LTS: Nhiều doanh nghiệp đang kêu cứu về việc bị chậm hoàn thuế giá trị gia tăng khiến họ kiệt quệ do bị thiếu hụt dòng tiền. Vậy giải pháp nào để gỡ vướng mắc trong thủ tục hoàn thuế?
Ông Phan Minh Thông – Chủ tịch Phúc Sinh Group, doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất Việt Nam và trong top dẫn đầu về xuất khẩu nông sản Việt đến 102 quốc gia trên toàn thế giới, trao đổi với DĐDN.
– Thưa ông, thời gian qua, đã có không trường hợp các doanh nghiệp, hiệp hội các ngành hàng “than phiền” về việc chậm trễ trong hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT). Phúc Sinh là một trong những doanh nghiệp đang gặp vướng mắc như vậy ở năm nay?
Đối với vấn đề này, đúng là chúng tôi gặp rất nhiều những khó khăn trong việc làm hồ sơ chờ được giải quyết hoàn thuế. Chúng tôi là công ty xuất khẩu gần như 100% và đã có các trường hợp đi trước gặp vướng mắc này, nhưng không hiểu sao việc hoàn thuế cho doanh nghiệp vẫn vô cùng khó khăn.
Chúng ta cũng biết lĩnh vực xuất khẩu đã gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua, đặc biệt trong năm 2023 và cả 8 tháng đầu năm 2024, khi bên cạnh sự biến động và suy giảm nguồn cung thì giá cả hàng hóa tăng vọt và biến động không ngừng, chuỗi cung ứng cũng liên tục khó khăn đặc biệt là những thay đổi về giá cước vận tải, chưa kể các rào cản thương mại khác.
Trong bối cảnh như vậy, doanh nghiệp xuất khẩu đã vô cùng nỗ lực trụ vững, tiếp tục tạo đầu ra cho các ngành hàng và công ăn việc làm cho người lao động. Nhưng nếu như không được hoàn thuế thì chúng tôi sẽ gặp các vấn đề theo chuỗi liên hoàn, bao gồm cả về sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu.
Đầu vào của chúng tôi là mua quần áo may mặc, máy móc, thức ăn, bao bì, chi phí ngân hàng, chi phí cảng biển, tàu biển… chúng tôi phải trả, đều có thuế VAT. Tuy nhiên khi xuất khẩu thì VAT bằng 0 cho nên chúng tôi cần được hoàn thuế. Nếu chúng tôi không được hoàn thuế thì chúng tôi rất khó khăn. Trong khi chúng tôi mà chậm nộp thuế thì chúng tôi bị phạt 0,05%/ngày, thì việc hoàn thuế với số tiền hoàn rất lớn, và chúng tôi bị trễ rất lâu, từ 7, 8 tháng đến cả năm trời mà chúng tôi không nhận được một sự hỗ trợ nào cả. Vì vậy, tôi nghĩ rằng là cơ quan thuế nên có một cái nhìn tích cực hoàn thuế để thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu.
Bên cạnh đó, cũng có một vấn đề vướng mắc nữa: Chúng tôi làm việc với đối tác, các nhà cung cấp. Thời điểm chúng tôi mua hàng, họ vẫn hoạt động và khai thuế bình thường. Tuy nhiên, 1 đến 2 năm sau vì tình hình khó khăn nên họ đóng cửa. Cơ quan thuế lại cho rằng đó là lỗi của chúng tôi nên họ dừng các hoạt động hoàn thuế. Đáng lẽ ra đấy là những vấn đề cơ quan thuế Nhà nước phải kiểm tra. Phúc Sinh đã tuân thủ các quy định về nộp thuế thì chúng tôi phải được hoàn thuế.
– Các nhà máy sản xuất có bị ảnh hưởng trước tình trạng hoàn thuế chậm không thưa ông?
Tôi nhìn thấy các nhà máy sản xuất đầu vào của họ là bao bì, nhân công, máy móc sản xuất, nhưng đầu ra của họ là hàng nông sản thì thuế bằng 0 và họ tích lũy hàng tỷ đến chục tỷ tiền thuế VAT. Họ cũng không hoàn được thuế. Đó là một thách thức vô cùng lớn đối với nhà máy sản xuất đã khó khăn trong vấn đề sản xuất mà họ lại không được hoàn thuế, đó là những yêu cầu, quyền lợi chính đáng.
Nhà nước khuyến khích xây dựng nhà máy nhưng lại không giải quyết việc hoàn thuế thì về lâu dài các nhà máy liệu có thể tồn tại và phát triển mạnh mẽ?
– Vậy theo ông, đâu là những vấn đề cụ thể có thể thay đổi ngay để giải quyết dứt điểm tình trạng này?
Tôi cho rằng khi cơ quan hoàn thuế tiếp nhận và xem hồ sơ, cần đánh giá tổng thể về hồ sơ, doanh nghiệp nào kinh doanh và chấp hành đúng pháp luật, nghĩa vụ thuế thì cần đẩy nhanh hoàn thuế trước; còn hồ sơ nào cần kiểm tra thì bóc tách ra kiểm tra sau. Còn nếu chỉ vì có những hóa đơn nhỏ 5-7 triệu hoặc chục triệu đồng mà ảnh hưởng đến cả hồ sơ hoàn thuế 5-7 tỷ, hàng chục tỷ đồng, thì ảnh hưởng rất lớn hoạt động, đến dòng tiền, kế hoạch kinh doanh và tâm lý của doanh nghiệp.
Và đó là điều mà cơ quan hoàn thuế có thể làm được bởi hiện tại công nghệ thông tin hỗ trợ xử lý rất hiệu quả. Cơ quan hoàn thuế có thể kiểm tra nội bộ của mình, hệ thống cơ quan quản lý theo chiều dọc để dễ dàng hợp tác và xem hóa đơn đấy có đúng không, hoạt động có đúng không và kê khai có đúng không. Còn bắt doanh nghiệp phải đợi chờ, nhiều tháng cho đến cả năm trời như vậy quá sức thiệt thòi cho chúng tôi.
– Được như vậy, theo ông đã đủ công bằng, minh bạch, hài hòa lợi ích đối với doanh nghiệp tuân thủ các quy định?
Về vấn đề hoàn thuế VAT, chúng ta cũng không thể nào lấy cớ rằng là có một số doanh nghiệp gian lận mà lại đình chỉ những doanh nghiệp tốt. Như thế những doanh nghiệp tốt sẽ không sản xuất được, mà trong nền kinh tế, doanh nghiệp hoạt động và chấp pháp tốt tôi tin là rất nhiều.
Nói riêng trong ngành xuất khẩu, đây là một trong những mũi nhọn chủ lực của tăng trưởng GDP. Nhưng khi gặp khó khăn như vậy, thì tôi cảm nhận dường như cơ quan quản lý không nỗ lực vượt khó xử lý cho doanh nghiệp, họ chỉ đơn giản là “không hoàn” – còn các vấn đề khó khăn vẫn nằm ở đó và ngày càng nhiều lên.
Chúng ta gần đây cũng đã có nhiều mổ xẻ, tranh luận về vấn đề áp chế tài cho doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp nợ thuế. Tôi hy vọng và luôn tin tưởng Nhà nước và doanh nghiệp sẽ cùng đồng lòng “lợi ích hài hòa – rủi ro chia sẻ”. Điều này cũng hy vọng sẽ được thực thi với sự công bằng – hỗ trợ nhanh chóng nhất trong hoàn thuế – cho doanh nghiệp!
– Trân trọng cảm ơn ông!
Source link