sử dụng năng lượng tái tạo với chuyển đổi kỹ thuật số. Những nỗ lực này phù hợp với mục tiêu kinh tế của Việt Nam, định vị quốc gia này là điểm đến hàng đầu của FDI tập trung vào tính bền vững và đổi mới…”- ông Trường Bùi khẳng định.
Tại Hội thảo, đại diện nhiều DN đã chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi kép mà HEINEKEN Việt Nam là một điển hình. Năm 2023, DN FDI này lần 8 liên tiếp được Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam công nhận là một trong 3 DN phát triển bền vững nhất Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất.
“Tại HEINEKEN Việt Nam, phát triển bền vững luôn là yếu tố trung tâm trong mọi hoạt động kinh doanh và sản xuất…”- Bà Trần Ngọc Ánh, Giám đốc Ngoại vụ cấp cao tại HEINEKEN Việt Nam chia sẻ.
Với mục tiêu “Vì một Việt Nam tốt đẹp hơn”, chiến lược phát triển bền vững của HEINEKEN Việt Nam tập trung vào ba lĩnh vực: Xã hội; Uống có trách nhiệm; Và Môi trường. Ở mỗi lĩnh vực, DN đều đang theo đuổi những tham vọng lớn theo quy chuẩn của HEINEKEN toàn cầu.
Với lộ trình hiện thực hóa tham vọng Net Zero, ưu tiên của HEINEKEN Việt Nam là chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo và áp dụng tối đa mô hình kinh tế tuần hoàn. “Chúng tôi đo lường, kiểm kê và báo cáo dữ liệu để xác định những lĩnh vực phát thải nhiều nhất trong chuỗi giá trị và tập trung giảm thiểu lượng khí thải carbon trong sản xuất và trên toàn bộ chuỗi giá trị của công ty một cách nhanh nhất có thể..”- Bà Ánh chia sẻ.
Nhờ thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng, HEINEKEN Việt Nam đã đạt 99% năng lượng tái tạo trong sản xuất, trong đó nhiệt năng tái tạo đến từ sinh khối và khí sinh học và toàn bộ điện năng được đảm bảo bằng chứng chỉ thuộc tính năng lượng. Đồng thời duy trì việc “Không rác thải chôn lấp” tại tất cả nhà máy từ năm 2021 nhờ thực hành và áp dụng tốt kinh tế tuần hoàn. Trong năm 2023, HEINEKEN Việt Nam đã giảm 93% phát thải CO2 trong sản xuất so với năm 2018…
“Chúng tôi cũng rất tự hào khi luôn dẫn đầu về hiệu suất sử dụng năng lượng trong các nhà máy HEINEKEN trên toàn cầu. Điều này có được nhờ các đồng nghiệp của chúng tôi tại các nhà máy luôn làm việc với tinh thần “Tốt hơn mỗi ngày” – liên tục rà soát quy trình sản xuất để đổi mới và tối ưu nhất có thể…”- Giám đốc Ngoại vụ cấp cao tại HEINEKEN Việt Nam.
Theo bà Đỗ Lê Thu Ngọc, Trưởng phòng Phát triển bao trùm, UNDP tại Việt Nam, với những nỗ lực từ chính phủ Việt Nam, cùng nhiều các tổ chức phát triển, hiện đã có những tác động tích cực nhất định tới cộng đồng các DN tại Việt Nam.
“Tuy nhiên có thể nhận thấy các DN lớn thường sẽ có khả năng tiếp cận nhanh hơn, và chuyển từ nhận thức thành hành động một cách rõ ràng hơn. Trong khi các công ty nhỏ và vừa thì đa phần mới ở nhận thức, chưa có nhiều sự thay đổi, hành động rõ rệt. Còn nhóm DN siêu nhỏ, hay khối kinh doanh như các Hợp tác xã, Hộ kinh doanh cá thể thì gần như chưa có nhận thức, hay có các hành động thay đổi hướng tới chuyển đổi kép. Trong bối cảnh Việt Nam có tới 98% DN thuộc nhóm nhỏ và vừa, 20% do phụ nữ làm chủ, để phát triển bền vững không thể chỉ có DN lớn tiên phong, mà cần đảm bảo DN nhỏ và vừa, DN do nhóm yếu thế làm chủ không bị để lại phía sau…”- Bà Thu nhấn mạnh.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2023 về xu hướng Chuyển đổi kép chỉ ra sự liên hệ giữa công nghệ số và công nghệ xanh. Trong đó, dựa trên những nghiên cứu, đánh giá sử dụng dữ liệu bằng sáng chế, 16 công nghệ xanh và 11 công nghệ số được lựa chọn là nền tảng cho chuyển đổi kép.
Cũng theo báo cáo này, trong giai đoạn 2017-2021, Việt Nam nắm giữ 15% trong tổng số 493 bằng sáng chế xanh tại các thị trường mới nổi, xếp sau Malaysia (51%) và Thái Lan (20%). Hầu hết các bằng sáng chế về công nghệ chuyển đổi xanh của Việt Nam liên quan đến các lĩnh vực như năng lượng gió, quản lý chất thải, giảm ô nhiễm không khí và nguồn nước, công trình xanh. Trong khi đó, xét về các công nghệ chuyển đổi số, Việt Nam chỉ chiếm 8% trong tổng số 537 bằng sáng chế của các nền kinh tế đang phát triển, xếp sau Malaysia (58%), Philippines (16%) và Thái Lan (11%).