Đây là một trong những kiến nghị được 43,7% doanh nghiệp bày tỏ tại khảo sát do Tổng cục Thống kê thực hiện và công bố. Khảo sát có sự tham gia của gần 30.000 doanh nghiệp nhằm đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong quý IV năm 2024.
Theo kết quả khảo sát, có 77,3% doanh nghiệp nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý IV năm 2024 tốt hơn và giữ ổn định so với quý III; con số này tăng so với kết quả khảo sát trong quý III.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lạc quan nhất với 79,8% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn và giữ ổn định; 20,2% doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn. Ngành thương mại, dịch vụ có 77,6% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh tốt hơn và giữ ổn định; 22,4% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn. Ngành xây dựng có 73,7% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh tốt hơn và giữ ổn định; 26,3% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn
Theo đánh giá của các doanh nghiệp tham gia khảo sát, thời gian qua Chính phủ và các bộ, cơ quan, địa phương có nhiều chính sách kiến tạo môi trường thuận lợi giúp doanh nghiệp phát triển, trong đó các doanh nghiệp nhỏ và vừa có khả năng vươn lên và phát triển. Đồng thời, khuyến khích cơ chế doanh nghiệp lớn hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo ra chuỗi giá trị nội địa và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước.
Các chính sách pháp luật được thực thi kịp thời và hiệu quả, đặc biệt là tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp thuận lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo đánh giá, chỉ có 2,1% doanh nghiệp còn gặp khó khăn do các chính sách pháp luật của Nhà nước và 1,7% doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn do thiếu năng lượng cho sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh những thuận lợi, kết quả khảo sát quý IV cũng cho thấy, doanh nghiệp còn nhiều một số khó khăn. Phần lớn các doanh nghiệp đều gặp khó khăn ở cả đầu vào và đầu ra.
Về đầu ra, “nhu cầu thị trường trong nước thấp” và “tính cạnh tranh của hàng trong nước cao” là hai yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp với tỷ lệ lựa chọn lần lượt là 51,9% và 44,3%.
Trong khi đó, liên quan đến đầu vào cho sản xuất kinh doanh, hơn 25% doanh nghiệp cho biết giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, chi phí vận tải kho bãi, chi phí các dịch vụ tăng cao là khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp; 17,2% doanh nghiệp cho biết lãi suất vay vốn còn cao; 17,7% doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn do thiếu nguyên vật liệu.
Ngoài ra, 14,4% doanh nghiệp cho rằng thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, quy trình đấu thầu còn phức tạp, chồng chéo làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh; 10,4% doanh nghiệp không tuyển dụng được lao động đáp ứng yêu cầu.
Để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho sản xuất kinh doanh, mong muốn lớn nhất là giảm lãi suất cho vay với tỷ lệ doanh nghiệp kiến nghị là 43,7% nhằm giảm bớt áp lực về chi phí đầu vào; 25,4% doanh nghiệp kiến nghị cần ổn định nguồn cung nguyên, vật liệu; 32,6% doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước cần có các chính sách bình ổn giá nguyên, nhiên, vật liệu, giá dịch vụ đầu vào cho SXKD.
Với các kiến nghị khác, 31,2% doanh nghiệp kiến nghị điều chỉnh chính sách thuế, phí và các khoản nộp ngân sách nhà nước phù hợp; 27,4% doanh nghiệp kiến nghị tiếp tục cắt giảm điều kiện và thủ tục vay vốn và 25,4% doanh nghiệp kiến nghị cần rút ngắn thời gian và cắt giảm quy trình xử lý thủ tục hành chính.
Đối với thị trường đầu ra, 24,8% doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương tiếp tục có các biện pháp kích cầu trong nước; 19,5% doanh nghiệp kiến nghị cần tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm; 20,5% doanh nghiệp mong muốn tham gia sâu vào chuỗi sản xuất, cung ứng.