Chuyển đổi kép là khái niệm được đề cập nhiều trong thời gian gần đây để đề cập đến hai cuộc chuyển đổi lớn đang diễn ra đồng thời tại các nền kinh tế toàn cầu và cộng đồng doanh nghiệp. Đó là chuyển đổi xanh và chuyển đổi số.
Yêu cầu tất yếu
Tại hội thảo “Tiên phong chuyển đổi kép vì một Việt Nam xanh hơn”, ông Lê Việt Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học Giáo dục tài nguyên và môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhấn mạnh: chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đã trở thành những ưu tiên hàng đầu của hầu hết các quốc gia trên thế giới để hướng tới phát triển bền vững trong dài hạn.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2023 về xu hướng chuyển đổi kép đã chỉ ra sự liên hệ giữa công nghệ số và công nghệ xanh. Trong đó, dựa trên những nghiên cứu, đánh giá sử dụng dữ liệu bằng sáng chế, 16 công nghệ xanh và 11 công nghệ số được lựa chọn là nền tảng cho chuyển đổi kép.
Cũng theo báo cáo này, trong giai đoạn 2017-2021, Việt Nam nắm giữ 15% trong tổng số 493 bằng sáng chế xanh tại các thị trường mới nổi. Hầu hết các bằng sáng chế về công nghệ chuyển đổi xanh của Việt Nam liên quan đến các lĩnh vực như năng lượng gió, quản lý chất thải, giảm ô nhiễm không khí và nguồn nước, công trình xanh. Trong khi đó, xét về các công nghệ chuyển đổi số, Việt Nam chỉ chiếm 8% trong tổng số 537 bằng sáng chế của các nền kinh tế đang phát triển.
Từ báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho thấy, chuyển đổi số chính động lực thúc quan trọng để thúc đẩy sự thành công chuyển đổi xanh và xu hướng chuyển đổi kép trở thành tất yếu.
Rào cản trong doanh nghiệp
Dù là hai chuyển đổi có quan hệ hữu cơ nhưng hiện nay, hai quá trình này chủ yếu diễn ra một cách riêng lẻ, chưa có tính đồng bộ để tận dụng tối đa tiềm năng giúp tăng năng suất và hiệu quả cho doanh nghiệp và các hoạt động kinh tế của nền kinh tế nói chung.
Từ góc độ ứng dụng trong doanh nghiệp, bà Đỗ Lê Thu Ngọc – Trưởng phòng Phát triển bao trùm của UNDP tại Việt Nam đánh giá, với những nỗ lực từ Chính phủ, các tổ chức phát triển, chuyển đổi kép đã có những tác động tích cực nhất định. Trong quá trình chuyển đổi kép, có thể nhận thấy các doanh nghiệp lớn có khả năng tiếp cận nhanh hơn, quá trình chuyển từ nhận thức thành hành động rõ ràng hơn.
Trong khi đó, ở 98% doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm phần lớn trong cộng đồng doanh nghiệp lại có nhận thức và hành động khác nhau. Cụ thể, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đa phần mới ở nhận thức, chưa có nhiều sự thay đổi, hành động rõ rệt. Nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ hay khối kinh doanh như các hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể gần như chưa có nhận thức, hay có các hành động thay đổi hướng tới chuyển đổi kép.
Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn cho biết đã xây dựng lộ trình chuyển đổi kép vừa góp phần hiện thực hoá mục tiêu NetZero vào năm 2050 mà Chính phủ đã cam kết tại COP26 vừa tìm kiếm các cơ hội kinh doanh mới, phát triển bền vững. Tuy nhiên, khi triển khai các hành động chuyển đổi kép, một số rào cản, thách thức khiến không ít doanh nghiệp gặp khó.
Bà Trần Ngọc Ánh – Giám đốc Ngoại vụ cấp cao tại Heineken Việt Nam chỉ ra 3 thách thức chính.
Thứ nhất, doanh nghiệp càng sản xuất thì phát thải càng nhiều. Vì vậy, để đảm bảo giảm được phát thải trong khi vẫn phát triển đòi hỏi các doanh nghiệp phải hành động giảm phát thải nhanh hơn tốc độ phát triển.
Thứ hai, chính sách và hạ tầng. Doanh nghiệp kì vọng các nhà cung cấp có thể tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp DPPA sớm nhất. Nếu đối tác không thể chuyển sang năng lượng tái tạo, rõ ràng rất khó cho doanh nghiệp thực hiện tham vọng giảm phát thải.
Ngoài ra, thiếu hạ tầng tái chế cũng như thị trường các sản phẩm tái chế. Hiện Việt Nam chưa có nhà máy sản xuất tấm nhôm cuộn từ nhôm tái chế, hầu hết tấm nhôm cuộn có thành phần nhôm tái chế vẫn đang được nhập từ nước ngoài để sản xuất lon nhôm trong nước. Hợp tác trong việc thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn là rất quan trọng.
Thứ ba, phát sinh từ việc hầu hết phát thải nằm trong chuỗi giá trị và chúng ta không thể triển khai riêng lẻ. Thực tế, doanh nghiệp đã dồn lực giảm phát thải trong sản xuất, không lùi lại để thấy được những khó khăn bên ngoài khâu sản xuất, trong chuỗi giá trị. Đây là những khâu doanh nghiệp không thể kiểm soát mà phải có sự phối hợp từ đối tác để cùng chuyển đổi hướng tới phát thải ròng bằng 0 trong hoạt động của họ.